Bùng phát lừa đảo đầu tư ở Đông Nam Á
Mới đây tờ Straits Times của Singapore đã đưa một thông tin khiến nhiều người giật mình: số lượng những vụ lừa đảo đầu tư tại quốc gia này đã tăng 193% trong vòng 5 năm trở lại đây.
Những con số trên phản ánh một thực tế rằng người dân Singapore nói riêng và Đông Nam Á nói chung đang phải chịu sự “bủa vây” của tội phạm lừa đảo. Tình hình kinh tế khó khăn cộng với tâm lý đám đông đang khiến nhiều người “nhắm mắt” mà nghe theo những lời mời gọi đầu tư “từ trên trời rơi xuống”, để mà mất hết.
Cảnh sát Malaysia vây quanh một kẻ lừa đảo sau khi tên này suýt nữa nhảy lầu chạy trốn
Điểm nóng
Ông Tom Selby, Giám đốc bộ phận hưu trí thuộc Tập đoàn đầu tư AJ Bell, giải thích: “Chúng ta đang thấy những kẻ lừa đảo đầu tư nhắm vào tầng lớp thu nhập trung bình trở xuống. Lạm phát tăng vọt đẩy đối tượng này vào tình trạng kiệt quệ, từ đó họ dễ bị ảnh hưởng bởi những lời mời chào đầu tư nhưng thực chất là lừa đảo”.
Sự chú ý của dư luận Đông Nam Á đang hướng về những vụ lừa đảo đầu tư liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Giữa lúc báo chí đưa tin rầm rộ về những dịch vụ A.I. như ChatGPT, nhiều người không khỏi mơ tưởng đến tiềm năng lợi nhuận của trí tuệ nhân tạo. Đấy là tiền đề để những đồng crypto liên quan đến đầu tư vào A.I. như SingularityNET (AGIX), Fetch (FET) và Ocean Protocol (OCEAN) tăng giá trị 200-300% chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng theo Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC), ít nhất 20 đồng tiền ảo thuộc nhóm trên thực chất là lừa đảo, trong đó 12 đồng nằm trên chuỗi blockchain BNB Chain (của Binance), 6 trên Ethereum, và 2 trên Arbitrum. Nhiều khả năng mức tăng đến “chóng mặt” của những crypto này thực chất là bọn lừa đảo rót vốn mua với số lượng lớn nhằm khiến nhà đầu tư “hoa mắt” mà bỏ tiền túi ra.
Nhà báo Anh Dorian Batycka viết trên báo The Guardian: “Làn sóng đầu tư vào tiền ảo hay NFT ngày nay có nhiều điểm chung với câu chuyện về penny stock (cổ phiếu có giá rất thấp) hồi thập niên 1990. Nền kinh tế rơi vào khủng hoảng buộc những người trước nay chưa từng đầu tư phải làm vậy để tồn tại. Crypto hay penny stock cho phép người ta mơ về viễn cảnh trong túi chỉ có vài đô la mà vẫn trở thành tỷ phú được. Đấy mới là lúc những kẻ lừa đảo lộ diện”.
Hình thức lừa đảo đầu tư phổ thông nhất là kẻ tội phạm giả làm nhân viên ngân hàng, nhân viên công ty chứng khoán, cảnh sát, hay thậm chí là người thân để chiếm lấy lòng tin của nạn nhân. Trong một số trường hợp hãn hữu, chúng thậm chí còn không cần giả danh. Mới đây cảnh sát Malaysia đã mở cuộc điều tra diễn viên và MC truyền hình Luis Manzano vì lừa đảo đầu tư. Manzano là cựu Chủ tịch tập đoàn xăng dầu Flex Fuel. Trong thời gian tại vị, Manzano đã vay vốn của ít nhất 30 nạn nhân để mở cây xăng mới. Hầu hết các nạn nhân đều tin vào danh tiếng và uy tín của Manzano mà chịu bỏ vốn đầu tư. Cây xăng còn chưa thấy thì Manzano đã từ chức rồi ôm tiền chạy trốn.
Lý giải việc Đông Nam Á lại trở thành “điểm nóng” của tội phạm đầu tư, tờ The Register của Anh đưa ra một nguyên nhân: “Trong vòng một thập niên qua, chúng ta chứng kiến sự dịch chuyển của các công viên IT từ Nam Á sang Đông Nam Á. Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh vẫn chiếm “chiếu trên” trong lĩnh vực outsource công nghệ, nhưng các công ty phần mềm phương Tây vì tìm kiếm nguồn lao động rẻ hơn nên đã chuyển nhiều hoạt động của mình sang Philippine, Malaysia hay Indonesia. Nền kinh tế quốc gia họ vì thế cũng thay đổi… Mặt khác các nước Đông Nam Á có đông người trẻ đang trong độ tuổi lao động. Nhu cầu đầu tư kiếm lời của nhóm đối tượng này là cực cao”.
Nếu không có nguồn nhân công từng làm thuê cho những doanh nghiệp công nghệ nước ngoài và có khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ thì vấn nạn lừa đảo đầu tư tại Đông Nam Á đã chẳng nghiêm trọng như hiện nay. Cảnh sát Philippine vừa mới giải cứu thành công 8 công dân nước này khỏi một “động” lừa đảo ở Yangon, Myanmar. Các nạn nhân được một công ty Thái Lan thuê làm hỗ trợ khách hàng, nhưng máy bay chở họ từ Philippine sang Thái Lan bất ngờ đỗ tại Myanmar. Một nạn nhân cho biết: “Mỗi người trong số chúng tôi được giao một tập kịch bản và một danh sách địa chỉ email. Công việc hằng ngày là gửi email vào những địa chỉ trong danh sách, còn khi có email trả lời thì nói chuyện với người bên kia theo đúng kịch bản”.
Cuộc chiến chưa hồi kết
Các nước Đông Nam Á đang huy động nguồn lực của mình nhằm chống lại làn sóng lừa đảo đầu tư. Mới đây cảnh sát Malaysia đã triệt phá một tổ chức lừa đảo xuyên quốc gia thông qua 24 công ty bình phong khác nhau đã lừa được tổng cộng hơn 200 triệu RM từ các nhà đầu tư ở Malaysia, Úc và New Zealand trong vòng 4 năm qua. Một phần số tiền này được dùng để hối lộ các nhà chức trách Malaysia. Cảnh sát đã phải tổ chức đột kích vào hang ổ những kẻ lừa đảo mà không thông báo với chính quyền địa phương vì sợ bại lộ. Họ bắt giữ 70 đối tượng đang làm việc tại một tòa nhà 14 tầng. Một trong những kẻ chủ mưu nhảy lầu từ tầng 14 để chạy trốn, nhưng hắn rơi xuống tầng 12 và bị gãy chân.
Nhiều chuyên gia dự báo rằng chẳng sớm thì muộn, các nước Đông Nam Á sẽ phải đưa ra những biện pháp chống lừa đảo đầu tư mạnh tay hơn nữa. Tờ Kompas của Indonesia nhận định: “Cử tri đang đặt áp lực buộc các nhà lập pháp sớm tìm ra biện pháp bảo vệ họ trước những kẻ lừa đảo. Một số gợi ý hiện được đưa ra là buộc các dịch vụ thanh toán trực tuyến phải kiểm soát người dùng qua ID công dân, buộc các sàn giao dịch crypto chỉ được liên kết với tài khoản ngân hàng trong nước, và tự động theo dõi sim “rác”…
Người dân có thể chấp nhận lừa đảo ở một mức độ nào đó nếu như sự nới lỏng luật pháp đem lại cho họ lợi ích kinh tế. Nhưng nền kinh tế không khỏe mạnh còn lừa đảo lại tăng vọt là kịch bản tồi tệ nhất và yêu cầu phản ứng thật mạnh mẽ nếu muốn giải quyết tận gốc vấn đề”.