Buổi ra mắt đẫm lệ…
Tóm tắt Phần 1: Cái tin sét đánh: Trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, ông nhận được cuộc gọi từ thằng Kiên – con trai ông đang học trên Hà Nội. Nó đòi vợ chồng ông cho lấy vợ vì đã trót làm con gái người ta có bầu. Ông thông báo cái “tin sét đánh” ấy cho bà và chờ thằng Kiên dẫn con bé về…
Xem thêm: Cái tin sét đánh!
Thằng Kiên dẫn con bé về. Ông thoáng nhìn qua, thấy nó nhỏ người, thấp bé hơn so với con cái Thảo, mặt mày nhìn cũng sáng sủa. Dáng vẻ khép nép và lo lắng, nó cất tiếng chào ông bà:
– Cháu chào hai bác!
– Ừ, hai đứa vào nhà đi. Hôm nay trời nắng quá!
Tiếng bà đáp lại. Rồi bà rót cốc nước chè xanh bảo hai đứa uống cho đỡ khát. Để chúng nó nghỉ ngơi một lát, ông mới hỏi về chuyện của hai đứa.
– Bác đã nghe thằng Kiên nói qua về cháu. Thực sự hai bác rất bất ngờ về chuyện của hai đứa. Bình thường thằng Kiên chẳng bao giờ nhắc đến chuyện yêu đương, bỗng nhiên lại đòi cưới vợ. Điều này khiến hai bác thấy rất sốc và khó tin được.
– Từ trước đến nay, hai bác có ngăn cấm nó yêu đương gì đâu. Lần nào bác hỏi về chuyện đấy, nó cũng đều bảo: “Con chưa có. Bố mẹ đừng lo”. Bây giờ nó vẫn chưa học xong, công việc chưa ổn định. Hai đứa lấy nhau về thì vất vả trăm bề… Mà tại sao hai đứa đều có kiến thức mà không dùng biện pháp phòng tránh?
– Dạ… dạ… cháu… cháu… xin lỗi bác! Chuyện xảy ra như thế này không phải cháu cố ý đâu ạ! Cháu không dám thế! Cũng mấy lần cháu nói anh đưa cháu về để ra mắt hai bác, xin ý kiến hai bác về mối quan hệ của chúng cháu nhưng anh sợ hai bác lo lắng – đang học mà lại yêu nên không dám. Chuyện có em bé, thực sự cháu rất bất ngờ… Chúng cháu cũng định là đợi 2, 3 năm nữa – khi việc học của anh hoàn tất, công việc ổn định và cháu cũng trưởng thành hơn thì mới tính đến chuyện xin phép gia đình hai bên cho làm đám cưới. Nhưng bây giờ mọi chuyện thành ra như thế, cháu chỉ mong hai bác tha lỗi cho cháu và xin hai bác chấp nhận cháu ạ!…
Con bé cúi gằm mặt xuống, giọng nó nghẹn lại, toàn thân nó run run vì xúc động. Giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên khuôn mặt hơi gầy, nhỏ nhắn và xanh xao của nó. Nó nói nhỏ đến nỗi làm hai ông bà đều phải cố gắng lắm mới nghe rõ được.
– Chuyện hai đứa yêu thương nhau, hai bác không phản đối nhưng tuổi của hai đứa không hợp nhau, lấy nhau về không tránh khỏi những lúc cãi vã. Hai đứa phải gắng kiềm chế, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Hãy sống sao cho xứng đáng với tình cảm và cuộc sống mà cả hai đã lựa chọn xây dựng với nhau.
– Bác cũng nói với thằng Kiên rằng lấy vợ là chuyện hệ trọng của một đời người. Vợ chồng ở với nhau cả đời. Nó phải có trách nhiệm với những gì mình đã làm, có trách nhiệm với vợ con của mình. Như vậy mới là một người đàn ông tử tế. Vợ chồng hòa thuận, sống với nhau tình nghĩa vẹn tròn thì bố mẹ mới có thể yên tâm mà sống vui quãng đời còn lại.
– Dạ… Cháu hiểu lời của bác ạ! Cháu cảm ơn hai bác đã không phản đối chuyện của chúng cháu… Cháu xin ghi nhớ lời bác dặn. Cháu còn ít tuổi, có điều gì chưa đúng, xin hai bác chỉ dạy để cháu sửa chữa khuyết điểm!
…
Khung cảnh bình yên nơi thôn quê. Ảnh minh họa: Nhạn Nguyễn
Cuộc nói chuyện cuối cùng chỉ xoay quanh ông và con bé. Dẫu sao thì ông cũng xem nó như dâu con trong nhà rồi. Suốt cuộc nói chuyện, nó không dám ngẩng mặt lên. Thỉnh thoảng nó có nhìn trộm qua thằng Kiên rồi nhìn sang bà và lại cúi xuống. Thằng Kiên thì chỉ bảo: “Lỗi là do con, con xin bố mẹ tha lỗi cho con và chấp nhận cô ấy”. Trong khi vợ ông thở dài, thương xót cho hai đứa trẻ.
Có lẽ bà đang nghĩ đến viễn cảnh những ngày tháng sắp tới của chúng nó khi vừa đi học, đi làm và chăm con nhỏ trong căn phòng trọ nhỏ hẹp rộng 10-15m2 mà bà đã xem trên ti vi đôi lần. Nóng bức, chật chội và ngột ngạt với đủ các thứ tiền – tiền phòng trọ, tiền điện, nước, tiền ăn uống… Không biết chúng nó có xoay xở được không? Cuộc sống gia đình với bao nhiêu khó khăn, vất vả đang chờ đón chúng ở phía trước.
Bà rùng mình nhớ lại khoảng thời gian hơn hai mươi năm về trước lúc bà mới sinh thằng Kiên. Khi ấy hai vợ chồng ông bà lấy nhau, tay trắng lập nghiệp. Hai bên gia đình nghèo khó lại đông anh em, cơm ăn còn không đủ nên không thể giúp gì. Bà sinh thằng Kiên, ông xin phép người chủ cho về nhà mấy ngày chăm vợ con rồi tiếp tục đi làm thuê xa nhà đến mấy trăm cây số.
Mỗi năm, ông chỉ về nhà đôi lần vào vụ thu hoạch lúa. Ông đi làm thuê, làm mướn đằng đẵng để có chút tiền đưa cho bà trang trải cuộc sống ở quê, mua thuốc men cho con lúc ốm đau. Một mình bà vừa quán xuyến gần hai mẫu ruộng vườn, nuôi thêm đôi lợn, đàn gà và chăm con nhỏ. Bận bịu tối ngày, tưởng lúc nào cũng không hết việc. Lúc thằng Kiên sốt cao, người nóng như lửa hay khi nó ho như quốc kêu nghe đến xót ruột cũng chỉ có một mình bà…
Bà chạy vạy khắp xóm để vay tiền mua thuốc cho con. Hẹn họ khi ông về là sẽ trả đầy đủ mà mãi mới hỏi vay được một nhà. Nhà nào cũng nghèo túng như nhau cả… Những năm tháng gian khó như thước phim quay chậm hiện lên thật rõ trong trí nhớ của bà. Bà lau nhanh những giọt nước mắt, cố gắng kiềm chế nỗi xúc động để ông và các con không nhìn thấy.
Bữa trưa, cả nhà ăn cơm. Con bé chỉ ăn một bát cơm chan canh cua rồi nó xin phép dừng đũa. Bà có hỏi sao lại ăn ít mà không gắp thịt vào bát ăn, nó trả lời:
– Cháu ăn được rau thôi ạ! Chắc là bị nghén… Giọng nó ngập ngừng.
Ảnh minh họa từ INT
Chiều hôm đấy chúng nó đưa nhau lên Hà Nội. Thằng Kiên đòi tổ chức đám cưới trong tháng 6, sợ rằng đợi thời gian nữa thì bụng con bé nhô cao. Nhưng lúc ấy là giữa mùa hè, trời nóng bức, ngột ngạt, lại vào mùa gặt nên ở quê đâu có ai làm đám cưới. Có muốn cũng phải đợi đến tháng 8, khi việc gặt hái xong xuôi, thời tiết cũng dễ chịu hơn – đấy cũng mới là mùa cưới. Mà chúng nó cưới ngay bây giờ thì ông bà chuẩn bị sao kịp. Chuyện hệ trọng của cả một đời người, không thể làm qua loa.
Lúc bàn đến vấn đề này, ông hỏi ý kiến con bé thì nó bảo tháng nào cũng được, ông bà xem lịch giúp chúng nó. Vậy là ông bà quyết định tháng 8 sẽ tổ chức đám cưới cho thằng Kiên.
Mọi việc ở nhà được tiến hành dần dần. Tuần sau nữa tốt ngày, ông bà sẽ nhắn chúng nó về để hai gia đình nói chuyện người lớn, bàn chuyện cưới hỏi. Ông bà đã nghĩ thằng Kiên 30 tuổi, ổn định công việc rồi lập gia đình thì tốt mọi bề. Nhưng người tính chẳng bằng trời tính… Thôi thì biết đến đâu, lo đến đó – họ bảo nhau vậy.
Bỗng bà quay sang bảo ông:
– Ông này, hay chúng ta bảo hai đứa từ từ hãy cưới. Tôi và ông vẫn nhận con bé làm dâu con trong nhà. Chúng ta vẫn có trách nhiệm với cả hai mẹ con nó, nhưng chuyện cưới xin thì đợi thằng Kiên học cho xong đã rồi tổ chức một đám cưới đàng hoàng cho cả hai… Ông thấy thế được không?
– Tôi cũng đã nghĩ tới điều này. Nhưng vừa mới bàn tính với chúng nó như vậy xong, giờ lại thay đổi… Chuyện của chúng nó, tôi và bà nên hỏi ý kiến chúng xem sao, để xem hai đứa nghĩ thế nào? Mấy hôm nữa tôi lên Hà Nội trông nhà giúp bác Cảnh mấy hôm, có thể tôi sẽ gặp con bé rồi nói chuyện cụ thể.
(Còn tiếp)