Alexander Tú: Đi tìm cho mình tiếng nói quê hương

LÊ THANH PHONG

  –  

Chủ nhật, 29/04/2018 09:01 (GMT+7)

“Tìm em tôi tìm, mình hạc xương mai. Tìm trên non ngàn, một cành hoa khôi. Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối. Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới”… Trong đêm trình diễn thời trang áo dài “Bóng – Hình”, nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu đọc lời của ca khúc “Đóa hoa vô thường” như đọc một bài thơ, Alexander Tu Nguyen cùng nhóm nghệ sĩ múa trên nền thơ của Trịnh.

Alexander Tú: Đi tìm cho mình tiếng nói quê hương

Tôi thấy mình thiếu cái gì đó

Nhiều người ngỡ ngàng khi xem một vũ điệu không phải trên nền nhạc mà trên nền thơ, sau sự ngạc nhiên là chan chứa cảm xúc, những chuyển động của thân thể Alexander Tu Nguyen (Alexander Tú) nhập vào lời thơ, như đang chạm đến nụ cười mong manh, một bờ môi thơm, một cành hoa khôi, một hồn giấy mới.

Sau cái đêm diễn đầy ấn tượng của chương trình “Bóng – Hình”, tôi có dịp trò chuyện sâu hơn với Alexander Tú và thật xúc động khi nghe những câu chuyện về sự “trở về” của anh.

Sinh năm 1980, sống ở Mỹ, trong nhà bắt phải học tiếng Việt, may có ông bà nội ở nhà, dạy cho Alexander Tú nói, không phải mẹ mà là “bà dạy cho con tiếng nói quê hương”. Nhưng khi vào đại học, Alexander Tú tách rời khỏi môi trường gia đình, chỉ nói tiếng Anh. Đôi khi anh cũng có dịp nói tiếng Việt với người thân trong gia đình, nhưng tiếng Việt kém quá, phải thêm tiếng Anh để diễn đạt. Ba của Alexander Tú làm việc trong ngành luật, nghiên cứu Phật giáo, thường trao đổi với anh về Phật giáo và cũng ngầm dạy cho anh văn hóa Việt Nam. Cách dạy của ba anh là không áp đặt mà để văn hóa dân tộc ngấm từ từ vào anh, tự nhiên như nó vốn có. Sẽ đến ngày nó ngấm đủ để Alexander Tú thấy mình là một người Việt thực sự cho dù anh sinh ra và lớn lên ở Mỹ.

   

Và ngày đó đã đến, trong một lần bác sĩ Alexander Tú khám bệnh cho một bệnh nhân người Việt ở bệnh viện tại Los Angeles, bệnh nhân là một người già gốc Việt. Bệnh nhân nói tiếng Việt nhưng Alexander Tú không thể nghe và hiểu hết được. Anh tự nghĩ rằng mình có hết, có tuổi trẻ, có sức khỏe, có học vấn, có việc làm, nhưng thấy mình thiếu một cái gì đó. Alexander Tú nói: “Lúc đó tôi nghĩ, máu đang chảy trong tôi, văn hóa trong tôi, ba mẹ tôi, thân xác tôi là Việt, mà tôi không hiểu được một người Việt nói với mình điều gì”. Câu chuyện cách đây đã 5 năm, nhưng kể lại, trên gương mặt của Alexander Tú vẫn còn chất chứa nỗi buồn, hình như anh rất sợ điều đó xảy ra với mình thêm một lần nữa.

Alexander Tú chợt nhận ra anh thiếu một cái gì đó, nó không phải là căn biệt thự, chiếc xe hơi xa xỉ hay vật chất có thể đo lường được, sờ nắm được, nhận diện được. Không, cái anh thiếu không thể chỉ ngay ra mà phải kiếm tìm, phải để chính trái tim anh rung động, cái gì đó anh chỉ mơ hồ nhận ra.

Cuối năm 2013, Alexander Tú quyết định xin nghỉ việc ở bệnh viện và về Việt Nam, đơn giản chỉ đi du lịch, tìm hiểu quê hương nguồn cội của mình.

Đi chơi, giản dị thế thôi, nhưng chàng tiến sĩ y khoa trẻ tuổi Alexander Tú lại được mời làm biên đạo múa cho chương trình Duyên dáng Việt Nam 2014. Từ chương trình này, Alexander Tú gặp và kết bạn với nghệ sĩ Thanh Bùi, rồi Thanh Bùi mời anh hợp tác giảng dạy tại Soul Music & Performing Arts Academy. Anh còn hợp tác các chương trình của Học viện Ngôi sao, làm giáo khảo cho các cuộc thi nghệ thuật khác. Alexander Tú cho rằng những chuyện xảy đến ngoài dự liệu, nhưng như một cái gì đó giữ chân anh lại.

  

Chạm tới lòng người bằng tiếng mẹ đẻ

Về với Soul, ngoài giảng dạy nghệ thuật múa, Alexander Tú thành lập nhóm Young Lyricist là nhóm thanh niên tài năng để luyện những bài biểu diễn nghệ thuật ở trình độ cao. Nhóm Young Lyricist được mời tham gia chương trình Dance Proms tại Nhà hát Royal Albert Hall (Anh), và đây là lần đầu tiên Alexander Tú thực hiện một cuộc hành trình trở về quê hương để “đưa Việt Nam ra thế giới”. Nhóm múa biểu diễn tác phẩm nghệ thuật do biên đạo múa Alexander Tú, trên nền nhạc của nhạc sĩ Việt, trang phục là áo dài truyền thống Việt của nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu.

Có lần anh chia sẻ, văn hóa Việt Nam có sức hấp dẫn mãnh liệt với anh, và anh tin rằng nếu sử dụng ngôn ngữ của nghệ thuật có chất lượng để diễn đạt văn hóa Việt thì sẽ tạo ra được hiệu ứng thẩm mỹ cao cho người tiếp nhận.

Các hoạt động nghệ thuật và công việc ở trường Soul như thứ keo dính chặt Alexander Tú với Việt Nam, và anh rất vui vì càng làm việc ở Việt Nam thì tiếng Việt của anh càng tiến bộ. Anh kể, dạy cho học trò, có khi muốn diễn đạt điều gì đó thật sâu, nhưng vốn tiếng Việt hạn chế nên không thể nói hết ý được. Cho nên anh tự đặt ra mục tiêu phải vượt quá giới hạn đó, muốn chạm đến lòng người bằng tiếng mẹ đẻ thân yêu.

Alexander Tú là cháu rể của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vì vậy anh cố gắng nghe và hiểu ca từ của nhạc Trịnh. Trong chương trình “Nối vòng tay lớn” biểu diễn nhân kỷ niệm 60 thành lập Trường Đại học Y Dược Huế năm 2016, một bất ngờ với khán giả Huế khó tính, đó là biên đạo múa Alexander Tú cùng các học trò biểu diễn một tác phẩm nghệ thuật múa trên nền nhạc của ca khúc “Diễm xưa” do nghệ sĩ Tuấn Mạnh độc tấu piano. Nhảy múa trên nền nhạc Trịnh là rất liều lĩnh, là quá rủi ro, nhưng tác phẩm của anh thành công ngoài mong đợi, khán giả yêu nhạc Trịnh lần đầu tiên thưởng thức “Diễm xưa” bằng ngôn ngữ múa đẹp đến ngất ngư.

Có lần tâm sự về nhạc Trịnh Công Sơn, Alexander Tú nói thực lòng là “không thể hiểu được lời thơ của cậu Sơn”, với anh đó như là một sự mất mát, một sự thiệt thòi và là một khoảng trống phải lấp đầy.

Thấy Alexander Tú đầy tâm trạng như vậy, chỉ còn cách chia sẻ với anh rằng: “Có mấy ai hiểu hết ý nghĩa ca từ của nhạc Trịnh đâu mà Alex buồn chi cho mệt”.

Hỏi về tương lai, Alexander Tú cho biết anh muốn sống tại Việt Nam vì anh rất yêu Việt Nam. Kế hoạch của Alexander Tú rất cụ thể, dành thời gian học tiếng Việt, theo anh thì không thể thành công ở Việt Nam nếu không học giỏi tiếng Việt. Cùng với học tiếng Việt là tìm hiểu văn hóa, lịch sử Việt Nam. Còn dự định về nghề tay phải của anh là bác sĩ y khoa thì tạm thời… bí mật.

Không chỉ Alexander Tú, còn nhiều bạn trẻ khác, sinh ra lớn lên ở các nước, nhưng vẫn nhớ về cội nguồn, muốn trở về quê hương vì tự thấy dòng máu đang chảy trong thân xác là dòng máu Việt.

ALEXANDER TU NGUYEN

Loma Linda University, School of Allied Health Professions (2017)

Doctor of Occupational Therapy

Loma Linda University, School of Allied Health Professions

Masters in Occupational Therapy (2009)

Làm việc tại Atlantic Memorial Healthcare Center (2009 – 2014)