Bạo lực học đường: Bất an với cách cư xử trong môi trường giáo dục
–
Thứ hai, 05/12/2022 09:06 (GMT+7)
Bạo lực học đường không phải là vấn đề cũ nhưng luôn gây nhức nhối trong dư luận bởi tần suất và mức độ ngày càng gia tăng. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm thuộc về ai và biện pháp nào để đẩy lùi vấn nạn này?
Bạo lực học đường luôn là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận. Đồ hoạ: Vân Trang
Nỗi lo không của riêng ai
Đến thời điểm hiện tại, dù đã là sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Thuý Hạnh (20 tuổi) vẫn không thể nào quên hình ảnh một bạn học trung học cơ sở bị bắt nạt trong suốt thời gian dài.
“Thời điểm đó, bạn học của em bị các anh chị khoá trên đe doạ, hành hung. Bạn em đã rất sợ, không dám báo với bất kỳ ai và chỉ âm thầm chịu đựng.
Sau đó, khi em vô tình phát hiện, thông báo với thầy cô, tình trạng này mới chấm dứt. Bản thân em khi đó cũng rất sợ mình cũng sẽ rơi vào tình cảnh tương tự” – Thuý Hạnh nói.
Bạo lực học đường luôn là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận. Đồ hoạ: Vân Trang
Thực tế, tình trạng bạo lực học đường đã và đang diễn ra ở tất cả bậc học khác nhau. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ; không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh.
Các hành vi bạo lực có thể là bạo lực về thể chất, bạo lực về lời nói hay thậm chí là bạo lực về tinh thần. Thời gian qua, số vụ bạo hành trong môi trường giáo dục ngày càng gia tăng, gây nhức nhối dư luận và trở thành nỗi lo của các bậc phụ huynh.
“Sau gần 2 năm học online ở nhà để phòng chống dịch bệnh, các con gặp phải rất nhiều vấn đề về tâm lý. Các con dễ nổi nóng, dễ cáu gắt, chỉ một hành động, 1 câu cãi vã, 1 hiểu nhầm nhỏ… cũng có thể dẫn đến các hành vi bạo lực học đường. Tôi luôn lo sợ, 1 ngày nào đó, con mình cũng trở thành nạn nhân của các vụ hành hung, đánh đập ở trường học” – chị Bùi Thị Chi (Thanh Xuân, Hà Nội) nói.
Cần có hình thức kỷ luật nghiêm khắc
Bàn về vấn nạn bạo lực học đường, chị Nguyễn Thu Hồng (Thanh Hoá) cho rằng, là cha mẹ, ai cũng xót xa khi chứng kiến con trở thành nạn nhân của các vụ bạo hành tinh thần, thể chất…
Tuy nhiên, theo quan điểm của chị, người lớn cần phải bình tĩnh lắng nghe từ nhiều phương diện thay vì công kích những người đã gây thương tích cho con em mình. Bởi ở lứa tuổi mới lớn, các em học sinh luôn muốn khẳng định bản thân nên rất dễ có những hành động bộc phát. Lỗi sai có thể đến từ 2 phía.
“Tôi từng chứng kiến nhiều vụ mâu thuẫn, xô xát giữa học trò với nhau. Các bậc phụ huynh vì xót con, vội vàng quát mắng, đe nạt, thậm chí buông những lời không hay với những đứa trẻ còn lại. Họ quên mất rằng, chính hành động của họ cũng là bạo lực tinh thần đối với trẻ em” – chị Hồng phân tích.
Người mẹ này nhận định, khi xảy ra tình trạng bạo lực học đường, tuỳ theo mức độ mà có cách xử trí khác nhau. Nhưng điều quan trọng nhất, luôn cần sự chung tay từ nhà trường, gia đình và xã hội để giáo dục, uốn nắn con trẻ.
“Việc dạy dỗ con trẻ không chỉ diễn ra ngay lúc đó mà cả quá trình lâu dài. Nhà trường cần theo dõi biểu hiện của các em học sinh trên lớp bởi không loại trừ những đứa trẻ vẫn còn hằn thù, mâu thuẫn với nhau, dẫn đến những lần hành hung, xô xát tiếp theo” – chị Hồng nói.
Còn theo quan điểm của anh Nguyễn Xuân Sơn (Đống Đa, Hà Nội), để xảy ra tình trạng bạo lực học đường, cần có trách nhiệm của cả phụ huynh và nhà trường.
“Tần suất mà mức độ các vụ đánh nhau xảy ra tại trường học ngày càng lớn. Điều này chứng tỏ, các hình thức răn đe, kỷ luật chưa đủ mạnh để giáo dục con em.
Nên chăng có sự đổi mới mạnh mẽ về luật pháp đối với trẻ vị thành niên (khung hình phạt, cách thức xử phạt, xóa án…), quan trọng nhất là bao gồm cả trách nhiệm của phụ huynh” – anh Sơn chia sẻ.
Bên cạnh đó, phụ huynh này cũng bày tỏ mong muốn, mỗi bậc phụ huynh hãy quan tâm hơn tới con cái, phối hợp cùng giáo viên, nhà trường để giáo dục, uốn nắn con cách cư xử đúng mực nơi trường học, trở thành những người có ích cho xã hội sau này.