Chùm ảnh giới thiệu về lễ cưới của đồng dân tộc Khmer Nam Bộ – Lễ hội – Ban Dân Tộc (Tiếng Việt)

 

Hình 1: Trang phục cưới của cô dâu được thiết kế với nhiều màu sắc rất đa dạng, rực rỡ, hoa văn trang trí tinh xảo và được điểm xuyết bằng những hạt cườm, kim sa lấp lánh, cô dâu trong ngày cưới sẽ mặc săm-pết-hol đủ màu sắc và đeo vòng tay, vòng chân cùng với thắt lưng, đầu thì đội vương miện tạo nên vẻ đẹp truyền thống của dân tộc.

Hình 2: Trang phục cưới của chú rễ là quấn săm-pết thẳng kết hợp với áo dài tay, cổ trụ đứng, xẻ đằng trước và cài khuy, có túi hoặc không túi. Trang phục chú rễ có thắt lưng và cài bông trước ngực đẹp lộng lẫy như cô dâu. Ngoài ra, chú rễ có thể khoác thêm áo choàng ren dài qua gối để tăng thêm phần lịch lãm trong ngày cưới.

Hình 3: Cô dâu và chú rễ người dân tộc Khmer trong trang phục cưới truyền thống.

Hình 4: Nghi thức mở rào bên đàng gái chuẩn bị ra đón đàng trai sang. Gia đình đàng trai đưa chú rễ và sính lễ đến nhà cô dâu làm lễ nhập gia. Cô dâu bước ra cùng với hai dâu phụ để đón tiếp bên đàng trai. Sau khi ông Acha – người chủ trì hôn lễ (là người hiểu biết những tập tục tại địa phương và có địa vị trong cộng đồng) làm lễ xong, chú rễ dâng bó hoa cau (hoặc hoa huệ) cho cô dâu. Do người Khmer theo chế độ mẫu hệ nên lễ cưới thường được tổ chức tại gia đình nhà gái chứ không có lễ rước dâu về gia đình nhà trai như người Kinh.

Hình 5: Nghi thức cô dâu và chú rễ đeo vòng hoa cho nhau. Nghi thức này có ý nghĩa gần giống như người Kinh trao nhẫn cưới cho nhau để thể hiệ sự tôn trọng và gắn bó giữa vợ chồng… Trao hoa cho nhau như là đem hết niềm tin, sự dâng hiến cho người là vợ hoặc chồng của mình. Hoa được chọn để trao cho nhau thường phải là hoa lài được kết thành vòng hoa vì hoa lài là loài hoa màu trắng có hương thơm ngào ngạt, tượng trưng cho sự trong sáng, ngọt ngào của tình yêu đôi lứa​.

Hình 6: Nghi lễ tụng kinh Phật để chúc phúc cho cô dâu và chú rễ.

Hình 7: Cô dâu và chú rễ bước vào nhà chuẩn bị nghi lễ cúng ông bà tổ tiên và bên đàng trai dâng trà, bánh trái cho ông bà cha mẹ cô dâu thể hiện ý nghĩa đền đáp công ơn sinh thành, nuôi dưỡng cô dâu; và tiếp đó làm lễ cột chỉ tay cho hai phù dâu và phù rễ.

Hình 8: Cô dâu và chú rễ dâng rượu và trầu cau để thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ và bà con họ hàng.

Hình 9: Nghi lễ cột chỉ tay: Họ hàng hai bên cột chỉ tay cho cô dâu chú rễ để chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ sống trăm năm hạnh phúc dưới sự chủ trì của ông Maha (người phụ chủ trì hôn lễ).

Hình 10: Nghi lễ nhập phòng: Sau lễ cột chỉ tay, đôi vợ chồng dắt nhau vào buồng tân hôn; cô dâu đi trước, chú rễ theo sau, người chồng nắm lấy vạt áo của người vợ theo sau… Sau đó, cô dâu và chú rễ thay y phục ra ngoài tiếp đón khách đến dự tiệc cưới.

Quốc Lộc