Bánh cưới người Hoa gồm những loại bánh nào? – webdamcuoi

Bánh cưới người Hoa rất đa dạng về chủng loại và số lượng so với bánh cưới của người Việt. Bánh cưới được nhà trai mang sang nhà gái trong lễ đính hôn theo phong tục truyền thống của người Hoa tại Sài Gòn

Bánh cưới là một trong những sính lễ cưới rất quan trọng trong đám cưới truyền thống của người Hoa tại Việt Nam. So với các loại bánh cưới của người Việt thì bánh cưới người Hoa có rất khác biệt. Trong đám cưới thì người Việt không thể thiếu các loại bánh như bánh phu thê, bánh cốm tại các tỉnh phía Bắc, bánh pía ở các tỉnh phía Nam.

Bánh cưới của người Hoa đa dạng hơn về chủng loại, và nhiều
hơn cả về số lượng so với các loại bánh cưới của người Việt. Phổ biến nhất là
các loại bánh như bánh hoa mai, bánh long phụng, bánh bách thảo và bánh vịt muối.

Nguồn góc của bánh cưới người Hoa

Bánh cưới đại diện cho hạnh phúc và sự ngọt ngào trong tình cảm vợ chồng trong phong tục truyền thống của người Hoa. Chính vì thế, trong sính lễ cưới của nhà gái yêu cầu nhà trai phải chuẩn bị lúc nào cũng phải có bánh cưới. Các loại sính lễ cưới và bánh cưới được nhà trai mang sang nhà gái trong ngày lễ đính hôn. Theo phong tục xưa thì các loại bánh và sính lễ cưới được nhà trai thuê người gánh qua nhà gái.

Phong tục gánh bánh trong đám cưới của người Hoa tại Việt Nam

Theo phong tục người Hoa, trong lễ thuyết thân (lễ thuyết thân là lễ xem mắt, nó giống như lễ dạm ngỏ của người Việt) gia đình nhà trai sẽ sang gia đình nhà gái để gặp mặt và xin cưới vợ cho con mình.

Cũng trong buổi gặp mặt này, nếu nhà gái đồng ý gả con gái
mình cho bên nhà trai thì họ sẽ yêu cầu nhà trai chuẩn bị sính lễ cưới. Sính lễ
cưới của người Hoa rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là không thể thiếu các loại
bánh cưới.

Tùy thuộc vào bà con dòng họ của bên nhà gái nhiều hay ít, mà bên nhà gái sẽ yêu cầu bên nhà trai chuẩn bị số lượng bánh cưới nhiều hay ít để mang sang nhà gái. Thời xưa, khi phương tiện giao thông chưa phát triển, các loại bánh cưới sẽ được nhà trai thuê người gánh sang nhà gái trong lễ đính hôn. Cũng chính vì thế mà phong tục gánh bánh cưới là phong tục không thể thiếu trong lễ cưới của người Hoa. Do các sính lễ cưới của bên nhà trai đều được mang sang nhà gái trong lễ đính hôn (tiếng Quảng Đông gọi là Tìng Phánh chữ viết là訂婚)nên người Hoa hay gọi lễ đính hôn là Coi Tài Lậy (過大禮 ).

Sau này, phương tiện vận tải phát triển, người Hoa không còn
gánh bánh qua nhà gái nữa mà chở các loại bánh cũng như sính lễ cưới bằng xích
lô. Hiện tại thì người ta thuê hẳn một chiếc xe hơi hoặc taxi để chở các loại
sính lễ qua nhà gái.

Các loại bánh cưới sau khi được nhà trai gánh sang nhà gái sẽ
được nhà gái chia thành từng phần từng phần. Mỗi phần thường bao gồm 4 loại
bánh khác nhau và 1 thiệp mời dự đám cưới. Nhà gái sẽ mang bánh và thiệp cưới đến
tặng và thông báo mời bà con phía nhà gái dự tiệc cưới.

Bánh cưới người Hoa ở Sài GònBánh cưới người Hoa ở Sài Gòn Bánh Hoa Mai – Bánh Vịt Muối – Bánh Long Phụng và bánh Bách Thảo

Cách chia bánh cưới của nhà gái phát cho bà con và bạn bè

Khi tặng bánh cưới và đưa thiệp mời dự đám cưới, giữa bà con
họ hàng của nhà gái và bạn bè của bạn bè của nhà gái cũng có sự khác biệt.

Đối với những người thuộc họ hàng, bà con của nhà gái như chú, bác, cô, dì, cậu, cháu, ông, bà, con cái…khi phát bánh cưới và thiệp cưới, bao giờ cũng phải là 6 cái bánh.

Còn đối với những người không phải họ hàng thân thuộc của
nhà gái thì số lượng bánh phát ít hơn. Những người này bao gồm bạn bè, đồng
nghiệp, bạn học của cô dâu. Hoặc là bạn bè, đồng nghiệp của cha mẹ cô dâu… Những
đối tượng này thì khi phát bánh và thiệp cưới thì chỉ có 4 cái bánh thôi. Ít
hơn 2 cái so với phần bánh của người thân họ hàng cô dâu.

Ngoài bánh cưới, thì trong phần bánh lễ còn được kèm theo 1 miếng thịt heo quay nữa. Miếng thịt heo quay này chính là miếng thịt heo quay được cắt ra từ con heo quay mà nhà trai mang sang trong lễ đính hôn.

Nhà gái người Hoa phát bánh và phát thiệp cưới thường là
phát chung 1 lượt. Họ cố gắng phát hết trong ít nhất 2 ngày. Nếu cô dâu và người
nhà phát không kịp có thể nhờ người thân trong gia đình như anh chị em phát phụ.
Điều này có 2 lý do chính.

Lý do thứ nhất là do người nhận thiệp mời đều muốn mình là người nhận được thiệp cưới sớm. Nghĩa là họ muốn là một trong những người đầu tiên được thông báo hỷ sự của gia đình. Nếu đưa thiệp cưới trễ quá, họ sẽ cho là mình là người được thông báo sau nên sẽ không vui.

Lý do thứ hai chính là nhà gái phát thiệp cưới thì thường kèm theo bánh và miếng heo quay. Nếu bánh có thể để được thời gian dài thì miếng heo quay nên dùng ngay trong ngày nếu không nó sẽ hư hoặc hết ngon. Chính vì lý do đó mà họ cố gắng phát hết thiệp và phần bánh lễ càng sớm càng tốt.

Các loại bánh cưới người Hoa

Bánh Hoa Mai

Bánh Hoa Mai chính là bánh bông lan được làm thành hình bông
hoa mai mềm mịn. Mặt trên của bánh phình to và rộng, ở bên dưới nhỏ lại trông
giống như một bông hoa mai đang nở. Bên mặt trên của bánh Hoa Mai được điểm
thêm những hạt dưa màu đỏ để tạo điểm nhấn cho bánh.

bánh cưới người hoabánh cưới người hoaBánh hoa mai, một trong những bánh cưới người Hoa

Bánh Long Phụng

Bánh Long Phụng là loại bánh có nhân thập cẩm nhưng không có
trứng muối. Nó là loại bánh nướng có hình bầu dục và nhìn hơi giống giống với
bánh trung thu.Vỏ bánh được đổ từ khuôn bánh có hình Long – Phụng tượng trưng
cho hình ảnh cặp đôi thường dùng trong đám cưới của người Hoa

Bánh Long Phụng, một trong những loại bánh cưới người Hoa

Bánh Bách Thảo

Bánh Bách Thảo còn được người ta gọi là bánh lột da vàng. Bánh Bách Thảo có nhân bánh làm bằng trứng bách thảo như tên gọi của chính loại bánh này. Gói trong lớp nhân đậu xanh thơm ngọt, vỏ bánh màu vàng tươi có in chữ Song Hỷ màu đỏ hình tròn trên mặt bánh. Chính giữa chữ Song Hỷ dược đính thêm lá ngò xanh trang trí tạo thêm vẻ đẹp sinh động cho bánh

Bánh lột da vàngBánh lột da vàngBánh Bách Thảo là loại bánh cưới người Hoa không thể thiếu trong lễ cưới

Bánh Vịt Muối

Bánh Vịt Muối còn được người ta gọi là bánh lột da hồng. Khác với bánh Bách Thảo, Bánh Vịt Muối có nhân làm từ sự hòa quyện giữa đậu xanh nhuyễn mịn và trứng muối ủ đúng ngày để cho ra vị thơm béo tuyệt vời. Cũng giống như bánh Bách Thảo, vỏ bánh vịt muối có in chữ Song Hỷ màu đỏ hình tròn trên mặt bánh, ở giữa chữ Song Hỷ vẫn có trang trí thêm lá ngò xanh. Tuy nhiên sự khác nhau của 2 loại bánh này chính là màu sắc. Bánh Vịt Muối có vỏ bánh màu hồng tươi. Còn Bánh Bách Thảo có vỏ bánh màu Vàng.

Bánh Vịt MuốiBánh Vịt MuốiBánh Vịt muối là loại bánh cưới người Hoa phổ biến tại Sài Gòn

Bánh bà xã

Bánh bà xã là loại bánh ra đời sau này. Nó được cho rằng có nguồn góc từ bộ phim TVB Hongkong nổi tiếng là Chàng Vượng (phim còn có tên khác nữa là Đôi Đũa Lệch). Trong phim này, nhân vật Chàng Vượng là một người bị nhược trí, thiểu năng. Tuy nhiên, anh lại là một người có tấm lòng rất tốt và trong sáng. Số phận đưa đẩy vô tình giúp Chàng Vượng lấy được một cô vợ xinh đẹp và yêu anh ta. Để chứng tỏ tấm lòng chân thành và yêu vợ, Chàng Vượng đã sáng chế và làm ra một món bánh được mọi người rất yêu thích. Anh ta đặt tên món bánh này là bánh bà xã.

>>> Xem thêm: Bánh bà xã, món bánh được ưa chuộng tại Hong Kong

bánh bà xãbánh bà xãBánh bà xã

Thực tế, bánh bà xã được sáng tạo bởi một người phụ nữ của tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc. Sau khi làm ra chiếc bánh này, chồng của cô mang đi giới thiệu đến họ hàng và bạn bè của mình ăn thử. Tất cả đều khen ngon và tán thưởng cho chiếc bánh này. Quá tự hào về chiếc bánh mà vợ mình đã làm ra, người chồng đã đặt tên chiếc bánh này là bánh bà xã. Nghĩa là bánh của vợ. Tiếng Hoa là 老婆餅 đọc là Lụ Pò Bẻng

Ngày nay, một số người Hoa tại Sài Gòn thích theo phong cách của người Hong Kong nên trong đám cưới, họ cũng yêu cầu bên nhà trai mang sính lễ cưới qua phải có thêm loại Bánh Bà Xã nữa.

>>> Xem thêm: Phong tục cưới hỏi của người Hoa ở Sài Gòn

>>> Xem thêm: Tại sao người Phương Tây thích cử hành hôn lễ tại nhà thờ