Burberry
Cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu về lịch sử phát triển của Burberry – thương hiệu thời trang lâu đời đến từ nước Anh, với biểu tượng hiệp sỹ cưỡi ngựa nổi tiếng
Burberry là thương hiệu thời trang cao cấp của Anh đã được nữ hoàng Anh Elizabeth II và hoàng tử xứ Wales phong tặng chứng chỉ hoàng gia.
Hãng nổi tiếng với họa tiết kẻ carô tartan, logo hình kỵ sỹ cưỡi ngựa và áo trench coat. Họa tiết kẻ caro tartan của Burberry là một trong những biểu tượng bị làm giả nhiều nhất trên thế giới.
Burberry luôn phát huy truyền thống và không ngừng đổi mới như chính motto đi kèm “Prorsum”, có nghĩa là “tiến lên“ trong ngôn ngữ Latin.
Mục lục
Lịch sử phát triển của thương hiệu Burberry
Thế kỷ 19: Thành lập Burberry
• Burberry được thành lập vào năm 1856. Lúc này, cậu thanh niên 21 tuổi Thomas Burberry, từng là thợ học việc tại một nhà bán vải, đã mở cửa hàng riêng của mình tại Basingstoke, thuộc hạt Hampshire, Anh Quốc.
• Đến năm 1870, doanh nghiệp đã có chỗ đứng nhất định, nhờ việc tập trung sản xuất trang phục dành cho các hoạt động ngoài trời. “Burberry” là tên gốc, nhưng sau đó công ty nhanh chóng chuyển sang sử dụng tên “Burberrys” sau khi nhiều khách hàng từ khắp nơi trên thế giới bắt đầu gọi hãng là “Burberrys của London”. Tên này vẫn còn được thấy trên nhiều sản phẩm cũ của Burberry.
• Năm 1880, Burberry giới thiệu chất liệu gabardine. Đây là một loại vải không thấm nước, bền nhưng vẫn thoáng khí, được dệt từ sợi vải chống thấm.
• Năm 1891, Burberry đã mở cửa hàng ở Haymarket, London. Ngày nay, dòng chữ Haymarket vẫn xuất hiện trên các sản phẩm của hãng.
Thế kỷ 20: Thương hiệu Burberry khẳng định tiếng tăm với trang phục cho môi trường khắc nghiệt
• Năm 1901, logo hình hiệp sỹ cưỡi ngựa được thêm vào từ Latin “Prorsum” có nghĩa là tiến lên trong tiếng Latin. Thương hiệu chính thức đăng ký bản quyền với hai hình ảnh này.
• Từ 1901 – 1920, Burberry khẳng định vị thế trong địa hạt sản xuất trang phục khoác bên ngoài khi tài trợ trang phục cho các chuyến hành trình đến khí hậu khắc nghiệt. Ví dụ như tài trợ trang phục cho Roald Amundsen, người đàn ông đầu tiên đến Nam Cực; và cho Ernest Shackleton, người dẫn đầu đoàn thám hiểm xuyên châu Nam Cực. Chiếc áo khoác làm bằng vải gabardine của Burberry cũng được George Mallory mặc trong hành trình xấu số chinh phục Everest vào năm 1924.
• Năm 1914, Burberry được Văn phòng chiến tranh ủy nhiệm việc thay đổi quân phục cho các sỹ quan, để đáp ứng các điều kiện của tình hình chiến sự lúc bấy giờ. Kết quả là mẫu áo khoác dài trench coat ra đời. Sau chiến tranh, mẫu áo khoác này trở nên phổ biến với người dân. Biểu tượng kẻ carô của Burberry đã được tạo ra trong những năm 1920 và được sử dụng làm lớp lót bên trong chiếc áo khoác.
• Đặc biệt, Burberry cũng thiết kế trang phục cho phi công. Năm 1937, A.E. Clouston và Betty Kirby–Green đã hoàn thành thời gian bay nhanh nhất từ London đến Cape Town trong trang phục của Burberry.
• Burberry là một công ty độc lập cho đến năm 1955, khi hãng được Great Universal Stores (GUS) mua lại.
• Vào năm 1998, Burberrys chính thức đổi tên thương hiệu thành Burberry.
Thế kỷ 21: Những sự đổi mới của thương hiệu Burberry để hướng đến phân khúc thời trang xa xỉ
• Việc kinh doanh của Burberry trở nên định hình vào thập niên đầu thế kỳ 21. Tháng 5−2001, nhà thiết kế Christopher Bailey trở thành Giám đốc Sáng tạo của Burberry. Cuối năm 2005, GUS rút vốn khỏi Burberry. Năm 2002, cổ phiếu của Burberry Group plc lần đầu được lưu hành trên thị trường chứng khoán London.
• Năm 2006, Rose Marie Bravo, Giám đốc Điều hành có công mang Burberry ra thị trường đại chúng quyết định nghỉ hưu. Angela Ahrendts, người Mỹ, thay thế bà vào tháng 7−2006. Ahrendts và Bailey quyết định giảm sử dụng họa tiết tartan của thương hiệu, chỉ áp dụng nó cho 10% tổng sản phẩm. Tháng 11−2009, Bailey trở thành Tổng giám đốc Sáng tạo của Burberry. Theo một báo cáo năm 2012, Ahrendts là CEO được trả lương cao nhất nước Anh và là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu danh sách này.
• Tuy nhiên tháng 4–2014, Angela Ahrendts từ bỏ Burberry để đầu quân cho Apple. Christopher Bailey chính thức lên thay Ahrendts, trở thành CEO của Burberry.
Chỉ trong một thập kỷ, Bailey đã nâng tầm những thứ cơ bản như áo khoác và phụ kiện của công ty thành những thiết kế được yêu thích tại các tuần lễ thời trang. Từ áo choàng vai capelet đến túi Warrior, sàn diễn của Bailey không ngừng trở thành các show diễn đỉnh qua các mùa thời trang. Nhà thiết kế còn là người khởi tạo xu hướng khi liên tục đưa ra những cải tiến mới dựa trên những di sản của thương hiệu như áo trench coat được làm từ chất liệu neoprene (cao su tổng hợp) và da trăn, áo biker jacket được gắn đinh như lông nhím.
Dưới thời của Christopher Bailey, Burberry cũng có những chiến dịch quảng cáo đặc biệt thành công, khi mời được diễn viên Emma Watson cùng em trai; và gia đình Beckham làm đại diện. Năm 2013, Burberry còn mời cả cậu bé 10 tuổi Romeo Beckham, con trai cựu danh thủ David Beckham quảng cáo cho chiến dịch Xuân Hè.
• Năm 2017, Marco Gobbetti (cựu tổng giám đốc của Céline) thay thế Christopher Bailey ở vị trí CEO. Năm 2018, Riccardo Tisci rời Givenchy để đảm nhiệm vị trí Giám đốc sáng tạo của Burberry. Christopher Bailey chính thức rời công ty.
Dưới thời của Riccardo Tisci, anh dần đưa It girl phong cách sắc lạnh trở thành bộ mặt của nhà mốt. Kendall Jenner, Bella Hadid là hai gương mặt thân quen của thương hiệu Burberry bây giờ.
Riccardo Tisci cũng khai sinh một họa tiết monogram mới cho Burberry, gọi là monogram TB. Họa tiết lồng ghép chữ T và B từ tên riêng của nhà sáng lập thương hiệu, Thomas Burberry, theo phong cách hiện đại.
Ngoài ra, từ năm 2019 trở đi, Burberry hướng đến sự bảo vệ môi trường nhiều hơn. Hãng chính thức chấm dứt việc thiêu hủy các mặt hàng thừa (đạt giá trị 28.6 triệu Bảng Anh tính đến hết năm 2018). Hãng cũng ngừng không sử dụng lông thú thật trong những thiết kế tương lai.
ĐỊA CHỈ MUA SẮM
Tại Việt Nam, thuơng hiệu Burberry do công ty DAFC thuộc tập đoàn IPPG nhập khẩu và phân phối chính thức.
Hà Nội
Tràng Tiền Plaza, 24 Hai Bà Trưng, Q. Hoàn Kiếm
Điện thoại: 091 177 0482
TP. HCM
Rex Hotel, 4–6 Lê Lợi, Q. 1
Điện thoại: 091 177 8205
Ảnh: Burberry
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam