Tinh hoa văn hóa trong trang phục cưới truyền thống của người Việt
(PLVN) – Theo dòng lịch sử, những chiếc áo cưới của người Việt ngày càng tinh tế và mang nhiều màu sắc hơn. Thông qua trang phục cưới, bao cặp vợ chồng Việt gắn kết với nhau, trao nhau ước nguyện trăm năm và tạo nên những giá trị văn hóa trong đời sống.
Từ sự dịu dàng trong chiếc áo yếm…
Ngày cưới là ngày lễ trọng đại của một đời người. Đối với đời sống người Việt, lễ cưới là minh chứng cho việc 2 người chính thức trở thành vợ chồng, gắn kết se duyên trọn đời với nhau. Vì vậy, trang phục ngày cưới bao giờ cũng đặc biệt hơn cả. Ngày xưa, khi chưa có lễ phục tây, váy cưới trắng theo phong cách hiện đại, cô dâu, chú rể thường sẽ lựa chọn những tấm vải đẹp nhất, quý giá nhất để may trang phục cưới.
Lâu đời nhất, chiếc áo yếm là trang phục nổi bật của cô dâu Việt trong ngày cưới. Cách đây hàng trăm năm, chiếc áo yếm đã xuất hiện và đi vào cuộc sống của bao thế hệ người Việt cổ. Những hiện vật khảo cổ từ thời Đông Sơn, như tượng người trên cán dao găm, trên chuôi kiếm ngắn hay những hình khắc trên tang trống đồng… phản ánh cách phục sức của người phụ nữ thời đó đã mặc yếm.
Từ xa xưa, yếm mộc mạc đã đi vào thơ ca: “Ước gì sông hẹp tày gang. Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”, “Trời mưa trời gió kìn kìn. Ðắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông”. Cũng vì là trang phục thường ngày nên chiếc áo yếm cũng đi vào lễ cưới như một điều tự nhiên. Người phụ nữ chọn chiếc yếm đẹp, che kín phần ngực và bụng, để lộ tấm lưng thắt eo mềm mại, thể hiện nét đẹp dịu dàng, thùy mị, kín đáo của người Á Đông.
Người xưa coi yếm là cái gì đó còn mang tính thiêng liêng, không ai bán yếm may sẵn, người con gái thường tự cắt may lấy, khi giặt, phơi cũng phải kín đáo, tránh lộ liễu. Yếm đào là một phần trang phục không thể thiếu của người con gái thời xưa trong ngày cưới. Khi bước vào tuổi dậy thì, các cô gái bắt đầu chú ý đến bản thân và biết làm đẹp cho mình. Đó cũng là khi họ e ấp mặc chiếc yếm đào với vẻ kín đáo, đằm thắm và dịu dàng.
Theo quan niệm của người xưa, một cô gái đẹp sẽ là người sở hữu phần eo “thắt đáy lưng ong”, thể hiện đầy đủ đức hạnh của một người vợ, người mẹ. Chiếc áo yếm và áo cánh trở thành trang phục ý nghĩa của cô dâu Việt, vừa kín đáo, e ấp, vừa dịu dàng, mềm mại.
Đến biến chuyển đa dạng của trang phục cưới
Qua thời gian dài của lịch sử và những phân hóa trong xã hội, văn hóa và phong tục của người Việt đã có nhiều thay đổi, trong đó bao gồm cả trang phục cưới. Theo chép lại từ sách “Phong tục Việt Nam” của Phan Kế Bính: “Các cô gái sắp lấy chồng, ai nấy đều lo sắm quần áo cưới. Quần áo cưới của chú rể cũng như cô dâu không giống quần áo mặc thường ngày… Bộ quần áo cưới của cô dâu cũng khác bộ quần áo ngày thường và cô dâu tỉnh với cô dâu quê ăn mặc không giống nhau”. Những ghi chép quan trọng này cho thấy trang phục cưới của cô dâu Việt xưa không đơn thuần giống trang phục ngày thường mà có những cách thức, lề lối riêng biệt về cách ăn mặc.
Có một điều đặc biệt trong trang phục cưới của người Việt là chịu ảnh hưởng sâu sắc của 2 nền văn hóa là Trung Hoa và phương Tây. Vì vậy, trong đám cưới Việt, trang phục cưới hoặc là lễ phục tây với nam mặc vest, nữ mặc váy trắng, có khăn voan hoặc là trang phục cưới có màu đỏ tượng trưng cho sự sinh sôi, ấm áp.
Thế nhưng, trong nhiều nghiên cứu về văn hóa xưa chỉ ra rằng, trong đám cưới Việt, màu xanh mới là màu chủ đạo, mang lại điều tốt lành cho một cuộc hôn nhân. Trong bài viết “Gam màu đặc trưng của phục trang xứ Huế” trên trang tờ Nét Cố Đô thì cô dâu Huế mặc áo cặp điều lục, đồng thời giải thích điều là màu đỏ, lục là màu xanh.
Theo chép từ sách “Trang phục Việt Nam” của nhà nghiên cứu trang phục Đoàn Thị Tình: “Cô dâu miền Bắc vào ngày cưới tóc vấn đuôi gà, đầu khăn gài con bướm bạc, cổ đeo kiềng bạc, chuỗi hạt vàng, lưng đeo xà tích, váy sồi đen, mặc áo mớ ba, bên ngoài mặc áo the đen, trong là áo hồng và áo xanh. Cô dâu các miền khác cũng có lối ăn mặc tương tự, nhưng có một số tiểu tiết khác biệt. Cô dâu miền Trung và miền Nam chải lật búi tóc, thay vì vấn đuôi gà. Cô dâu miền Trung có thể mặc lồng hai áo năm thân, bên trong là màu đỏ hoặc hồng điều, bên ngoài là áo vân màu xanh chàm (cũng có thể mặc thêm áo the đen bên ngoài thành áo mớ ba), mặc quần trắng”.
Còn theo dữ liệu từ sách “Nhà ở – Trang phục – Ăn uống của các dân tộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long” của tác giả Phan Thị Yến Tuyết, trang phục cưới được thể hiện cụ thể hơn: “Vào lễ cưới, trang phục của cô dâu, chú rể vùng Gia Định trước kia và vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có những diễn biến theo phong tục và quan điểm thẩm mỹ, thời trang. Cho đến đầu thế kỷ XX… cô dâu mặc áo vân đen mỏng, quần đũi màu hồng sậm, cổ đeo xâu chuỗi hổ phách “hạt to bằng ngón tay cái”, hai tai xỏ đôi bông búp bạc. Dâu và rể đều khoác bên ngoài áo thụng rộng xanh, lót màu cánh sen, khi ra sân có cặp lọng che. Trong những gia đình theo tục cũ, trang phục của cô dâu và chú rể đều là áo cặp.
Đúc kết lại tinh hoa trong chiếc áo dài
Nam Phương Hoàng hậu – người phụ nữ để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam không chỉ bởi sắc vẻ đoan trang, dịu dàng, tính cách nền nã mà còn là bởi những điều đặc biệt trong phong cách thời trang của bà. Dù là người thuộc hàng giới quý tộc và chịu nhiều ảnh hưởng từ phương Tây, Nam Phương Hoàng hậu vẫn tỏ ra là người trân quý các giá trị văn hóa dân tộc, nhất là đối với chiếc áo dài.
Trong ngày cưới, Hoàng hậu tôn nghiêm trong hoàng phục với áo rồng, mũ phượng, đẹp cao quý với áo dài truyền thống. Trong đời sống thường ngày, bà thường chọn vòng cổ, hoa tai, cài áo để kết hợp cùng áo dài. Suốt thời kỳ tại vị nước Nam đến năm 1947, hình ảnh của Hoàng hậu luôn gắn liền với kiểu áo dài dáng suông nhã nhặn kín đáo, tóc vấn khăn và ắt không thể thiếu những chuỗi ngọc trai. Với bà, áo dài và ngọc trai sinh ra để cho nhau như rồng với phượng, khó có thể tách rời.
Dù ngày nay các cặp đôi có nhiều lựa chọn trang phục cho lễ cưới của mình nhưng áo dài nam – nữ vẫn là trang phục không thể thiếu trong dịp lễ này. Áo dài ngày nay được cách điệu, đa dạng hơn về màu sắc và họa tiết nhưng vẫn giữ được nét đẹp nền nã, truyền thống của dân tộc. Có đôi lúc, người ta thích hơn khi ngắm những cô dâu trong bộ áo dài đỏ và chú rể hào hoa trong áo dài nam.
Thông thường những chiếc áo dài cho ngày cưới đều có thêu dệt họa tiết dân tộc: trống đồng, chim hạc, rồng vàng… Màu sắc thường chọn là màu đỏ, màu hồng,… tất cả đều là những gam màu hạnh phúc. Tại các kì Festival áo dài được tổ chức thường niên tại Huế, bên cạnh các mẫu áo dài đơn giản, thuận tiện hay những bộ sưu tập áo dài phá cách, các nhà thiết kế lại quan tâm nhiều hơn đến trang phục áo dài cưới.
Một mặt, áo dài thể hiện được nét đẹp dân tộc qua sự kiện trọng đại của đời người, vì vậy nguồn ý tưởng để sáng tạo luôn rất phong phú, dồi dào. Mặt khác, thuận theo nhu cầu của người Việt ngày nay hướng nhiều hơn về các giá trị văn hóa của dân tộc, vì vậy, áo dài trong ngày cưới là trang phục không thể thiếu đối với họ. Áo dài ngày nay hoàn thiện cả về sắc và hình, khiến cho đôi uyên ương mới nổi bật, tỏa sáng trong chính sự kiện lớn của họ.
Trang phục cưới của người Việt dù mỗi thời kỳ có khác nhau, có đa dạng, có du nhập từ các nền văn hóa trên thế giới nhưng luôn mang màu sắc rất riêng, thể hiện tinh thần dân tộc. Qua trang phục cưới, người Việt thể hiện sự trân trọng, gìn giữ những nét đẹp của văn hóa quê hương và mong ước cho một cuộc sống mới hạnh phúc, viên mãn.