Cổng cưới rồng, phụng thành ‘trend’ cưới qua cách biến hóa của người trẻ

Cổng cưới rồng, phụng thành “trend”

Từ xưa, đặc trưng trong ngày cưới của người dân miền Tây chính là cổng cưới được làm bằng thân cây chuối, lá dừa và được trang trí kèm những hình thù rồng, phụng. Theo thời gian, những cổng cưới này dần được thay thế bằng những cổng được làm bằng khung sắt, hoa giả làm mất đi nét truyền thống của đám cưới miệt vườn Nam bộ.

NVCC

Thế nhưng ở đâu đó vẫn còn có những bạn trẻ âm thầm theo nghề làm cổng lá dừa và họa tiết rồng, phụng. Chính những người trẻ này đã tạo nên trào lưu cổng cưới, rạp cưới được kết bằng lá dừa mang nét đẹp bình dị nhưng không kém phần sang trọng và lãng mạn mà nhiều cặp đôi chọn cho ngày trọng đại.

Từ những tàu lá dừa bình dị, qua đôi tay khéo léo của những chàng trai, cô gái quê bỗng trở thành những cổng cưới truyền thống đẹp lung linh nhưng cũng không kém sang trọng.

Nguyễn Thị Huyền Trang (33 tuổi) và Phạm Ngọc Sang (31 tuổi) ở TP.Mỹ Tho, Tiền Giang, là trong số những bạn trẻ theo nghề này. Trang chia sẻ, 6 năm trước, vợ chồng cô bắt đầu làm nghề này chỉ để kiếm thêm thu nhập. Dần dần thấy thích và theo nghề “chuyên nghiệp” đến ngày nay.


Trang cho biết, đa phần người làm cổng cưới thủ công không được dạy nghề, chỉ làm từ cảm nhận cá nhân. “Ban đầu vợ chồng tôi làm cổng cưới bằng lá dừa, mẫu mã chưa thật sự bắt mắt, sau đó tự học cách làm rồng, phụng. Sai rồi sửa, xấu rồi sửa, đến khi đẹp mới thôi”, Trang chia sẻ.

Sang cho hay, tuy nghề này làm theo lối truyền thống nhưng phải cải thiện theo xu thế mới của xã hội. Chẳng hạn các vật liệu được trang trí hoàn toàn tự nhiên, lối thiết kế mới, tinh tế và không quá cũ.

Nguyên liệu làm cổng cưới từ những vật dụng có sẵn và rất dễ tìm như lá dừa, ớt, lá khóm, quả cau, hoa tươi, đậu bắp, đậu đũa… Để tạo hình một con rồng cần khoảng 5 kg ớt, vài kg cau và lá khóm. Vì nguyên liệu tự nhiên nên phải đảm bảo độ tươi, người thợ vì thế không được làm sớm quá hay chậm quá mà phải đúng thời điểm. Có những hoa phải cắt kỹ, không để được lâu. Thời gian hoàn thành cổng cưới vào khoảng 1 đến 2 ngày.

Lưu giữ nét truyền thống miền Tây

Tâm sự với người viết, chị Trang cho hay: “Làm nghề này một phần muốn lưu giữ nét đẹp xưa của cổng cưới làm thủ công từ những loại cây, lá gắn bó với người dân vùng quê. Công việc cũng thoải mái. Thu nhập cao hơn so với mặt bằng chung của người trẻ miền Tây”.



Làm nghề trang trí này nương theo mùa, đa phần từ tháng 8 đến tháng giêng năm sau là mùa cao điểm.

Gần đây, cổng rồng, phụng lại trở thành “trend” và sử dụng nhiều trong tiệc cưới, mỗi tháng vợ chồng Sang nhận từ 20-30 tiệc cưới và trang trí lớn nhỏ. Trang tiết lộ, việc trang trí cổng rồng, phụng có giá từ 9 đến 10 triệu đồng, cổng và rạp cưới lá dừa từ 2 đến 3 triệu đồng. Từ đó thu nhập của 2 vợ chồng khá hơn nhờ theo nghề này.

“Đây là nghề làm đẹp cho đời, mang lại niềm vui cho những cặp đôi trong ngày cưới. Ngoài ra, còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống. Niềm hạnh phúc của chúng tôi là được gia chủ khen sau khi hoàn thành. Điều này làm chúng tôi yêu nghề và sẽ tiếp tục với nghề làm cổng cưới rồng, phụng”, Trang chia sẻ.

Trần Minh Bảo Ngân (27 tuổi, ngụ H.Bình Đại, Bến Tre) cho biết đã đến dịch vụ thiết kế cổng cưới rồng, phụng từ trào lưu trên mạng xã hội. Vì cảm thấy rất thích nên đã chọn cổng cưới này cho ngày trọng đại của mình. Theo Ngân, tiệc cưới được tổ chức ở nhà thờ của tổ tiên nên cũng muốn mang phong cách truyền thống, cổ điển cũng như nét văn hóa của người miền Tây. Ngân cho hay khi cổng cưới hoàn thành, cả nhà Ngân đều tỏ ra thích thú và không ngớt lời khen.

“Thích nhất là thân con rồng được lắp ghép từ những quả cau nhỏ. Kế tiếp là đuôi phụng được sắp xếp từ những quả ớt trông không khác gì so với phim ảnh”, Ngân nói.

Cũng là một trong những bạn trẻ chọn trang trí cổng cưới theo cách này, Trương Hữu Thành (31 tuổi, ngụ xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) cho hay trào lưu cổng cưới rồng, phụng đã thực sự quay trở lại trong vài năm gần đây. Nó đã trở thành một điểm nhấn mới cho tiệc cưới của nhiều người trẻ.

“Cổng cưới rồng, phụng khiến lễ cưới của tôi như hoài niệm về những gì xưa cũ, mọi thứ hoàn toàn từ tự nhiên, dân dã mà không kém phần độc đáo”, Hữu Thành cho biết.