7 điều tuyệt đối không nên làm khi nhắn tin với người yêu cũ
Đôi khi những câu nói hoặc vài dòng tin nhắn có thể vô tình gợi lại vết thương lòng cho cả hai. Sau đây là những điều tuyệt đối không nên làm khi nhắn tin với người yêu cũ.
1. Sử dụng những từ ngữ âu yếm
Tuyệt đối đừng nhắn tin gọi người yêu cũ là “anh yêu”, “gấu yêu”, “ông xã”…v.v hay bất kì biệt danh dễ thương nào mà cả hai hay gọi nhau lúc còn yêu nhé! Mối quan hệ của cả hai đã kết thúc rồi, vậy nên không nên gợi lại những tên gọi ấy. Bên cạnh đó, việc nhắn tin như vậy sẽ làm cho đối phương cảm thấy bối rối, không biết đáp lại sao cho phù hợp, dễ gây hiểu lầm giữa hai người.
2. Đi thẳng vào vấn đề
Có thể bạn muốn nhắn tin bảo người yêu cũ trả lại một món đồ nào đó trước đây anh ta đã mượn. Chuyện này cũng bình thường thôi. Tuy nhiên, bởi lẽ cả hai đã chia tay rồi vậy nên hãy đi thẳng vào vấn đề. Đừng bắt đầu kiểu tin nhắn ngập ngừng vòng vo như “hi”, “chào anh”, “anh khỏe không”…v.v. Hãy chỉ nói những gì cần nói và ngắn gọn, rành mạch nhất có thể!
3. “Sao không trả lời tin nhắn của tôi?”
Nếu bạn nhắn tin cho người yêu cũ mà người ấy không trả lời, tốt nhất là đừng nhắn tin nữa. Anh ta/cô ta không hồi đáp, có nghĩa đối phương không muốn nói chuyện với bạn. Đó là dấu hiệu ngầm mà bạn phải hiểu được. Nếu cứ mãi nhắn tin cho họ, một là bạn sẽ giống như một người thảm hại muốn níu kéo, hai là sẽ trở thành một người cay cú thích sinh sự với tình cũ. Đừng để bạn bè biết chuyện và cười nhạo bạn nhé!
4. Tin nhắn chửi bới, sỉ vả
Mối quan hệ đã kết thúc rồi, hãy để quá khứ ngủ yên. Dù cho người yêu cũ của bạn có làm gì đi nữa, nếu bạn nhắn tin với thái độ “thù địch” với họ. Họ có thể đem tin nhắn ấy khoe với bạn bè, và sẽ làm xấu đi hình ảnh của bạn trong mắt nhiều người. Khi đã chia tay rồi thì chỉ nên nói những gì cần nói mà thôi, đừng nên tiêu tốn thêm thời gian, sức lực hay tiền điện thoại cho những việc làm không cần thiết. Thậm chí khi người yêu cũ nhắn tin khiêu khích bạn, hãy cứ mặc kệ họ.
5. “Em nhớ anh” / “anh nhớ em”
Trong trường hợp nếu bạn nghĩ vẫn muốn cố gắng cứu vãn mối quan hệ kia, đừng nhắn những tin nhắn có nội dung như trên. Thay vào đó, hãy nhấc điện thoại lên gọi điện và nói chuyện trực tiếp với đối phương. Hãy giải thích bạn cảm thấy như thế nào, bạn bực bội điều gì, những lí do có thể đã làm mối quan hệ rạn nứt…v.v Chỉ có nói chuyện với nhau bạn mới biết được đối phương cảm thấy như thế nào và liệu có cách hàn gắn mối quan hệ của mình hay không,
6. “Em/ anh đính hôn rồi à?”
Có thể trải qua một thời gian rồi, người yêu cũ của bạn có thể đã cưới, đính hôn, hay đang có một mối quan hệ mới. Và điều này chả liên quan gì đến bạn cả! Nhắn tin hỏi về tình trạng mối quan hệ của người yêu cũ giống như việc bạn khơi lại vết thương lòng không chỉ cho họ mà cho cả chính bạn.
7. “Đang làm gì vậy?”
Nếu đã chia tay với một người, không có lý do gì để bạn phải nhắn tin hỏi xem đối phương đang làm gì, như thế nào. Mối quan hệ của hai người đã chính thức kết thúc rồi. Vậy nên trừ khi bạn có thứ gì quan trọng cần nói, còn không thì nên hạn chế giao tiếp qua bất cứ hình thức gì với người yêu cũ. Những câu hỏi về cuộc sống của đối phương sau khi chia tay chỉ nên được đặt ra khi chẳng may bạn tình cờ bạn gặp lại họ ở đâu đó. Và những câu hỏi này cũng chỉ mang tính chất xã giao, lịch sự mà thôi, nhớ nhé!
Chia tay và tiếp tục sống tiếp phần đời của mình đôi khi sẽ rất khó khăn. Trong những giờ phút u sầu, bạn có thể bất giác mà nhắn tin hay tìm cách nói chuyện lại với người yêu cũ. Nhưng hãy nhớ rằng: tình cũ chỉ giống như một gánh nặng, càng buông bỏ sớm được bao nhiêu, càng thoải mái sống tiếp bấy nhiêu.
Theo bạn, còn những điều gì tuyệt đối không nên nhắn tin cho người yêu cũ? Hãy chia sẻ cùng với mọi người nhé!
Minh Nhiên
Theo
Theo Allwomenstalk