Cách chào hỏi của người Việt
Cách chào hỏi của người Việt
Người Việt, những ai đã từng làm cha mẹ đều rất vui sướng, hãnh diện khi những đứa con của họ mới bập bẹ, lững thửng tập đi đã biết vòng tay, cúi đầu, “ạ” thật to để chào người lớn hoặc khách đến nhà. Đó là bài học đầu tiên mà cha mẹ, người thân trong gia đình dạy cho con trẻ, kế đó là tập bé vẫy tay chào, nói “bái bai” hoặc hôn gió mặc đầu cách thức có vẻ “Tây” này du nhập vào Việt Nam chỉ mới vào năm bảy chục năm nay.
Đối với người Việt, giống như các dân tộc Á Đông khác, dù cổ hay tân, tiếng chào, lời thăm hỏi vẫn được coi trọng và được đánh giá như một tiêu chí văn hóa của một cá nhân. Khi gặp nhau, người Việt có thói quen chào nhau: “Bẩm cụ”, “Thưa bác”, “Thưa ông bà”, “Chào cô”, “Chào cháu”, … Ngày xưa, đồng thời với lời chào là cái chắp tay hoặc cái xá, ngày nay, tân tiến hơn chỉ cần nghiêng mình, khẻ cúi đầu, bắt tay và nở một nụ cười, … với tiếp theo đó là các lời thăm hỏi, trong đó nhấn mạnh đến đại từ nhân xưng như cụ, ông bà, cô chú, anh chị, con cháu:
– Lúc này bác có khoẻ không?
– Ông bà làm ăn khấm khá không vậy?
– Bà đang làm gì thế?
– Cháu lúc này học hành ra sao? v.v..
Hoặc “khách sáo” một chút thì:
– Ồ, lâu quá mới gặp ông, thật quí hóa quá!?
– Chà, dạo này coi bộ bà trẻ đẹp ra!
– Mời bác xơi cơm ạ.
Gặp bạn bè thân thiết thì đôi khi bỏ qua đại từ nhân xưng như:
– Hi, đâu đây? Coi lúc này có vẻ phát tướng à!
– Hello, khoẻ chứ?
Hoặc “bình dân” hơn, theo kiểu nông dân Nam bộ, vùng sông nước Cửu Long, đại loại những mẩu câu đối thoại như thế này:
– Hê Tư, mầy đi đâu dzậy?
– A, bác Năm, con đem lúa đi chà. Còn Bác có gì duzi hông?
– Ờ, tao đi đám ở bên ông anh cột chèo. Ăn cơm chưa, mậy?
– Dạ rồi, lúc này ruộng rẫy bác đỡ lắm hả?
– Cũng tàm tạm. Hây, bữa nào ghé tao làm bậy vài ly chơi, nghe!”
Chỉ mấy câu trao đổi như vậy là ta cũng biết họ thân tình nhau chừng nào. Thật ra, các câu chào hỏi này hoàn toàn mang tính xã giao xã hội, người hỏi chỉ để mà hỏi mà không cần câu trả lời, nó đơn thuần chỉ là mấy lời mở đầu để bắt chuyện.
Cách chào hỏi của người Việt và người phương Tây có nhiều điểm khác biệt mà đôi lúc gây ngộ nhận, hiểu lầm. Dù thân mật đến mấy, người Việt thường chỉ ở mức bắt tay khi gặp nhau (giữa bạn bè, đồng nghiệp, …) hoặc vỗ nhẹ lên vai (bạn thân, quan hệ chủ – người làm công) hoặc xoa đầu (người lớn đối với trẻ em) chứ người Việt không có thói quen ôm nhau hoặc hôn nhau khi gặp gỡ.
Người Việt mặc dầu sau này có ít nhiều giao lưu với văn hóa phương Tây thì có thêm các câu chào: Hi, Hello, Bonjour, Bye bye, … nhưng không có kiểu chào gắn liền với thời gian như: Good morning, Good afternoon, Good night, … Đài Truyền hình Việt Nam vào sáng sớm (5:30) có chương trình Chào buổi sáng, thật ra đây là một câu chào vay mượn của Anh Mỹ chứ người Việt thì không chào như thế vào mỗi buổi sáng. Ở nông thôn, khi mới làm quen, người ta có thể: hỏi thăm bạn những câu như:
– Nhà anh (chị) ở đâu?
– Anh (chị) làm nghề gì vậy?
– Anh (chị) bao nhiêu tuổi?
– Cha mẹ (ông bà) có còn hay không? Có mấy con rồi? Mấy trai, mấy gái?
Thậm chí, có người “thiệt tình” hỏi thăm luôn thu nhập, trình độ học lực, địa vị xã hội, quan hệ gia đình, chồng con,… của người mới làm quen trong khi những cái “tò mò” như vậy thì có thể làm những người phương Tây khó chịu vì đã xen vào chuyện riêng tư của họ khi mới biết nhau. Người phương Tây đố kỵ chuyện hỏi tuổi tác, nhất là phụ nữ, chuyện chồng con, lương bổng, …, khi mới quen nhau, các câu chuyện của họ chỉ là thời tiết, tình hình thời sự, thể thao, âm nhạc, … Trong khi các bà đầm Tây rất sung sướng khi được người đối diện khen đẹp, thong thả, ăn mặc đúng mốt thời trang thì người Việt đôi khi xem chuyện nịnh đầm phụ nữ là bất nhã, song lại khen quí bà rằng:
– Chà, lúc này coi bộ chị phát tướng à nghe!
– Xem bác thật là đẹp lão.
Các câu này đối với người phương Tây là một lời chê hay xỉ nhục hơn là sự khen tặng. Khi gặp một đứa trẻ con Tây, ta khen nó đẹp, nó khỏe mạnh thì cha mẹ nói vui lắm nhưng đối với con nít Việt Nam thì không nên nói như vậy vì cha mẹ của nó có thể cho rằng bạn đang “trù ẻo” con mình, mà phải nói ngược lại là:
– Thằng cu này thật muốn liệng bỏ cho rồi!
– Ôi, con bé cục than của chị thấy ghét!
Khi đãi tiệc hoặc mời ai đến nhà ăn cơm thì người Việt mình lại có kiểu nhún nhường quá đáng, chẳng hạn:
– Mời ông đến thăm tệ xá nghèo nàn của tôi.
– Kính mời quí vị dùng tạm với gia đình tôi một bữa cơm đạm bạc.
– Ghé nhà tao làm bậy vài ba hột cơm đi mậy!
Những câu này mà dịch nguyên văn cho người phương Tây thì chắc họ khó chịu, họ nghĩ là mình không tôn trọng họ (Đại loại như: nhà xấu mà mời xem làm gì? Bữa cơm đạm bạc mà mời ăn sao được? Vài ba hột cơm thì ăn sao đây?). Thật ra, chẳng qua là cách nói của người mình chứ đến nhà ăn tiệc thì mời là nói như vậy nhưng khi đãi thật là linh đình! Còn người phương Tây thì lại có lối nói khác: “Oh, tôi mới học được món này ngon lắm, cuối tuần tới mời ông (bà) đến thưởng thức cho vui” hoặc “Tôi mới đi du lịch ở Ý về có mua được một chai rượu quí lắm, tối nay mời anh đến uống với tôi”, … Người Việt khi đến nhà ai chơi thì không có tập quán tặng hoa cho bà chủ nhà và không có thói quen mở quà ra xem khi mới được tặng, còn người phương Tây thì thường tặng hoa cho quí bà chủ nhà và khi nhận được món quà thì mở ra xem liền và rất thích thú với món quà dù rằng chỉ là một món quà mọn.
Cách chào hỏi bằng bắt tay và giới thiệu:
Khi chào hỏi và giới thiệu bao giờ cũng giới thiệu mình với người kia trước, giới thiệu người có chức vụ thấp với người có chức vụ cao; người ít tuổi với người lớn tuổi; giới thiệu đàn ông với phụ nữ. Sau khi được giới thiệu hoặc tự giới thiệu, cả hai bắt tay chào nhau (người có chức vụ cao chủ động bắt tay người có chức vụ thấp) và nói: “Rất hân hạnh được quen biết ông (bà, anh, chị).”
– Khi bắt tay, người hơi nghiêng về phía trước, nhìn vào mắt khách, nở nụ cười, siết nhẹ tay rồi buông ra, vừa bắt tay vừa chào hỏi làm cho khách cảm thấy được sự ấm áp và lòng chân thành của mình.
Những điều nên tránh khi bắt tay:
+ Nắm quá lâu, đặc biệt là khi bắt tay nữ giới.
+ Siết mạnh.
+ Lắc qua, lắc lại.
+ Hờ hững, mắt nhìn chỗ khác hoặc nói chuyện với người khác.
+ Kênh kiệu, ra vẻ ta đây .. .
– Khi đón nhiều người hoặc nhiều người đón mình, nên bắt tay từng người, không bỏ sót người nào, nên nhớ không bắt chéo hai tay người khách một lượt.
Đông Tây vẫn có sự khác biệt nhất định cho dù thế giới ngày nay chật hẹp hơn trước rất nhiều, nhiều cơ hội giao lưu các nền văn hóa, phong tục, tập quán, quan điểm, … đã góp phần tạo nên sự hiểu biết giữa các dân tộc, điều này giúp chúng ta hạn chế nhiều cú sốc văn hoá khi tiếp xúc, sinh hoạt với nước ngoài.
Chia sẻ:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…