Bị lừa bởi “bạn trai” Tây: Chiêu cũ nhưng vẫn nhiều người mắc

Mất tiền vì tin “bạn trai”

Công an TP Hà Nội đang thụ lý, điều tra vụ chị Mai K.A. (SN 1987, trú tại quận Đống Đa) bị lừa đảo số tiền 207 triệu đồng. Chị K.A. kết bạn và quen với một người tự xưng tên Johnson Paul Alexander qua facebook. Thường xuyên liên lạc, chị K.A. rất tin tưởng “bạn trai”. Đến đầu tháng 3/2020, khi mối quan hệ trở nên tốt đẹp hơn, người đàn ông này đã nói chuyện với chị K.A. về một bưu kiện muốn gửi về Việt Nam và ngỏ ý nhờ chị K.A. nhận. Bởi quá tin tưởng “bạn trai”, chị K.A. không ngần ngại mà đồng ý ngay. 

Theo thông báo, đơn hàng được gửi đi ngày 10/3, đến Việt Nam vào ngày 11/3. Sáng 11/3, chị K.A. nhận được điện thoại của một người giới thiệu tên là Thanh, từ đơn vị vận chuyển FEDEX. “Nhân viên” này thông báo có một bưu kiện gửi đến chị K.A., đang làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất; đồng thời, yêu cầu chị nộp số tiền 18 triệu đồng tiền thuế nhập khẩu.

Trưa cùng ngày, “nhân viên” tên Thanh tiếp tục gọi điện cho chị K.A., thông báo bên trong kiện hàng có số tiền ngoại tệ lớn và yêu cầu xác nhận. Chị K.A. liên hệ với “bạn trai” và được xác nhận bên trong có 800.000 USD, nên chị phải nộp tiếp 83 triệu đồng “tiền phí nộp phạt vi phạm quy định chuyển tiền trong hành lý”. Đến sáng 12/3, “nhân viên” kia tiếp tục yêu cầu chị K.A. nộp 106 triệu đồng để bổ sung các giấy tờ đứng tên chị và người phụ nữ này lại tiếp tục thực hiện giao dịch lần 3.

Ngỡ tưởng đến đây là xong thủ tục, đến sáng 13/3, chị K.A. lại nhận được cuộc gọi yêu cầu nộp 175 triệu đồng – mức phí bảo hiểm vì giá trị gói hàng quá lớn. Chị K.A. liên hệ với Johnson Paul Alexander và nói trong tài khoản không còn tiền. “Bạn trai” tiếp tục năn nỉ, nhưng chị K.A. không đồng ý với lý do đang ốm, không vay được tiền. Tiếp tục nhận được điện thoại giục nộp phí vào ngày 14/3, chị K.A. mới sực tỉnh, biết mình bị lừa.

Một trường hợp tương tự khác, Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Cà Mau đang xác minh làm rõ thông tin trình báo của một phụ nữ về việc bị lừa trên 1,5 tỷ đồng. Theo trình bày của chị N.T.M.H. (trú tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), ngày 17/2, chị nhận được cuộc gọi xưng danh “nhân viên sân bay” tại Hà Nội. Người này cho biết, sân bay đang giữ 2 kiện hàng do người tên là Johnson Alexander (ở Mỹ) gửi cho chị. Nếu chị H. muốn nhận hàng phải đóng phí dịch vụ chuyển hàng, phí bảo hiểm…

Tưởng thật, vì chị H. có quen “bạn trai” Tây tên Johnson Alexander qua mạng xã hội, nên liên lạc với tài khoản trên thì được xác nhận có gửi quà giá trị cao về tặng chị. Từ ngày 17 – 20/2, chị H. đã 10 lần chuyển tiền vào một tài khoản với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Dù đã chuyển tiền theo hướng dẫn nhưng vẫn không nhận được 2 kiện hàng như thông báo. Lúc này, biết mình bị lừa khi nhận quà qua mạng xã hội nên chị H. đến cơ quan công an trình báo sự việc…

“Miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột”

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại – Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho hay, lừa đảo qua facebook, zalo là hiện tượng không mới, nhất là trong thời gian qua có dấu hiệu gia tăng các vụ việc lừa đảo qua mạng. Các đối tượng nước ngoài thường nhắm vào các phụ nữ Việt Nam với phương thức làm quen qua facebook, zalo…

Sau một thời gian nói chuyện tạo niềm tin, chúng sẽ thực hiện hành vi lừa đảo. Một trong những hình thức hay sử dụng nhất của các đối tượng đánh vào lòng tham của “bạn gái”, như lừa gửi bưu phẩm, số tiền lớn tặng cho “bạn gái”. Sau đó, đồng bọn gọi điện yêu cầu chuyển tiền để trả tiền phí chuyển tiền, phí chuyển bưu phẩm trước khi giao tiền, giao bưu phẩm. 

Nếu không tỉnh táo, “con mồi” sẽ chuyển tiền vào tài khoản của chúng và không nhận được bất cứ bưu phẩm hay số tiền nào. Một trong những nguyên tắc giao tiếp trên mạng xã hội liên quan đến vấn đề tài chính là chúng ta phải xác minh thông tin, không thể dễ dãi tin vào lời hứa của người khác. Không có chuyện một người mới quen có thể cho chúng ta một món quà, số tiền lớn đơn giản như vậy được.

“Vì vậy, chị em cần tỉnh táo khi tham gia vào mạng xã hội, sự hứa hẹn của những người lạ. Mặc dù đã không ít lần cơ quan chức năng phát hiện, cảnh báo về tình trạng lừa đảo này, tuy nhiên, thời gian qua vẫn có không ít người mắc phải. “Miếng pho mát miễn phí chỉ có ở trong bẫy chuột””- luật sư Nguyễn Hữu Toại chia sẻ.

Trong không gian mạng xã hội, có những người đóng giả đại gia ở nước ngoài tìm hiểu, ngỏ lời yêu đương; đồng thời ngỏ ý tặng “bạn gái” quà, hoặc tặng số tiền có giá trị lớn. Chúng chụp biên lai gửi cho các chị em và nói rằng, để lấy số tiền, món quà này, phải trả phí, trong khi mức phí không hề nhỏ. Có những món quà mức phí tới vài trăm triệu đồng mà chị em vẫn nhẹ dạ cả tin. Thậm chí, có nạn nhân chuyển tiền tới 4 lần, sau đó mới biết mình bị lừa.

Thượng tá Nguyễn Đình Đỗ Thi (Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an)