Chanel – thương hiệu túi xa xỉ được bàn tán nhiều nhất 365 ngày qua

Phương Kim (Thiết kế: Bảo Linh)

Chanel – thương hiệu túi xa xỉ được bàn tán nhiều nhất 365 ngày qua

Có một điều lạ xảy ra. Đó là càng tăng giá, tầm ảnh hưởng của những chiếc túi xách Chanel trên thị trường lại càng lớn.

Năm 2021, những chiếc túi đến từ thương hiệu xa xỉ Pháp – Chanel đã có 3 lần nâng giá bán, trong đó lần cuối mạnh nhất lên tới 9-15% ngay trước thềm đợt mua sắm lớn nhất trong năm là tháng 11.

Túi Chanel cổ điển được ra mắt vào năm 1929, ở một thế giới khác hoàn toàn so với ngày nay. Ngày đó, chỉ giới thượng lưu mới có đủ khả năng mua nó. Tháng 2/1955, người sáng lập Gabrielle Coco Chanel giới thiệu một chiếc túi làm từ chất liệu len chần bông, chưa có logo, lấy cảm hứng từ chăn yên ngựa tại các cuộc đua mà bà thường lui tới. Khi Coco qua đời, “ông hoàng thời trang” Karl Lagerfeld đã nghĩ cách áp dụng chữ cái C lồng vào nhau để tạo ra logo Chanel kinh điển. Những sợi dây đeo bằng xích mô phỏng theo chìa khóa của các nữ tu cũng là yếu tố giúp thay đổi lịch sử túi Chanel mãi mãi.

Chanel có rất nhiều mẫu và kiểu dáng túi. Tất cả đều có điểm chung là những đường trần trám không thể lẫn với bất cứ thương hiệu nào khác và là bảo chứng cho sự sang trọng đẳng cấp trong giới thời trang.

Giá bán của một số dòng túi Chanel luôn tăng, thậm chí thị trường mua bán túi đã qua sử dụng cũng rất sôi động. Chỉ trong năm 2021, thương hiệu xa xỉ nước Pháp đã có tới 3 đợt tăng giá. Lần 1 là vào tháng 1 với mức tăng 4-7%. Lần 2 là vào tháng 7 với mức tăng 12-15% cho 2 dòng túi Chanel Classic Bag và Chanel Boy Bag. Lần 3 là vào tháng 11 mới đây, ngay trước mùa lễ hội sôi động nhất, Chanel thản nhiên tăng 9-15% cho một loạt túi xách như Classic Flap, Boy Bag, Chanel 19 và Classic WOC.

Bắt đầu từ ngày 3/11, chiếc túi xách Classic size small của nhà mốt nước Pháp có giá 8.429 USD, cao hơn 16% so với mức giá hồi cuối tháng 9. Trong khi đó, mẫu túi da trần bông 2.55 với dây xích vàng được bán lẻ 8.797 USD, tăng gần 2.255 USD so với thời điểm tháng 12/2020.

Trong ngành công nghiệp xa xỉ, việc điều chỉnh giá dự kiến sẽ xảy ra ít nhất một hoặc hai lần mỗi năm để phản ánh những thay đổi trong chi phí sản xuất và tỷ giá hối đoái. Louis Vuitton đã tăng giá gấp đôi vào năm 2021. Tương tự như vậy, Hermès cũng công bố giá bán cao hơn từ hồi đầu năm, dù không quá mạnh mẽ.

Riêng về phần Chanel, hãng đã tích cực định giá lại sản phẩm trong nỗ lực nâng cao tỷ suất lợi nhuận và tăng cường tính độc quyền. Điều này đặc biệt rõ ràng ở Trung Quốc, nơi giá trung bình của hàng xa xỉ đã cao hơn 60 đến 75% so với ở châu Âu.

Bloomberg dẫn lời một phát ngôn viên của Chanel rằng, việc tăng giá là để đối phó với những biến động tỷ giá hối đoái không xác định, những thay đổi trong chi phí sản xuất và để đảm bảo túi xách của hãng có giá tương đương trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các nhà phân tích và giám đốc điều hành lĩnh vực xa xỉ lại cho rằng mức độ gia tăng đang báo hiệu một chiến lược của công ty, đó là khẳng định quyền kiểm soát đối với một trong những sản phẩm phổ biến nhất của thương hiệu trong khi nhắm vào các đối thủ cao cấp hơn.

Charles Gorra, Giám đốc điều hành của Rebag, một nơi chuyên bán những chiếc ví xa xỉ đã qua sử dụng, cho biết sự tăng giá này có thể nhằm mục đích làm cho sản phẩm của Chanel trở nên độc quyền hơn, để có được chỗ đứng cao hơn những chiếc túi xách vốn đã mang tính biểu tượng là Birkin và Kelly của thương hiệu đối thủ Hermes.

Một chiếc túi cỡ trung của Chanel ở Pháp có giá 8.800 USD, thấp hơn 112 USD so với chiếc Birkin 30 bằng da dê togo của Hermes. Gorra cho biết Chanel đang phấn đấu trở thành một phần của thế giới Hermes và bỏ qua lãnh địa Gucci, Louis Vuitton. Chanel đang cố gắng trở nên cao cấp hơn?

Một đại lý bán lẻ hàng xa xỉ có trụ sở tại New York đưa ra phân tích rằng, hệ quả của việc tăng giá của Chanel là khiến giá túi xách của họ trên thị trường thứ cấp cũng tăng theo. Phía đại lý này cho biết có thể bán những chiếc túi Chanel có tuổi đời từ 10 năm trở lên cao hơn giá ban đầu, một phần là do nhiều kiểu dáng đã ngừng sản xuất. Cũng theo người này, không phải tất cả các túi Chanel đều giống nhau, nhu cầu sẽ tùy thuộc vào màu sắc, mô hình và kích thước. Trong khi đó, số những chiếc túi mà Chanel sản xuất vài năm qua, khoảng một nửa trong số đó bán thấp hơn giá ở thị trường sơ cấp.

Ngược lại, những người bán lại có thể tin tưởng vào những chiếc túi được săn lùng nhiều nhất của Hermes để liên tục bán được với giá cao hơn giá ban đầu của chúng. Một chiếc Birkin hiếm có giá 126.550 trên nền tảng bán lại Vestiaire Collective trong khi giá bán lẻ của nó là 20.865 USD vào cùng một thời điểm. Người phát ngôn của nền tảng này cho biết túi Chanel đắt nhất chỉ được bán với giá 33.836 USD.

Chiếc túi đắt nhất từng được đấu giá là túi Kelly da cá sấu của Hermes mà Christie’s đã bán với giá 512.880 USD trong khi chiếc túi Chanel đắt nhất trong buổi đấu giá tương tự chỉ có giá 16.033 USD. Chanel có lẽ rất muốn đưa các mẫu 2.55 và Timeless ngang hàng với Birkin và Kelly của Hermes. Tuy nhiên, những đánh giá cho thị trường thứ cấp dành cho Chanel vẫn chưa cao.

Không đơn giản chỉ có như vậy, tờ Jing Daily còn bình luận rằng, việc tăng giá có thể mang đến một thông điệp rằng thương hiệu đó quý giá và người mua phải mua ngay bây giờ, trước khi nó lại tiếp tục tăng lên mức cao hơn.

Dù có nhiều điểm nghi vấn vây quanh nhưng Chanel thậm chí còn tiến thêm một bước nữa là giới hạn số lượng túi mà các khách hàng được mua, ở một số thị trường nhất định. Tại Paris, một trợ lý bán hàng của Chanel nói với phóng viên Bloomberg rằng khách hàng chỉ được phép mua một chiếc túi tại một thời điểm và phải đợi hàng tháng nếu muốn mua một chiếc túi khác, loại không có cùng tính năng. Ở New York, Chanel có giới hạn hàng tháng đối với việc mua một số kiểu dáng cổ điển nhất định, trong khi ở Hong Kong và Thượng Hải lại không có giới hạn nào.

Trong đó, Hàn Quốc là địa điểm “nóng” nhất đối với túi mang thương hiệu Chanel. Ngay cả trong gian địch đại dịch tồi tệ nhất, người Hàn Quốc cũng không tích trữ thực phẩm mà thay vào đó, họ xếp hàng từ sáng sớm bên ngoài các trung tâm thương mại chỉ để mua được một chiếc túi của Chanel. Trào lưu này bắt đầu từ năm ngoái, thậm chí, ngay cả khi Chanel tăng giá đến chóng mặt thì nhu cầu mua sắm ở đây lại càng bị thúc đẩy nhiều hơn.

Nhưng vì sao người Hàn bỗng dưng lại cuồng hàng xa xỉ đến thế? Câu trả lời là trong vòng 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, người Hàn không thể đi du lịch cũng như vung tiền ăn uống nên đặt mục tiêu sang hàng xa xỉ để thỏa mãn thú vui tiêu tiền. Cùng với đó, giá nhà ở Seoul và các thành phố lớn khác của xứ sở kim chi cũng tăng đến mức khó tiếp cận nên nhiều người trẻ đã đổ dồn vào hàng xa xỉ.

Vậy tại sao họ lại chọn Chanel? Câu trả lời là do giá bán lại. Nhiều người vì không thể mua được túi xách mới nên đã tìm đến thị trường bán lại và phải trả cao hơn mức giá nhà sản xuất đưa ra. Số người bán sang tay đột nhiên nhận được một khoản lợi nhuận không hề nhỏ khi đứng xếp hàng khiến tình trạng người người nhà nhà cố gắng đứng xếp hàng trước các cửa hàng Chanel ngày càng phổ biến. Và nó thực sự trở nên điên rồ trong suốt một năm vừa qua.

Những chiếc túi có vị thế cao từ các thương hiệu xa xỉ thường được xếp vào nhóm “hàng hóa Veblen” – những sản phẩm mà lượng cầu về chúng tăng lên khi giá của chúng tăng và lượng cầu về chúng sẽ giảm nếu giá của chúng giảm. Chanel đúng là một sản phẩm như vậy. Các món đồ được gắn logo hai chữ C đích thị là “crème de la crème” theo cách gọi của người Pháp, có nghĩa là thứ tốt nhất trong những thứ cùng loại.

Purse Blog nhận định, những người yêu thích túi Chanel đang lo lắng về việc tăng giá ngày càng thường xuyên của một thương hiệu đồng thời tự hỏi liệu chúng có thực sự đáng giá hay không. Những lần tăng giá chóng mặt của Chanel khiến nhiều khách hàng cảm thấy nó “quá tải” và Veblen dù tốt thì cũng sẽ có lúc việc đưa giá lên quá cao gây tác động ngược và giới hạn cơ sở khách hàng.

“Theo tôi, Chanel đã mất đi sức hấp dẫn của mình và việc tăng giá chứng tỏ họ không quan tâm đến chất lượng cũng như khách hàng của họ” – Nyp1217 bình luận trên Purse Blog.

“Tôi không nghĩ rằng đó là một vấn đề đối với một công ty khi muốn tối đa hóa lợi nhuận. Dù tăng giá, những chiếc túi vẫn được nhiều người săn lùng nhưng đối với tôi, một chiếc túi Chanel giờ cũng không còn đáng giá nữa. Tôi đã có sự xa xỉ khi mua túi Chanel và Hermes trong quá khứ. Có những món khác tôi muốn mua nhưng tôi không định mua chúng vì số tiền bỏ ra không còn hợp lý nữa. Nó có thể đáng giá đối với nhiều người khác và việc tăng giá sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi lượng khách hàng đó cạn kiệt” – Kate bình luận trên Purse Blog.

Đối với các khách hàng thuộc tầng lớp giàu, siêu giàu hay các ngôi sao, người nổi tiếng thì việc tăng giá của Chanel cũng không thấm vào đâu. Nhưng đối với những người chỉ có vừa đủ tiền để mua một chiếc túi thì việc nó nhích lên vài giá cũng là điều đáng lưu tâm. Họ có ba lựa chọn, một là ngậm ngùi chờ đợi tích cóp thêm tiền, hai là chọn sang thương hiệu khác cùng phân cấp và ba là từ bỏ không mua nữa nếu cảm thấy quá chán nản.

Nhưng nói đi thì có lẽ cũng nên nói lại, theo quan sát tình hình hiện tại thì trong trường hợp nếu khách hàng này không mua nữa, chắc chắn từ phía sau sẽ không thiếu những cánh tay khác sẵn sàng chìa ra chiếc thẻ đen quyền lực hay cả cọc tiền chỉ để chờ nhân viên cửa hàng quét qua một đường và mang chiến lợi phẩm về nhà. Chanel, tất nhiên vẫn chưa “ế” túi xách như báo cáo doanh số từ trước đến nay của hãng. Bởi vì, để điều hành một đế chế thời trang hàng tỷ USD là chuyện không đơn giản và Chanel chắc cũng có cái lý riêng của họ để hết lần này đến lần khác gây “thót tim” cho các tín đồ hàng hiệu.

“Có thể nhiều khách hàng nói Chanel tham lam nhưng cũng không ai bắt họ phải mua các sản phẩm có gắn hai chữ C. Đó là quyết định của người rút tiền ra khỏi ví. Giống như việc một dân chơi muốn mua siêu xe thì cũng không thể bắt Ferrari giảm giá. Nếu không thể mua, anh ta chỉ có thể bước ra ngoài và đi xuống phố để… ngắm nhìn” – lời người viết.