‘Cuộc chiến’ với hủ tục thách cưới ở Nam Tây Nguyên
TPO – Trước tình trạng những hủ tục lạc hậu trong cưới xin tồn tại dai dẳng trong các buôn làng, đẩy không biết bao nhiêu nam nữ thanh niên vào bi kịch, Hội phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã có những biện pháp giúp nhiều đôi trai gái.
Già làng Ya Du (xã Próh, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) cho biết các tộc người K’Ho và Chu Ru ở Nam Tây Nguyên có tục “bắt chồng”. Nếu sơn nữ phải lòng chàng trai nào thì báo cho mẹ biết để cậy nhờ ông cậu và người mai mối đến nhà trai dạm hỏi. Toàn bộ việc cưới xin do nhà gái lo liệu. Nhà trai có quyền thách cưới nhưng sau đó chàng rể về sống bên nhà vợ.
Ngày xưa, nhà trai thường đòi lễ vật là chiêng ché, trâu bò, vòng cườm, nhẫn bạc, khố, chăn… Đám cưới được tổ chức linh đình kéo dài nhiều ngày bên nhà gái, có những đám kéo dài 7 ngày đêm.
Những thập niên gần đây, hầu hết các lễ vật được quy ra thành tiền mặt. Muốn bắt chồng cho con, nhà gái phải có chí ít vài ba chỉ vàng và vài triệu đồng. Còn thông thường, nhà trai thách cưới từ 1-1,5 lượng vàng và từ 5-10 triệu đồng. Đối với những đôi có con trước hôn nhân, có khi nhà trai thách cưới “cắt cổ” từ 3-5 lượng vàng, kèm theo 50 triệu đồng.
Vì hủ tục ấy, nhiều gia đình có 5-7 con gái chỉ đủ tiền bắt 3-4 chàng rể, các cô còn lại cam chịu ế chồng. Hầu như thôn nào cũng có những sơn nữ không bắt được chồng vì nghèo khổ, có thôn mười mấy sơn nữ chịu cảnh độc thân suốt đời.
Có những gia đình phải bán trâu, bò, sang nhượng hoặc cầm cố nhà cửa, ruộng vườn để có tiền cho con bắt chồng; sau đó thì “còng” lưng làm lụng để trả nợ. Trong trường hợp vợ chồng không trả hết thì đến đời con, đời cháu phải trả.
Trước tình hình đó, từ năm 2017, Hội Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất phương án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giai đoạn 2015-2025” và từng bước đẩy lùi các hủ tục trong cưới hỏi. Đề xuất này đã được cơ quan Đảng, chính quyền tiếp thu, ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện.
Theo bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh, Hội đã thành lập các câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ nói riêng, người dân nói chung.
Các cấp Hội còn xây dựng nhiều mô hình thiết thực khác, chẳng hạn Câu lạc bộ phụ nữ “4 không” của Hội phụ nữ huyện Lạc Dương: “Không hôn nhân cận huyết thống, không tảo hôn, không thách cưới và không vay nặng lãi”.
Thông qua các câu lạc bộ này, hội viên phụ nữ giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi kiến thức mọi mặt, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, từng bước loại trừ các hủ tục lạc hậu.
Chị Ma Im chia sẻ: Hiện nay, nhiều bạn trẻ đã suy nghĩ tích cực hơn trong việc cưới hỏi, vượt qua những tục lệ khắt khe để đến với nhau vì tình yêu chứ không thách cưới. Hoặc một số gia đình vẫn thách cưới nhưng khi lễ vật, tiền bạc được mang đến thì nhà trai chỉ giữ lại những tặng phẩm theo phong tục như nhẫn bạc, vòng cườm, váy, chăn, còn toàn bộ số tiền thì cho đôi vợ chồng trẻ để có vốn làm ăn. Đây là việc làm nhân văn, vừa giữ được phong tục riêng vừa giúp nhà gái không phải bán nhà, mượn nợ để bắt chồng cho con.