Tại sao đeo nhẫn cưới ở ngón áp út bàn tay trái?
Chắc hẳn ai cũng biết nhẫn cưới được đeo ở ngón tay áp út của bàn tay trái. Tuy nhiên chỉ một số ít mới trả lời được tại sao đeo nhẫn cưới ở ngón áp út bàn tay trái. Cùng khám phá qua bài viết lý thú ngay sau đây nhé!
Quan niệm của người Trung Hoa cổ và trò chơi ngón tay
Người Trung Hoa cổ quan niệm rằng 5 ngón tay lần lượt tượng trưng cho: Ngón cái là cha mẹ, ngón trỏ là bạn bè anh em, ngón giữa là chính bản thân mình, ngón áp út là người mình yêu, ngón út là con cái. Bây giờ bạn sẽ chơi một trò chơi cực kỳ đơn giản nhưng vô cùng hay ho này.
Đầu tiên, bạn hãy úp 2 bàn tay vào với nhau, riêng ngón giữa thì gập xuống và chụm vào nhau.
Tiếp theo bạn tách các ngón tay ra bắt đầu từ ngón cái. Bạn sẽ thấy: 2 ngón cái rất dễ dàng tách ra, hàm ý ở đây đó là cha mẹ sinh thành và dưỡng dục ta lên người rồi cũng sẽ rời xa không thể bên cạnh che chở ta cả đời. 2 ngón trỏ cũng như vậy, hàm ý ở đây đó là anh em bạn bè dù có thân thiết cỡ nào cũng có cuộc sống riêng không thể mãi theo ta. 2 ngón út cũng tương tự, hàm ý ở đây đó là con cái một mai trưởng thành sẽ gây dựng cuộc sống riêng và rời xa ta như cách mà ta rời xa cha mẹ mình. Chỉ có 2 ngón áp út thì dù bạn cố gắng bạn cố gắng nhiều như thế nào cũng không thể tách chúng ra được. Nghĩa là vợ hoặc chồng là người sẽ bên ta suốt cuộc đời, dù khỏe mạnh hay bệnh tật, dù nghèo hèn hay sang giàu, dù bình an hay giông bão. Ở bất kỳ nơi đâu họ cũng sẽ sánh bước cùng ta. Giờ thì bạn đã hiểu được ý nghĩa sâu sắc trong quan niệm của người Trung Hoa về ngón tay đeo nhẫn rồi chứ.
Trò chơi ngón tay giải mã những quan niệm của người Trung Hoa cổ.
Tham khảo thêm:
Niềm tin của các học giả phương Tây
Ở nhiều nước châu Âu, đeo nhẫn cưới ở ngón áp út bàn tay trái xuất hiện từ trước cả khi y học phát triển. Các nhà nghiên cứu có niềm tin mãnh liệt rằng có một tĩnh mạch mang tên Vena Amoris trên ngón tay thứ tư bàn tay trái chạy thẳng về tim. Trong tiếng Latinh “Vena Amoris” cũng có nghĩa là tĩnh mạch tình yêu. Bên cạnh đó, họ cũng cho rằng ngón áp út bàn tay trái gần với trái tim nhất. Tuy nhiên, khoa học ngày nay lại chứng minh điều hoàn toàn ngược lại, đó là Vena Amoris không tồn tại và cũng chẳng có bất kỳ liên hệ nào giữa ngón áp út trái với trái tim như quan niệm của người xưa hết.
Đeo nhẫn cưới ở ngón áp út bàn tay trái phổ biến ở châu Âu từ rất sớm.
Một số quan niệm thú vị khác
Số đông con người đều thuận tay phải, nên nếu đeo nhẫn cưới ở tay trái sẽ giúp ta hoạt động thoải mái hơn và chiếc nhẫn cũng được bảo quản tốt hơn khi hạn chế được va chạm, trầy xước.
Theo thống kê của tạp chí The Wedding Details thì có rất nhiều quốc gia không đeo nhẫn cưới ở ngón áp út bàn tay trái như: Na Uy, Nga, Hy Lạp, Ukraine, Bungari, Phần Lan, Áo, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Họ đeo nhẫn cưới ở tay phải thay vì tay trái.
Theo truyền thống của người Do Thái thì nhẫn cưới sẽ đeo ở ngón trỏ thay vì ngón áp út bàn tay trái.
Đeo nhẫn cưới ở ngón áp út bàn tay trái không phải quy tắc chung trên thế giới.
Kết luận
Như bạn thấy, trên thế giới hiện nay không có bất kỳ một quy chuẩn hay luật lệ bắt buộc nào về việc đeo nhẫn cưới ở ngón tay út bàn tay trái. Bạn có thể đeo ở bất cứ ngón tay nào mà bạn cảm thấy thích hoặc để cho bạn dễ dàng làm việc. Bởi vì trên hết là tình yêu chân thành mà bạn và người yêu dành cho nhau. Đó mới là thứ bền vững và đáng trân trọng nhất.
Hãy đeo nhẫn cưới ở ngón tay mà bạn cảm thấy thoải mái nhất.