Chất thải y tế là gì và được phân định thành những loại nào? Công tác quản lý chất thải rắn y tế được quy định như thế nào?


Cho em xin hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn y tế được không? Ai có thẩm quyền trong việc bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế và kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người? Ngoài ra, việc phân định chất thải y tế được quy định ra sao? Mong nhận được phản hồi sớm.

Khái niệm về chất thải y tế?

Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 20/2021/TT-BYT định nghĩa về chất thải y tế như sau:

1. Chất thải y tế là chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải rắn thông thường, khí thải, chất thải lỏng không nguy hại và nước thải y tế.

Chất thải y tế

Chất thải y tế

Chất thải y tế gồm mấy loại và được phân định như thế nào?

Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 20/2021/TT-BYT phân định chất thải y tế, cụ thể:

Chất thải y tế nguy hại bao gồm:

+ Chất thải lây nhiễm

+ Chất thải nguy hại không lây nhiễm.

(1) Chất thải lây nhiễm bao gồm:

– Chất thải lây nhiễm sắc nhọn bao gồm kim tiêm, bơm liền kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền, kim chọc dò, kim châm cứu, lưỡi dao mổ, đinh, cưa dùng trong phẫu thuật, các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ, các vật sắc nhọn khác đã qua sử dụng thải bỏ có dính, chứa máu của cơ thể hoặc chứa vi sinh vật gây bệnh;

– Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn bao gồm bông, băng, gạc, găng tay, các chất thải không sắc nhọn khác thấm, dính, chứa máu của cơ thể, chứa vi sinh vật gây bệnh; vỏ lọ vắc xin thuộc loại vắc xin bất hoạt hoặc giảm độc lực thải bỏ; chất thải lây nhiễm dạng lỏng (bao gồm dịch dẫn lưu sau phẫu thuật, thủ thuật y khoa, dịch thải bỏ chứa máu của cơ thể người hoặc chứa vi sinh vật gây bệnh);

– Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao bao gồm mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm thải bỏ từ các phòng xét nghiệm tương đương an toàn sinh học cấp II trở lên; các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly, khu vực điều trị cách ly, khu vực lấy mẫu xét nghiệm người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, nhóm B;

– Chất thải giải phẫu bao gồm mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ, xác động vật thí nghiệm;

(2) Chất thải nguy hại không lây nhiễm bao gồm:

– Hóa chất thải bỏ có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất;

– Dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất;

– Vỏ chai, lọ đựng thuốc hoặc hoá chất, các dụng cụ dính thuốc hoặc hoá chất thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất;

– Thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng thải bỏ có chứa thủy ngân, cadimi (Cd); pin, ắc quy thải bỏ; vật liệu tráng chì sử dụng trong ngăn tia xạ thải bỏ;

– Dung dịch rửa phim X- Quang, nước thải từ thiết bị xét nghiệm, phân tích và các dung dịch thải bỏ có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại;

– Chất thải y tế khác có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất.

(3) Chất thải rắn thông thường bao gồm:

– Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, học viên, khách đến làm việc và các chất thải ngoại cảnh trong cơ sở y tế (trừ chất thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực cách ly, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm);

– Hóa chất thải bỏ không có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại;

– Vỏ chai, lọ đựng thuốc hoặc hoá chất, dụng cụ dính thuốc hoặc hoá chất không thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc không có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất;

– Vỏ lọ vắc xin thải bỏ không thuộc loại vắc xin bất hoạt hoặc giảm độc lực;

– Chất thải sắc nhọn không lây nhiễm, không có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại;

– Chất thải lây nhiễm sau khi đã xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

– Bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải không có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại; tro, xỉ từ lò đốt chất thải rắn y tế không có thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại;

– Chất thải rắn thông thường khác;

– Danh mục chất thải rắn thông thường được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

(4) Khí thải bao gồm khí thải phát sinh từ phòng xét nghiệm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua đường không khí; khí thải từ phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III trở lên.

(5) Chất thải lỏng không nguy hại bao gồm dung dịch thuốc, hoá chất thải bỏ không thuộc nhóm gây độc tế bào, không có cảnh báo nguy hại từ nhà sản xuất, không chứa yếu tố nguy hại vượt ngưỡng, không chứa vi sinh vật gây bệnh.

(6) Nước thải y tế gồm nước thải phát sinh từ hoạt động chuyên môn trong cơ sở y tế. Trường hợp nước thải sinh hoạt thải chung vào hệ thống thu gom nước thải y tế thì được quản lý như nước thải y tế.

Công tác quản lý chất thải rắn y tế được quy định như thế nào?

Theo Điều 62 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế và kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người như sau:

“1. Bệnh viện, cơ sở y tế khác phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả ra môi trường;

b) Phân loại chất thải rắn tại nguồn; thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trường hợp chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường lẫn vào chất thải y tế lây nhiễm thì phải quản lý như đối với chất thải y tế lây nhiễm;

c) Ưu tiên lựa chọn công nghệ không đốt, thân thiện môi trường và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải y tế lây nhiễm;

d) Khuyến khích việc khử khuẩn chất thải y tế lây nhiễm để loại bỏ mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm trước khi chuyển về nơi xử lý tập trung;

đ) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế gây ra;

e) Xử lý khí thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

g) Xây dựng, vận hành công trình vệ sinh, hệ thống thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải theo quy định.

2. Cơ sở y tế sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ phải đáp ứng yêu cầu của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

3. Chất ô nhiễm tác động trực tiếp đến sức khỏe con người phải được quản lý như sau:

a) Nhận diện, đánh giá, cảnh báo, phòng ngừa và kiểm soát chất ô nhiễm có khả năng tác động đến sức khỏe con người; các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe con người có liên quan trực tiếp đến chất ô nhiễm;

b) Kiểm soát và xử lý từ nguồn phát sinh đối với chất ô nhiễm có tác động đến sức khỏe con người và vấn đề về bệnh tật được xác định có nguyên nhân trực tiếp từ chất ô nhiễm;

c) Quản lý, chia sẻ, công bố thông tin về chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.

4. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc vận chuyển, xử lý chất thải y tế.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết việc phân loại, thu gom, lưu giữ, quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế; xác định, đánh giá, cảnh báo, theo dõi và phát hiện triệu chứng, nguyên nhân của bệnh tật và các vấn đề về sức khỏe con người có liên quan trực tiếp đến các chất ô nhiễm; xác định và công bố về giới hạn của các chất ô nhiễm trong cơ thể con người có nguy cơ tác động đến sức khỏe con người; quản lý, thống kê, chia sẻ, công bố thông tin về các vấn đề bệnh tật liên quan đến các chất ô nhiễm; đánh giá chi phí và thiệt hại kinh tế do bệnh tật, các vấn đề về sức khỏe liên quan đến ô nhiễm môi trường; xây dựng, hướng dẫn, tổ chức triển khai biện pháp giám sát, dự phòng bệnh tật, các vấn đề về sức khỏe con người do các chất ô nhiễm gây ra; quản lý, chia sẻ, trao đổi, công bố thông tin về các chất ô nhiễm có tác động đến sức khỏe con người.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế phù hợp với điều kiện của địa phương; chịu trách nhiệm thực hiện quản lý các chất ô nhiễm liên quan đến các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe con người trên địa bàn.”