Cách hỏi thăm và ứng xử với người bệnh ung thư
“Bầu trời như sụp đổ”, “sét đánh ngang tai” là tâm trạng của bệnh nhân, thân nhân khi đón nhận kết quả ung thư. Làm sao để cân bằng tâm lý cho bệnh nhân? Câu hỏi này đã được ThS.BS Nguyễn Ngọc Hương Thảo – Phó Trưởng khoa Điều hành khoa Chăm sóc giảm nhẹ – Bệnh viện Ung Bướu TPHCM giải đáp trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Làm sao để bệnh nhân vượt qua cú sốc khi đón nhận kết quả ung thư?
Nhận được chẩn đoán xác định bị ung thư là cú sốc lớn với bản thân bệnh nhân và gia đình của họ. Nhiều người cảm thấy trời đất như sụp đổ, bởi vì họ nghĩ ung thư là bệnh không chữa khỏi và tỷ lệ tử vong cao. Theo BS, làm cách nào để bệnh nhân và gia đình vượt qua cú sốc này?
ThS.BS Nguyễn Ngọc Hương Thảo trả lời: Đón nhận tin bị ung thư, hầu hết mọi người sẽ đều cảm thấy bị sốc. Trong chuyên ngành của chúng tôi đây được xem là “tin xấu”. Khi đó phản ứng đầu tiên của bệnh nhân thường là chối bỏ, sau đó là tức giận.
Để bệnh nhân đón nhận tin này nhẹ nhàng hơn, người thông báo đóng vai trò rất quan trọng. Bác sĩ khi đó cần phải có kỹ năng đó là giao tiếp, “thông báo tin xấu” và có các bước truyền tải thông tin này, không chỉ thông báo đơn thuần “bạn đã bị ung thư”.
Hiện nay, mạng xã hội phát triển, khi đón nhận kết quả, người bệnh và thân nhân đã tìm hiểu, trao đổi trên các group. Do đó, người bệnh và thân nhân cũng cần có thái độ cởi mở, nên có mối liên kết với bác sĩ để trao đổi ngay khi có thắc mắc. Bởi vì điều trị ung thư là hành trình lâu dài, vì vậy bệnh nhân và thân nhân cần có kế hoạch cụ thể. Khi biết các thông tin chính thống, rõ ràng sẽ tránh đi phần nào tâm lý hoang mang. Qua một thời gian, tâm lý sốc ban đầu sẽ dần ổn định.
2. Y học phát triển, thời gian sống còn của bệnh nhân ung thư hiện nay thế nào?
Phản ứng tiếp theo sau khi đón nhận tin dữ là bệnh nhân tìm hiểu thời gian sống còn lại. Với những tiến bộ mới trong điều trị ung thư những năm gần đây, thời gian sống thêm của bệnh nhân đã thay đổi thế nào?
ThS.BS Nguyễn Ngọc Hương Thảo trả lời: Thời đại 4.0 bùng nổ rất nhiều vấn đề, trong đó đáng chú ý đó là các tiến bộ trong điều trị ung thư với rất nhiều loại thuốc mới, dễ dàng tiếp cận ngay tại Việt Nam mà không cần phải ra nước ngoài. Do đó, thời gian sống sẽ kéo dài hơn so với trước.
Chẳng hạn, trước đây khi nhắc đến ung thư phổi, thời gian sống có thể chỉ khoảng vài tháng, nhưng hiện nay với các thuốc nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch bệnh nhân có thể sống vài năm khi phát hiện sớm.
Hay với các bệnh lý huyết học nếu có khả năng ghép tủy, thời gian sống có thể đến 10 năm. Do đó, tùy theo từng loại bệnh, song mặt bằng chung, dựa vào các tiến bộ này, hiện nay thời gian sống còn của bệnh nhân ung thư đã kéo dài hơn rất nhiều so với trước, không chỉ tính theo tháng mà thậm chí là tính theo năm.
Vì vậy, khi đón nhận thông tin ung thư, bệnh nhân đừng buông bỏ, bởi các bác sĩ vẫn đang nỗ lực, cố gắng để kéo dài khoảng thời gian sống.
ThS.BS Nguyễn Ngọc Hương Thảo – Phó Trưởng khoa Điều hành khoa Chăm sóc giảm nhẹ – Bệnh viện Ung Bướu TPHCM
3. Đâu là những yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng của bệnh nhân ung thư?
Các BS sẽ dựa trên những yếu tố nào để đánh giá tiên lượng của một bệnh nhân ung thư?
ThS.BS Nguyễn Ngọc Hương Thảo trả lời: Đây là một câu hỏi khó mà hầu hết các bác sĩ điều trị ung thư phải đối mặt mỗi ngày. Mặc dù không thể cho biết chính xác thời gian sống còn của bệnh nhân nhưng hiện nay đã có những mô hình, công cụ để tiên lượng, tính tỷ lệ phần trăm.
Thông thường, sẽ chia thành 2 nhóm. Một là bệnh nhân còn điều trị đặc hiệu (hóa trị, xạ trị, phẫu thuật), khi đó mục tiêu là kéo dài thời gian sống, chữa khỏi, điều này tùy thuộc vào loại bệnh, giai đoạn bệnh, những yếu tố kèm theo (bệnh đi kèm, thể trạng (người già – người trẻ), chỉ số hoạt động (đi lại, nằm tại chỗ)). Phối hợp những yếu tố này sẽ giúp bác sĩ tiên lượng cho bệnh nhân.
Hai là bệnh nhân ở khoa Chăm sóc giảm nhẹ (giai đoạn tiến triển, không còn điều trị đặc hiệu), thông thường sẽ dựa vào diễn tiến bệnh bằng cách theo dõi mỗi ngày. Nếu bệnh tiến triển tốt, tiên lượng cũng sẽ tốt. Ngược lại, nếu bệnh diễn tiến xấu, tiên lượng sẽ ngắn hơn.
Một yếu tố khác cũng quan trọng không kém đó là kinh nghiệm của người bác sĩ, điều này giúp tiên lượng chính xác hơn. Dĩ nhiên, tiên lượng là một con số tương đối, bệnh nhân không nên quá bi quan, yếu tố tâm lý cũng góp phần quan trọng trong điều trị bệnh ung thư.
4. Người bệnh ung thư có nên “vái tứ phương”?
Sau khi phát hiện mình bị ung thư, bệnh nhân sẽ đứng trước nhiều lựa chọn điều trị. Theo tây y, đông y, thực dưỡng hay chữa trị bằng năng lượng tự nhiên… đều khiến họ băn khoăn. BS có thể đưa ra lời khuyên trong trường hợp này?
ThS.BS Nguyễn Ngọc Hương Thảo trả lời: Ông bà ta đã có câu “có bệnh thì vái tứ phương”. Là bác sĩ, tôi hiểu tâm trạng này của bệnh nhân. Thực tế, để áp dụng các phương án điều trị cho bệnh nhân đều phải dựa vào y học chứng cứ. Điều đó có nghĩa là các thuốc, phương pháp dùng để điều trị cần trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu, từ trong phòng thí nghiệm, đến trên người (từ người khỏe đến người bệnh), sau đó mới được cấp phép sử dụng trên bệnh nhân.
Các phương pháp khác như thực dưỡng, năng lượng tự nhiên hầu hết đều không có nghiên cứu, phần lớn dựa trên giả thuyết, không chứng thực được hiệu quả khi điều trị trên người bệnh nhân. Chúng tôi không thể “cấm” bệnh nhân được, nhưng thường sẽ khuyên điều trị theo con đường chính thống, tìm đến nguồn thông tin uy tín, đừng nghe lời đồn thổi để đánh mất cơ hội điều trị.
5. Có nên giấu người bệnh hoặc gia đình về căn bệnh ung thư?
Khá nhiều người chọn cách là giấu bệnh, âm thầm chữa trị. Có thể là cá nhân giấu bệnh với gia đình, có thể là gia đình giấu bệnh với họ hàng, làng xóm… Theo BS, điều này có nên không ạ?
ThS.BS Nguyễn Ngọc Hương Thảo trả lời: Đây là tâm lý chung của nhiều bệnh nhân ung thư và thân nhân. Theo tôi, việc giấu bệnh là không nên. Người bệnh có quyền được biết quá trình điều trị, tác dụng phụ và hiệu quả của các phương pháp điều trị. Và người bệnh sẽ đưa ra quyết định chính.
Đối với trường hợp người bệnh giấu thân nhân, chúng tôi sẽ tìm hiểu lý do vì sao cần phải làm vậy. Người bệnh ung thư không thể đơn độc và rất cần có người song hành. Do đó, gia đình cũng cần phải biết bệnh. Khi thông báo, chúng tôi đều mong muốn có cả bệnh nhân và thân nhân để gia đình nắm được quá trình điều trị.
Hơn nữa, thực tế, mặc dù hiện nay đã phát triển nhưng người bệnh ung thư vẫn bị kỳ thị. Chúng tôi cần nhấn mạnh là, bệnh ung thư không lây và đây không phải là bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, chúng ta đừng dị nghị với bệnh nhân ung thư, bởi chính họ cũng rất mệt mỏi trong cuộc chiến này và nếu bị mọi người xung quanh xa lánh cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý.
Có những bệnh nhân ung thư bị lở loét tạo ra mùi hôi trên cơ thể, họ tâm sự với tôi rằng “tôi ước gì có người ngồi kế bên để nghe tôi nói chuyện”. Những câu chuyện này làm chúng tôi rất đau lòng. Vì vậy, tại khoa của chúng tôi có slogan là “không để bệnh nhân ung thư sống trong đau đớn và không để bệnh nhân ung thư nào mất trong nỗi cô đơn”.
6. Đến thăm người bệnh ung thư, nên nói gì và không nên nói gì?
Theo BS, người đến thăm bệnh nhân ung thư nên và không nên nói gì, làm gì?
ThS.BS Nguyễn Ngọc Hương Thảo trả lời: Theo tôi, điều này cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: mối quan hệ, mục đích (trong trường hợp, bạn bè, đồng nghiệp, người không thân thiết đến thăm theo xã giao thì không ảnh hưởng nhiều); tình trạng của người bệnh (mệt hay khỏe; nên lựa chọn thời điểm đến thăm khi người bệnh có đủ sức khỏe để giao tiếp).
Trong lời nói không cần tránh quá nhiều, nhưng lưu ý, nếu người bệnh không muốn trả lời, không thoải mái hoặc né tránh thì chúng ta không nên hỏi thêm. Bên cạnh đó cũng nên hạn chế thời gian đến thăm, bởi trong quá trình điều trị sức khỏe của người bệnh cũng có giới hạn.
Nếu mối quan hệ thân thiết hơn (bà con, hoặc người mà bệnh nhân muốn gặp) thì thời gian có thể dài hơn và tùy thuộc vào thái độ, tâm lý của người bệnh. Nếu người bệnh không muốn tiếp tục cuộc trao đổi thì chúng ta nên tạm ngưng.
Ngoài ra, cũng nên tránh một số câu hỏi nhạy cảm, chẳng hạn như “bác sĩ có nói bệnh này chữa được không”, “thời gian sống còn lại là bao nhiêu”, “điều trị có tốn nhiều tiền không”… để tránh gây tổn thương cho bệnh nhân.
7. Người bệnh ung thư, khi nào cần được điều trị tâm lý?
Khi nào thì bệnh nhân ung thư cần được điều trị tâm lý, thưa BS?
ThS.BS Nguyễn Ngọc Hương Thảo trả lời: Theo tôi, tất cả các bệnh nhân ung thư đều cần can thiệp tâm lý từ mức độ nhẹ nhàng đến mức độ chuyên biệt. Khi chẩn đoán ung thư, trong quá trình điều trị hầu hết các bệnh nhân đều lo lắng, việc tự điều chỉnh còn tùy thuộc vào khả năng của mỗi người. Nếu người bệnh không có khả năng tự điều chỉnh sẽ có khả năng nặng hơn, diễn tiến trầm cảm, rối loạn lo âu, mất ngủ nặng.
Nếu có những dấu hiệu đặc biệt gây tổn hại bản thân (ví dụ như có suy nghĩ tự gây hại cho bản thân, gây hại cho người xung quanh, giấc ngủ bị ảnh hưởng trầm trọng; lúc nào cũng lo lắng, buồn bã; không hứng thú với hoạt động hằng ngày) thì đó là triệu chứng gợi ý trầm cảm nặng, có khả năng dẫn đến nguy cơ tự sát. Khi đó chắc chắn bắt buộc can thiệp tâm lý.
Ngoài ra còn các vấn đề nhẹ nhàng hơn như mất ngủ thì cũng nên thông báo với bác sĩ điều trị để có những biện pháp can thiệp. Khi can thiệp càng sớm, càng có khả năng vượt qua những rối loạn tâm lý này.
8. Bệnh ung thư có được xem là bệnh mạn tính?
BS có thể giải thích về xu hướng hiện nay không xem ung thư là bệnh ác tính mà là bệnh mạn tính?
ThS.BS Nguyễn Ngọc Hương Thảo trả lời: Tôi đồng tình với quan điểm “xem ung thư là bệnh mạn tính”. Hiện nay đã có nhiều phương pháp, thuốc mới điều trị nhưng không ai tự tin 100% có thể chữa khỏi và bệnh ung thư không quay lại. Do đó, khi chúng ta đã không tự tin thì sẽ xem ung thư như một bệnh mạn tính tương tự như bệnh tiểu đường, tăng huyết áp.
Mục tiêu của người bác sĩ hiện nay là duy trì thời gian ổn định của bệnh nhân càng dài càng tốt để đừng tái phát. Lúc đó mặc dù vẫn còn mầm mống của bệnh nhưng sẽ ở dạng thể ẩn. Trong thời gian đó, chúng tôi cũng sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh chấp nhận được và cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống. Chúng tôi cũng thường chia sẻ với bệnh nhân “sống chung với lũ, lũ đến đâu thì theo đến đó”.
9. Ung thư không phải dấu chấm hết của cuộc đời
Lời khuyên của BS với bệnh nhân ung thư và gia đình của họ, giúp cân bằng tâm lý?
ThS.BS Nguyễn Ngọc Hương Thảo trả lời: Khi chẳng may người thân hay chính bản thân mình nhận được kết quả chẩn đoán ung thư thì đây không phải là dấu chấm hết của cuộc đời mà đó là chặng đường mới, lúc nào cũng sẽ có sự song hành của gia đình, bác sĩ điều trị. Hơn nữa, ngày nay đã có rất nhiều tiến bộ mới trong điều trị ung thư giúp bệnh nhân kéo dài thời gian bệnh không tiến triển, để nâng cao chất lượng sống.
Quá trình này cần có sự chia sẻ, liên kết giữa người bệnh nhân, thân nhân và bác sĩ, do đó đừng ngại trao đổi để được hỗ trợ. Khi đó, người bệnh sẽ không có cảm giác cô đơn, mệt mỏi. Chúng tôi hy vọng rằng, bệnh nhân cũng như thân nhân sẽ vững tin hơn trong cuộc chiến này.