Cổng cưới kết bằng lá dừa – nét văn hóa đặc sắc chứa đựng trọn vẹn nghĩa xóm tình làng của người miền Tây

Cây dừa chắc có lẽ là hình ảnh đã gắn liền với những làng quê nông thôn tại Việt Nam từ muôn đời nay, nhất là khu vực miền Tây Nam Bộ. Ở khu vực này, những cây dừa gần như là có giá trị tuyệt đối từ lúc sinh trưởng cho đến khi chết đi: quả dừa tươi dùng để uống nước, hay lấy nước này để kho cá, kho thịt; dừa khô hay dừa rám lại cho cơm dừa làm mứt hoặc vắt lấy nước cốt nấu chè, đổ rau câu, mộng dừa khô xôm xốp ngọt lành luôn là thứ mà tụi con nít mong ngóng được “xí” phần; phần gáo dừa có thể giữ lại, gắn thêm cái cán để múc nước. Cây dừa nào không còn hoặc không thể cho trái thì bị đốn, gỗ dừa dùng làm đũa, muỗng, đóng bàn ghế…

Cổng cưới kết bằng lá dừa - nét văn hóa đặc sắc chứa đựng trọn vẹn nghĩa xóm tình làng của người miền Tây - Ảnh 1.

Cổng cưới kết bằng lá dừa - nét văn hóa đặc sắc chứa đựng trọn vẹn nghĩa xóm tình làng của người miền Tây - Ảnh 2.

Riêng phần lá dừa tưởng như không có giá trị gì thì lại vô cùng hữu dụng trong nhiều trường hợp. Chẳng hạn như lá dừa khô hay được để lợp chòi vịt, chòi cá, lợp mái hàng ba, trưa ra nằm ngủ, gió tạt mát lạnh khỏi cần quạt máy như bây giờ, hoặc chặt ra để dành chụm củi trong mùa mưa gió. Những khi cuối năm ngày xưa cũng khá lạnh, bà con lấy lá dừa khô đốt một đống lửa lớn trước nhà, cả gia đình xúm vào sưởi cho ấm tay ấm chân. Còn lá dừa tươi là là thứ tụi nhỏ thích mê vì có thể tự tay xếp hình con rích (rết), con cào cào,…

Cổng cưới kết bằng lá dừa - nét văn hóa đặc sắc chứa đựng trọn vẹn nghĩa xóm tình làng của người miền Tây - Ảnh 3.

Cổng cưới kết bằng lá dừa - nét văn hóa đặc sắc chứa đựng trọn vẹn nghĩa xóm tình làng của người miền Tây - Ảnh 4.

Đặc biệt nhất, lá dừa tươi còn được dùng làm cổng cưới. Những chiếc cổng cưới được kết bằng lá dừa dường như là một “đặc sản” mang màu sắc bản địa trong mùa cưới của cái đất miền Tây từ nhiều đời nay mà không một nơi nào khác có được.

Còn nhớ, ngày xưa ở miền Tây, mỗi khi trong xóm có nhà nào chuẩn bị đám cưới là bà con, bạn bè xung quanh đều túm tụm lại với nhau, rục rịch chuẩn bị trước cả tuần lễ. Cánh chị em phụ nữ lo dựng bếp, nhà có đám cưới không đủ chảo nồi hay chén bát thì hàng xóm gom góp với nhau, ai có gì cho mượn cái đó. Còn cánh đàn ông thì làm việc nặng hơn như dọn cỏ quanh nhà cho sạch sẽ, trang hoàng nhà cửa, dựng rạp cưới và quan trọng nhất là làm cổng cưới bằng lá dừa.

Cổng cưới kết bằng lá dừa - nét văn hóa đặc sắc chứa đựng trọn vẹn nghĩa xóm tình làng của người miền Tây - Ảnh 5.

Cổng cưới kết bằng lá dừa - nét văn hóa đặc sắc chứa đựng trọn vẹn nghĩa xóm tình làng của người miền Tây - Ảnh 6.

Mà các anh đàn ông miền Tây ngày xưa hay lắm, quanh năm làm việc ruộng vườn, không hề đá động gì tới những lĩnh vực nghệ thuật, thẩm mỹ mà cứ hễ bắt tay nhau vào làm cổng cưới bằng lá dừa thì lại vô cùng tài hoa, tinh tế. Nào là xếp hình con rồng, con phượng, hình trái tim… bàn tay chai sần của các anh đều làm được hết. Mà cái kỹ năng này có ai dạy ai đâu, người này nhìn người kia bắt chước, tụi nhỏ nhìn các anh cũng “bày đặt” làm theo, xóm mà có chục cái đám cưới thì tự nhiên việc kết lá dừa làm cổng cưới nó “ăn vào máu”. Cứ thế tiếp diễn hoài hoài.

Cổng cưới kết bằng lá dừa - nét văn hóa đặc sắc chứa đựng trọn vẹn nghĩa xóm tình làng của người miền Tây - Ảnh 7.

Cổng cưới kết bằng lá dừa - nét văn hóa đặc sắc chứa đựng trọn vẹn nghĩa xóm tình làng của người miền Tây - Ảnh 8.

Chưa kể, mấy đứa con nít ngoài đi theo các ông, các anh “học nghề” tết cổng cưới, tụi nó còn xin “ké” được vài lá dừa thắt đồng hồ, con cá, cào cào hay có khi còn làm được cả cái nón đội đầu vô cùng đặc biệt. Đến khi lớn lên, thế hệ tụi nhỏ ai cũng biết tết cổng cưới. Cứ như vậy, trong xóm có đám cưới là mọi người xúm nhau giúp, mỗi người một tay, người tìm lá, người tết hoa, người kết cổng… vậy mà rôm rả, trọn vẹn nghĩa xóm, tình làng!

Cổng cưới kết bằng lá dừa - nét văn hóa đặc sắc chứa đựng trọn vẹn nghĩa xóm tình làng của người miền Tây - Ảnh 9.

Quay lại cái cổng cưới, ở miền Tây cây trái trù phú nên nói là cổng cưới bằng lá dừa chứ thực chất lúc nào cũng có sự góp mặt của những loài cây trái khác. Mùa nào cây đó, cứ cây nào đẹp đang độ trổ bông, trổ trái thì hiển nhiên sẽ được đưa vào làm cổng. Ví dụ như cây chuối, cau kiểng, hoặc những cây đủng đỉnh trĩu quả nhìn mà… ám ảnh rợn da gà (quả cây đủng đỉnh gây ngứa, hồi xưa hay được mấy đứa nhỏ láu cá hái đem đi “hại” bạn bè trong xóm). Tấm bảng “Tân hôn” hoặc “Vu quy” cũng được bện, ghép bằng lá dừa, bông dừa, bông đủng đỉnh, trái cau hoặc hạt lúa, gạo, rất công phu, tỉ mỉ.

Cổng cưới kết bằng lá dừa - nét văn hóa đặc sắc chứa đựng trọn vẹn nghĩa xóm tình làng của người miền Tây - Ảnh 10.

Cổng cưới kết bằng lá dừa - nét văn hóa đặc sắc chứa đựng trọn vẹn nghĩa xóm tình làng của người miền Tây - Ảnh 11.

Quả thật, dù giản dị và mang đậm hơi thở “cây nhà lá vườn” của xứ miền Tây sông nước, nhưng những chiếc cổng cưới ngày ấy vẫn là dấu ấn, là ký ức, là hoài niệm khó quên của bao thế hệ nơi đây. Đáng tiếc là ngày nay, hình ảnh chiếc cổng cưới ấy không còn nhiều nữa bởi sự ra đời của những dịch vụ tổ chức đám cưới rộ lên “nấm sau mưa”, chỉ cần “alo” một cái là mọi thứ được lo từ A tới Z, cả cái cổng cưới cũng được chuẩn bị sẵn với hoa lá giả màu mè sặc sỡ, chục cái đám cưới như một, trông chán ngán vô cùng.