3 điều kỳ lạ Alexander Đại đế trăng trối trước khi qua đời là gì?
Trong những danh tướng lẫy lừng nhất của thế giới cổ đại, rất ít người được sử sách tôn sùng như Alexander Đại đế. Ở tuổi 20, ông đã lập nên những chiến công hiển hách trên chiến trường, trở thành vị vua cai trị đế quốc Marcedonia, làm chủ nhiều vùng đất rộng lớn khác.
Một bức họa của Alexander Đại đế (Ảnh: Internet)
Trong vòng 10 năm tiếp theo, ông lần lượt chinh phục những vùng đất rộng lớn như Hy Lạp, Ai Cập, châu Á… để tạo nên một đế quốc vĩ đại, khiến hậu thế nghìn năm sau còn ngưỡng mộ. Sự nghiệp chinh chiến vĩ đại của ông là có một không hai. Nhưng cái chết của ông cũng để lại nhiều suy ngẫm cho người đời.
Hoàng đế vĩ đại
Alexander sinh ra ở Pella, thủ đô cổ đại của Macedonia vào năm 356 TCN. Ông là con của vua Philip đệ nhị và công chúa Olympias xứ Ipiros. Alexander lớn lên dưới sự dạy dỗ của nhà triết học Aristotle.
Năm 336 TCN, vua Philip bị ám sát, Alexander kế thừa một vương quốc hùng mạnh nhưng đầy bất ổn. Bằng tài năng thiên bẩm của mình, ông nhanh chóng giải quyết hết kẻ thù trong nước và xác lập lại quyền lực của người Macedonia tại Hy Lạp. Sau đó, ông lên đường chinh phạt đế chế Ba Tư khổng lồ.
Vượt qua mọi trở ngại khó khăn, Alexander dẫn dắt quân đội của mình tới những chiến thắng trên khắp lãnh thổ của người Ba Tư tại bán đảo Tiểu Á, Syria và Ai Cập mà không một lần nếm trải mùi thất bại.
Chiến thắng vĩ đại nhất của ông là trận chiến Gaugamela năm 331 TCN, nơi hiện nay là miền bắc Iraq. Vị vua trẻ của Macedonia, người trị vì Hy Lạp, chúa tể bán đảo Tiểu Á và vị pharaoh của Ai Cập đã trở thành “hoàng đế vĩ đại” của Ba Tư ở tuổi 25.
Bản đồ đế chế của Alexander Đại đế. Ảnh: Wikipedia
Trong tám năm tiếp theo, trên cương vị hoàng đế, kiêm chỉ huy quân sự, chính trị gia, học giả và người thám hiểm, Alexander đưa đội quân của mình đi xa thêm khoảng 18.000 km, lập nên 70 thành phố và tạo dựng một đế chế trải khắp ba lục địa và bao phủ khoảng hơn 5 triệu km2.
Bắt đầu từ Hy Lạp ở phía Tây, cho tới sông Danube ở phía Bắc, Ai Cập ở phía Nam, trải dài theo phía Đông cho tới vùng Punjab của Ấn Độ, toàn bộ khu vực này được kết nối trong một mạng lưới thương mại và buôn bán quốc tế rộng lớn, cai trị hàng triệu thần dân đa sắc tộc.
Sau khi không thể tiến thêm về phía đông, Alexander cuối cùng cũng từ bỏ kế hoạch viễn chinh của mình và thừa nhận giới hạn của đế chế dừng lại ở bờ sông Ấn. Năm 323 TCN, trên đường trở về Babylon, Alexander mắc trọng bệnh rồi qua đời ở tuổi 33.
Ước nguyện cuối cùng
Cái chết của ông đến nay vẫn nằm trong vòng bí ẩn. Tuy nhiên, câu chuyện về phút lâm chung của vị hoàng đế vĩ đại này vẫn được người đời truyền tụng không ngớt. Chuyện kể rằng ông nhận ra rằng cái chết sắp sửa đến và ông sẽ không về kịp mảnh đất quê hương. Ông bảo các sỹ quan của mình: “Ta sắp sửa rời khỏi thế gian này. Ta có 3 điều nguyện ước. Các ngươi hãy thực hiện những gì ta bảo”. Các vị tướng tuân lệnh với đôi mắt đẫm lệ.
“Điều ước đầu tiên của ta là hãy bảo thầy thuốc của ta mang cái quan tài của ta về nhà một mình”. Sau khi cố hít thở một hơi, Alexander nói tiếp: “Ước nguyện thứ hai của ta là hãy rải vàng bạc, đá quý trong kho báu của ta trên suốt dọc đường khi các ngươi đưa quan tài của ta đến nấm mồ “.
Sau khi quấn mình trong chiếc chăn và nghỉ một lúc, ông nói tiếp: “Ước muốn cuối cùng của ta là hãy đặt 2 bàn tay ta ra bên ngoài cỗ quan tài”.
Tranh vẽ một trận chiến của Alexander Đại đế. Ảnh: Wikipedia
Mọi người xung quanh ông đều rất tò mò, nhưng không ai dám hỏi nguyên nhân vì sao lại làm như vậy. Vị sủng tướng của Alexander hôn bàn tay ông và hỏi: “Thưa Đức Vua, chúng thần sẽ làm theo mệnh lệnh của Ngài. Nhưng Ngài có thể cho chúng thần biết tại sao Ngài lại muốn chúng thần làm như vậy hay không?”.
Alexander lấy sức thở một hơi dài, đoạn nhìn tất cả một lượt và nói: “Sở dĩ ta yêu cầu các ngươi làm điều đó là muốn nhắn nhủ với con người thế gian 3 điều này”:
Thứ nhất, thầy thuốc giỏi đến thế nào cũng không thể thực sự chữa khỏi bệnh cho chúng ta. Khi đối diện với cái chết, họ cũng đành bất lực. Vì vậy, hãy biết trân quý sinh mệnh của mình.
Thứ hai, tiền bạc, của cải dù nhiều đến đâu, khi chết đi cũng trở thành vô nghĩa, chỉ có thể dùng để lót đường mà thôi.
Thứ ba, khi giã từ cõi đời, thứ con người thực sự còn lại chỉ là hai bàn tay trắng. Ta đến và đi đều là như vậy, cớ sao phải ôm giữ quá nhiều?
Nói xong, Alexander thở dài một tiếng rồi từ từ nhắm mắt và trút hơi thở cuối cùng.