7 câu hỏi phỏng vấn về thái độ thường gặp nhất

Thái độ, tính cách của ứng viên là một trong những yếu tố được nhà tuyển dụng quan tâm hàng đầu. Do đó, trong buổi phỏng vấn, họ thường đặt ra các câu hỏi phỏng vấn về thái độ của ứng viên.

Để ứng phó với tình huống này, bạn cần tìm hiểu và chuẩn bị câu trả lời cho những câu hỏi thường gặp về thái độ trước khi tham gia phỏng vấn tìm kiếm việc làm ở Đà Nẵng, Huế hay Hà Nội…  điển hình là 7 điều sau đây.

Nếu bạn phỏng vấn ở 2 công ty và đều được tuyển dụng, yếu tố nào để bạn cân nhắc chọn lựa?

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của ứng viên khi cân nhắc lựa chọn công ty “đầu quân”. Thông thường là mức lương, chế độ đãi ngộ, môi trường phát triển, cơ hội thăng tiến, chương trình đào tạo hoặc văn hóa doanh nghiệp…

Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu xem ứng viên đề cao yếu tố nào hơn cả. Để trả lời, bạn có thể nêu ra 2 – 3 yếu tố cùng lúc, nhưng đừng nên nhấn mạnh hoặc nêu vấn đề tiền bạc ra đầu tiên. Đây là yếu tố nhạy cảm, dễ khiến nhà tuyển dụng hiểu lầm bạn coi trọng vật chất và quá đề cao tiền lương thay vì những yếu tố phát triển bản thân.

Ai là hình mẫu lý tưởng để bạn học hỏi và noi theo? Vì sao?

Hình mẫu lý tưởng mà ứng viên nêu ra cũng chính là hình ảnh trong tương lai mà ứng viên muốn phấn đấu hướng đến. Chính vì vậy, thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng có thể nắm bắt thái độ, mối quan tâm của ứng viên về sự tham vọng và định nghĩa thành công. Ngoài ra, câu trả lời còn phần nào cho thấy những phẩm chất và hành vi mà ứng viên muốn rèn luyện.

Nắm bắt được điều này, khi gặp câu hỏi như trên, bạn nên lựa chọn những người nổi tiếng và gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghề nghiệp mà bạn theo đuổi. Hãy khái quát về tên tuổi, thành tích và nhấn mạnh những phẩm chất tốt đẹp của hình mẫu lý tưởng bạn nêu ra. Đây cũng là cách gián tiếp để quảng bá bản thân đấy!

Bạn thích làm việc một mình hay làm việc theo nhóm hơn?

Làm việc một mình hay hợp tác nhóm đều có những ưu điểm nhất định. Tốt nhất bạn không nên lựa chọn hẳn một phương thức làm việc nào.

Bạn có thể trả lời: “Tôi vốn thiên về hướng nội nên làm việc một mình rất hiệu quả, song cũng ra sức hợp tác nhóm tốt đẹp khi công việc yêu cầu”. Hay “Tôi rất thích làm việc theo nhóm tại công ty vì có nhiều đồng đội cùng tôi “chiến đấu”, gia tăng tình thân và mức độ hiệu quả. Những lúc ở nhà, tôi vận dụng tối đa năng suất để làm việc một mình”.

Bạn có chấp nhận nói dối khi được yêu cầu không?

Câu trả lời mà nhà tuyển dụng mong muốn được nghe là “Tôi sẽ không nói dối vì bất cứ ai yêu cầu”. Bởi vì nhà tuyển dụng nào cũng cần những ứng viên trung thực, tự tin và có chính kiến. Họ không thích những người lươn lẹo hay nịnh bợ. Vì vậy, đối với câu hỏi này, bạn đừng nên trả lời nước đôi hay chấp nhận mà thẳng thừng nói “không” nhé.

Bạn nghĩ sao nếu phải thường xuyên tăng ca hoặc đi công tác?

Các câu hỏi phỏng vấn về thái độ dạng này là cách nhà tuyển dụng đánh giá thái độ, trách nhiệm, mức độ ưu tiên mà bạn dành cho công việc đặt trên bàn cân với gia đình và bản thân. Bạn có thể trả lời sẵn sàng tăng ca hoặc đi công tác, thậm chí mang việc về nhà để hoàn thành các nhiệm vụ công ty đề ra. Song bạn cũng nên hỏi lại về mật độ tăng ca/công tác mà công ty yêu cầu để đảm bảo cân bằng với cuộc sống riêng.

Điều gì ở đồng nghiệp khiến bạn cảm thấy khó chịu?

Thật thà kể ra những điểm xấu của đồng nghiệp cũ không phải là cách trả lời khôn ngoan. Nó chỉ khiến hình ảnh bạn trở nên xấu đi, hẹp hòi và nhỏ nhen trong mắt nhà tuyển dụng.

Cách trả lời khéo léo là mỗi người đều có tính cách và ưu nhược điểm riêng, bạn có thể dựa vào ưu điểm của mỗi người để hợp tác ăn ý. Nếu cảm thấy không hài lòng trong công việc, bạn sẽ thẳng thắn góp ý và bàn bạc phương án giải quyết. Bạn làm việc dựa trên hiệu quả chứ không phán xét tính cách của người khác.

Khi khách hàng khiếu nại hoặc phản ứng gay gắt với dịch vụ công ty, bạn sẽ xử lý ra sao?

Với những công ty dịch vụ, thái độ của nhân viên với khách hàng rất quan trọng. Nó quyết định hình ảnh, uy tín công ty cũng như việc khách hàng có gắn bó với các dịch vụ công ty hay không.

Tuy nhiên, không phải vị “thượng đế” nào cũng dễ tính, hòa nhã. Dựa trên thực tế này, nhà tuyển dụng cần kiểm tra thái độ của ứng viên với khách hàng ngay vòng phỏng vấn. Những cụm từ trong câu trả lời khiến nhà tuyển dụng hài lòng chính là bình tĩnh, mềm mỏng, lắng nghe, cầu thị, thông cảm…

Để chọn ra ứng viên sáng giá, ngoài trình độ học vấn, kỹ năng, kinh nghiệm, nhà tuyển dụng còn quan tâm đến thái độ của họ trong công việc. Với các câu hỏi phỏng vấn về thái độ thường gặp ở trên, hi vọng bạn đã có được những tham khảo hữu ích để thể hiện thật tốt trong vòng phỏng vấn sắp tới.

Pha Lê