04 lưu ý khi có thai trước khi cưới

Quan hệ tình dục trước hôn nhân dường như đang là xu hướng của giới trẻ hiện nay. Vậy một khi lỡ “ăn cơm trước kẻng” nên biết 4 điều sau đây để bảo vệ quyền lợi của mình.

1. Khai sinh cho con sẽ không có tên cha

Khi nam nữ đủ điều kiện mà không đăng ký kết hôn sẽ không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Bởi vậy, khi có con trước hôn nhân, trước hết đứa bé sẽ là người thiệt thòi đầu tiên.

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khi đăng ký khai sinh cho con mà cha mẹ chưa đăng ký kết hôn thì phần thông tin về người cha sẽ bị bỏ trống. Lúc này, đứa trẻ sẽ được khai sinh trong trường hợp không xác định được cha.

Khi người cha muốn ghi tên mình vào giấy khai sinh của con thì phải làm đồng thời hai thủ tục:

– Thủ tục nhận cha con

– Thủ tục đăng ký khai sinh cho con

Do đó, tốt nhất nên đăng ký kết hôn trước khi sinh con để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đứa trẻ.

2. Làm người yêu có thai không cưới …. không bị sao cả

Mọi người vẫn nhầm lẫn khi cho rằng làm người yêu có thai không cưới sẽ vi phạm cả đạo đức lẫn pháp luật. Tuy nhiên, hiện tại không có điều luật nào buộc phải cưới khi làm người khác có thai bởi pháp luật chỉ can thiệp khi phát sinh quan hệ hôn nhân – đã đăng ký kết hôn hợp pháp.

Dù vậy, khi đứa trẻ được sinh ra, người cha vẫn phải có trách nhiệm cấp dưỡng theo quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Lưu ý khi có thai trước khi cưới

04 lưu ý khi có thai trước khi cưới (Ảnh minh họa)

3. Không được phá thai vì lựa chọn giới tính

Tại khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989 thì phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng. Tuy nhiên, nếu vì lựa chọn giới tính thì sẽ bị cấm theo quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Theo đó, người mang thai sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu phá thai do muốn lựa chọn giới tính thai nhi (Điều 84 Nghị định 176/2013/NĐ-CP)

4. Giúp người khác phá thai trái phép sẽ bị đi tù

Các cơ sở y tế và các cá nhân, tổ chức nếu biết người đang mang thai muốn phá thai vì lựa chọn giới tính cũng sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Theo đó, sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng.

Bên cạnh đó còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội phá thai trái phép tại Điều 316 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, khung hình phạt cao nhất có thể là 15 năm tù giam.

Trên đây là 04 lưu ý khi lỡ “ăn cơm trước kẻng” cần nhớ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cặp đôi. Để tìm đọc thêm các thông tin về hôn nhân, có thể xem tiếp tại đây.

Nguyễn Hương