Chỉ làm công ăn lương sẽ không đủ tiền cưới vợ ở Trung Quốc
Người dân ở Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến kêu gọi chính phủ can thiệp hiệu quả hơn trong việc kiểm soát giá quà cưới tăng chóng mặt trong những năm qua.
Chi phí kết hôn ngày càng đắt đỏ ở Trung Quốc. Ảnh: NPR.
Một cư dân Phủ Điền đã phàn nàn vấn đề trên bảng tin trực tuyến của chính quyền. Người này cho biết chi phí trung bình của sính lễ hiện là 780.000 nhân dân tệ, nhấn mạnh mức giá ở những nơi giàu có hơn như thị trấn Zhongmen và Dongzhuang thậm chí có thể sớm đạt từ 800.000 nhân dân tệ đến 2 triệu nhân dân tệ, theo Sixth Tone.
“Đó không phải là thứ mà một người làm công ăn lương có thể chuẩn bị. Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo sẽ giúp giải quyết vấn đề này”, người này viết.
Hôm 20/1, chính quyền thành phố Phủ Điền cho biết đang điều tra và xác nhận các khiếu nại, cũng như cam kết xây dựng “một cơ chế hoạt động bền vững” để kiềm chế hành vi không lành mạnh.
Trong vài năm qua, Phủ Điền và nhiều địa phương khác trên khắp Trung Quốc đã kêu gọi người dân hạn chế quà đính hôn.
Quà đính hôn hay sính lễ là một phần truyền thống trong hôn nhân ở Trung Quốc, bao gồm tiền mặt và những món quà khác như vàng và đồ trang sức được nhà chú rể trao cho gia đình cô dâu như biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn.
Nhà trai phải chi số tiền lớn cho quà đính hôn tại Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone.
Gia đình cô dâu ít đối mặt với áp lực tài chính hơn, một phần vì con gái đã lấy chồng được “giao” cho nhà trai và không còn được coi là thành viên trong gia đình của bố mẹ đẻ nữa.
Tỷ lệ chênh lệch giới tính ở Trung Quốc (104 nam so với 100 nữ vào năm 2022) cũng góp phần khiến sính lễ ngày càng đắt đỏ.
Bức thư của cư dân Phủ Điền đã nhanh chóng khơi mào các cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng về chi phí lập gia đình, ngay cả khi tỷ lệ kết hôn và sinh con của Trung Quốc đạt mức thấp nhất vào năm 2022.
Nhiều cư dân mạng chỉ trích số tiền khổng lồ chi cho lễ vật đính hôn, nói rằng nhiều gia đình “đang bán con gái của họ” và mọi người chỉ muốn “phô trương sự giàu có” trên mạng xã hội.
Những người khác lập luận rằng truyền thống quy định rằng hầu hết bậc cha mẹ phải tặng lại quà cho cặp vợ chồng mới cưới.
“Ở Phủ Điền, nếu có lễ vật đính hôn trị giá một triệu nhân dân tệ, trong hầu hết trường hợp, cha mẹ cô dâu sẽ trao của hồi môn với số tiền tương đương bằng xe hơi và nhà ở. Tất cả tài sản đều thuộc về cặp đôi mới cưới”, một người dùng khác trên Weibo viết.
Chi phí làm đám cưới cũng gia tăng ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, cũng như ở những tỉnh phía nam như Phúc Kiến.
Trong một số trường hợp, các gia đình cạnh tranh với nhau xem ai có thể chi nhiều tiền hơn cho đám cưới hoặc tổ chức buổi lễ hoành tráng hơn, buộc nhiều người vốn đã mắc nợ phải vay thêm tiền.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.