Có thai trước khi kết hôn thì đứa con có được xem là con chung của vợ chồng?


Chào anh chị, em và bạn gái em có thai, tụi em dự tính sẽ kết hôn vào tháng sau. Em hoang mang không biết pháp luật có thừa nhận việc có thai trước khi kết hôn thì có được xem là con chung của tụi em hay không?
Nhờ anh chị tư vấn, cảm ơn anh chị đã hỗ trợ.

Có thai trước khi kết hôn có được xem là con chung của vợ chồng?

Tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về xác định cha, mẹ như sau:

1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Căn cứ theo quy định hiện hành, trong trường hợp vợ bạn có thai trước khi kết hôn và sinh ra trong thời kỳ hôn nhân thì pháp luật sẽ thừa nhận đây là con chung của hai bạn. Mặc khác, trong trường hợp con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được hai vợ chồng bạn thừa nhận là con chung của vợ chồng thì pháp luật cũng sẽ thừa nhận đây là con chung của hai bạn.

Có thai trước khi kết hôn thì đứa con có được xem là con chung của vợ chồng?

Có thai trước khi kết hôn thì đứa con có được xem là con chung của vợ chồng? (Hình từ Internet)

Người mẹ không kết hôn, con sinh ra có được lấy họ của mẹ?

Tại Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về quyền có họ, tên như sau:

1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.

Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

3. Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

4. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình.

5. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Theo đó, trong trường hợp người mẹ không kết hôn thì con sinh ra được phép lấy họ của mẹ.

Điều kiện kết hôn giữa nam và nữ được quy định như thế nào?

Tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về điều kiện kết hôn như sau:

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Như vậy, nếu đáp ứng được các điều kiện trên thì nam nữ sẽ được kết hôn.

Trân trọng!