Alexander lên ngôi – đánh đâu thắng đó

Giai đoạn đầu sau khi nối ngôi, các bộ lạc ở phía bắc Macedon và các thành bang Hy Lạp bùng nổ nhiều cuộc bạo động. Alexander xuất quân một cách quả quyết, lần lượt dập tắt những cuộc nổi loạn ở các địa phương.

Hình ảnh các chiến binh Hy Lạp.

Hình ảnh các chiến binh Hy Lạp.

 Trong đó, số phận của Thebes là bi thảm nhất. Sau khi thành bị hạ, ngoại trừ nhà riêng của nhà thơ Pindar và đền thờ, còn lại tất cả những nhà cửa khác đều bị phá hủy, san bằng 30.000 dân trong thành phố bị bán làm nô lệ. Cuộc thảm sát tại Thebes chẳng khác nào một đòn giáng mạnh xuống đầu những người chống đối, tất cả các thành bang Hy Lạp đều run sợ, cùng nhau bò đến dưới chân vị bá chủ Macedon.

Sau khi Alexander củng cố địa vị thống trị tại Hy Lạp, ông liền tích cực lo việc thực thi kế hoạch chinh phạt đế quốc Ba Tư mà cha ông đã soạn thảo, để qua đó cướp đoạt lấy tài nguyên phong phú ở vùng phía đông. Thời bấy giờ vương triều Achaemnes ở Ba Tư đã từ cường thịnh trở thành suy nhược, nội bộ xảy ra tranh chấp liên miên. Alexander chụp lấy cơ hội đó phát động cuộc viễn chinh, đồng thời, ông cũng sử dụng cuộc viễn chinh này chuyển tầm nhìn của người Hy Lạp đang chống đối Macedon sang một hướng khác, và cũng làm hòa dịu cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị tại các thành bang Hy Lạp.

Mùa xuân năm 334 TCN, Alexander xua quân Đông chinh. Ông chỉ huy một đoàn liên quân Macedon – Hy Lạp gồm 30.000 bộ binh, 5.000 kỵ binh, 160 chiến thuyền ồ ạt vượt qua eo biển Hellespont. Tương truyền lúc bấy giờ Alexander đích thân cầm lái chiếc kỳ hạm của mình, và đã giết một con bò để hiến tế thần biển Poseidon, ông còn dùng một chén vàng đựng rượu rót xuống mặt biển để cúng thần biển. Khi chiến thuyền cập bờ bên kia, tương truyền Alexander mình mặc võ phục, bước lên đại lục châu Á đầu tiên.

Sau đó, ông liền đến viếng Ilium, chiêm ngưỡng thành Troy thời cổ, cũng như lăng mộ của vị anh hùng đã đánh chiếm thành này. Có lẽ ông tin việc đến viếng di chỉ của một chiến trường cổ xưa sẽ giúp cho ông có được những gợi mở cũng như những linh cảm để chiến thắng.

Đầu mùa hè cùng năm, quân đội của Alexander giao phong với quân đội Ba Tư lần đầu tiên tại sông Granicus (nay là sông Kocabas của Thổ Nhĩ Kỳ) nằm về bờ phía Nam của biển Marmara. Đôi bên đã mở một trận hỗn chiến ác liệt bằng kỵ binh.

Tiếng tù và xung trận vang rền tận trời cao. Toán quân tiên phong của Macedon – Hy Lạp cố vượt sang sông, với ý đồ tràn lên bờ bên kia để diệt địch. Quân Ba Tư dựa vào địa thế đất cao của bờ sông, dốc sức chống giặc. Họ phóng những ngọn giáo bay ra như mưa về phía quân đội của Alexander, gây thương vong nặng nề cho quân Macedon – Hy Lạp. Trong tình hình khẩn cấp đó, Alexander đã kịp xua quân tới nơi. Ông có thân hình vạm vỡ, khôi giáp sáng chói, nhanh nhẹn thúc ngựa vượt lên trên các binh sĩ để đánh nhau với quân địch. Một cuộc hỗn chiến liền diễn ra hết sức ác liệt. Cây giáo dài trong tay Alexander bỗng bị gãy. Ông vội vàng ra lệnh cho người tùy tùng đưa một cây giáo khác để thay thế, rồi quay lại tiếp tục ác chiến với quân giặc. Chỉ một đường giáo mạnh như thần của ông đã đâm viên phò mã Ba Tư té xuống ngựa. Cùng một lúc đó, một tướng lãnh khác của quân Ba Tư múa đại đao xông lên chém thẳng vào Alexander, và đã chém bay một góc mũ sắt trên đầu ông. Alexander liền xoáy ngọn giáo lại đâm thủng lồng ngực của viên tướng địch thấu đến tim. Kỵ binh Macedon – Hy Lạp thừa thắng dũng mãnh tràn lên, khiến quân đội Ba Tư dần dần bị núng thế. Cuối cùng họ đã bị đánh bại. Chiến dịch này Alexander đã giành được thắng lợi hoàn toàn, bắt sống hơn 2.000 tù binh địch.

Sau trận chiến thắng đầu tiên, uy danh của Alexander rung chuyển khắp cả vùng Tiểu Á. Những thành phố như Sardis (nay ở gần vùng Izmir của Thổ Nhĩ Kỳ). Epheusus (nay là địa phương nằm về phía Tây của Aydin), cũng như các thành trấn Hy Lạp nằm theo bờ biển Inoia vốn đã thần phục Ba Tư, đều đua nhau mở cửa dâng thành cho nhà vua Macedon xuất hiện với là người giải phóng. Nhưng có hai thành Miletus (nay nằm về phía Nam Soke của Thổ Nhĩ Kỳ) và Halicarnassus (nay là địa phương nằm gần Bodrum) đã chống trả lại quân đội của Alexander một cách ngoan cường. Alexander phải dùng máy bắn đá để bao vây tấn công dữ dội , trong khi bộ binh đua nhau vượt qua những nơi tường bị sụp đổ để tiến vào sát phạt. Rốt cục họ cũng đã chiếm được hai ngôi thành này.

Mùa đông cùng năm, Alexander xua quân tiến sâu vào nội địa Tiểu á, liên tiếp hạ được các thành bang ở vùng Phrygia. Khi Alexander tiến tới thành Gordium, ông đã trèo lên tường thành để quan sát cỗ chiến xa Gordius, và xem kỹ nút thắt của sợi thừng kỳ diệu buộc trên cỗ xe. Theo lời sấm truyền, ai có thể mở được nút thắt của sợi thừng được bện bằng vỏ cây “Sơn thù du”, thì người đó sẽ trở thành bá chủ tại châu á. Nút thắt của sợi thừng này vừa phức tạp lại vừa rắn chắc, không ai có thể hiểu được cách mở nó như thế nào, kể cả Alexander. Trong tình thế khẩn cấp đó, Alexander đã mạnh dạn tuốt thanh bảo kiếm ra chặt đứt nút thắt của sợi thừng và la to lên: “Tôi đã mở được rồi!”.

Alexander tràn ngập niềm tin xua quân tiếp tục tiến xuống phía nam. Mùa thu năm 333 TCN, ông vượt qua vùng núi đồi Cilicia. Lúc bấy giờ Hoàng Đế Ba Tư là Darius III cũng đang xua đại quân của đế quốc tiến lên, chuẩn bị nghênh chiến. Một trận quyết chiến ác liệt giữa đôi bên sắp sửa bùng nổ.

Đại quân của đông khoảng 600.000 người (có thuyết bảo là 360.000 người), so với 35.000 quân đội của Macedon rõ ràng là chiếm ưu thế hơn. Nhưng nội bộ của quân Ba Tư không thống nhất, chỉ huy rối loạn, phẩm chất thấp kém. Lúc ban đầu Darius III chọn vùng đồng bằng Assyria để đóng quân, cho binh sĩ nghỉ ngơi, chờ đối phương từ xa kéo tới. Địa hình nơi đây hết sức có lợi cho việc triển khai một cánh quân lớn, và cũng tiện lợi đối với việc điều động kỵ binh. Nhưng Darius III do thiếu tầm nhìn cũng như thiếu lòng kiên nhẫn, đã nghe theo bọn nịnh thần đang ở chung quanh, buông bỏ vùng đất có địa hình thuận lợi nói trên, hối hả xua quân tiếp tục tiến về phía bắc, vượt qua cửa núi Armenia, rồi đi vòng đến Issus (nay là địa phương nằm gần Iskenderun, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), nằm về phía sau lưng của quân đội Alexander để bố trí trận địa. Nơi đây là một vùng đất hẹp rất khó xoay chuyển. Chính vì vậy, thực chẳng khác nào trước khi bùng nổ cuộc đại chiến, thì Darius III đã dùng hai tay dâng quyền chủ động lên cho Alexander .

Trước tiên, Alexander triệu tập sĩ quan chỉ huy các cấp thuộc các đơn vị để tiến hành động viên, phân tích kỹ tình thế chiến trường cho họ hiểu, và cổ vũ sĩ khí của mình. Ông nói:

“Địch quân trong một thời gian dài vừa qua, luôn sống trong hoàn cảnh thái bình hưởng lạc, còn chúng ta thì luôn luôn chiến đấu và đã vượt qua không biết bao nhiêu thử thách gian nguy, mỗi chiến sĩ đều được luyện rèn nên đã trở thành kiên cường hơn. Một điều quan trọng nữa, đó là trận đánh này chính là một trận quyết đấu giữa người tự do và người nô lệ. Số người đi theo Darius III để đánh giặc đều là những người vì tiền mà bán mạng cho ông ta. Trong khi quân đội của ta đều là chí nguyện quân chiến đấu vì đất nước Hy Lạp, là những chiến sĩ dũng cảm thiện chiến nhất ở á châu. Chỗ yếu kém nhất của quân địch là ô hợp và không có tài năng”.

Đứng trước sự cổ vũ sôi nổi của Alexander, các tướng lãnh hết sức phấn chấn. Đồng thời, qua đó cũng chứng tỏ nghệ thuật lãnh đạo siêu việt của Alexander.

(Theo 10 vị đại đế trên thế giới)