Đám cưới miệt vườn miền Tây Nam Bộ với cặp vợ chồng trẻ

Đám cưới miệt vườn tuy không xa lạ với các bạn trẻ miền Nam tuy nhiên vẫn còn khá mới mẻ với các vùng miền khác. Trong bài viết dưới đây, Aloha sẽ giúp các bạn hiểu thêm về những nghi lễ, tập tục của đám cưới miệt vườn nhé. 

Ảnh 1 – Đám cưới miệt vườn có rất nhiều nét đặc sắc mà chỉ riêng nơi này mới có

Đám cưới miệt vườn Tây Nam Bộ có gì?

Mỗi một vùng miền sẽ có phong tục cưới hỏi khác nhau. Hãy cùng tìm hiểu những nét riêng rất đặc trưng của một đám cưới miệt vườn nhé.

1. Nghi lễ lên đèn 

Trước đây, một đám cưới miệt vườn thường sẽ có 6 lễ. Bao gồm: Lễ Giáp lời còn gọi là lễ dạm; lễ Thông gia là khi nhà gái qua thăm nhà trai để đáp lễ; lễ Cầu thân, lễ Đính hôn hay còn gọi là lễ ăn hỏi và cuối cùng là lễ Cưới. Cùng với sự phát triển của văn hóa, ngày nay lễ cưới của người dân miền Tây Nam Bộ chỉ còn giữ lại 3 lễ chính thức là lễ Dạm ngõ, lễ Hỏi và lễ Cưới. 

Trong đó, lễ Cưới được chuẩn bị công phu nhất. Lễ cưới sẽ được tổ chức tại nhà cô dâu và nhà chú rể. Để chuẩn bị cho một đám cưới miệt vườn, trước hết cần bắt đầu  từ việc dựng rạp cưới. Người ta thường dùng tàu lá dừa, hoa cau, tre và chuối để trang trí cổng hoa và rạp. Trước cổng nhà gái sẽ treo bảng ghi chữ Vu quy còn nhà trai sẽ ghi chữ Tân hôn.

Vào buổi tối trước ngày đưa dâu, mọi người trong gia đình cô dâu sẽ tụ tập đông đủ, còn gọi là họp gia đình. Gọi là buổi họp nhưng trên thực tế giống như là một buổi chia tay cô dâu, trong buổi chia tay này, mọi người sẽ thống nhất tặng của hồi môn cho cô dâu, lựa chọn người đi đưa dâu và dặn dò cô dâu trước khi xuất giá về nhà chồng. Bên nhà chú rể cũng sẽ diễn ra buổi họp tương tự và nội dung chủ yếu là để thống nhất thành phần của đoàn rước dâu. 

Trong lễ rước dâu, phần nghi thức không thể thiếu cần phải diễn ra tại họ nhà gái là lên đèn. Trong số đồ do nhà trai mang tới, nhà gái sẽ lấy và đặt 2 ngọn nến to lên bàn thờ ông bà tổ tiên. Sau đó, người trưởng tộc bên nhà gái sẽ khui một chai rượu do nhà trai mang tới đặt lên bàn thờ. Và tiến hành đốt đèn, 2 ngọn đèn trên bàn thờ phải được đốt cháy từ từ, đặt sát vào nhau. Theo quan niệm xưa, ngọn đèn phải cháy thật đều, thong dong, và đặc biệt là không được tắt bất ngờ. Nếu nhà trai và nhà gái quá xa thì tiệc cưới sẽ được tổ chức ở 2 bên gia đình.

2. Rước dâu bằng đường thủy

Ảnh 2 – Ai đã 1 lần được tham dự đám cưới miệt vườn, chắc chắn sẽ không bao giờ quên được.

Khi lễ Lên đèn kết thúc, có thể coi như cô dâu đã được xuất giá. Trước đây, phía nhà gái sẽ tổ chức tiệc vào lễ Hỏi, nhà trai sẽ tổ chức tiệc vào lễ Cưới. Tuy nhiên hiện nay thì để giảm bớt hình thức, nhà gái thường tổ chức tiệc ngay sau khi kết thúc lễ Lên đèn. Phía nhà trai sẽ ở lại và rước dâu vào ngày hôm sau.

Nét riêng biệt độc đáo của đám cưới miệt vườn là rước dâu bằng đường thủy. Người ta sẽ rước dâu bằng ghe được kết hoa. Lễ rước dâu bằng đường thủy thực sự rất náo nhiệt với những chiếc ghe hoa đầy màu sắc.

Cô dâu sau khi được rước về nhà trai sẽ phải làm lễ bái gia tiên trước rồi sau đó sẽ tham dự yến tiệc cùng nhà trai. Nếu 2 gia đình ở gần nhau, có thể thỏa thuận cùng nhau đãi khách tại một trong hai nơi để thuận tiện cho khách mời đi lại.

3. Không có giờ giấc nhất định

Một điều đặc biệt nữa trong đám cưới miệt vườn là không có giờ giấc nhất định. Khách dự tiệc thường chỉ nhớ ngày cưới, sau khi hoàn thành xong các công việc thì họ mới sang dự tiệc. Chính vì vậy, tiệc cưới ở miền Tây Nam Bộ thường kéo dài trong vòng 1 ngày. Khách mời cứ tới đủ 10 người một mâm là sẽ tiến hành lên món. 

Người miền Tây rất thích sự náo nhiệt nên trong tiệc cưới sẽ thuê dàn nhạc về để khách khứa giao lưu. Nhiều gia đình còn thuê cả ca sĩ, đàn ca vọng cổ tới góp vui. 

4. Tiệc cưới đầy sản vật

Một mâm tiệc trong đám cưới miệt vườn chỉ có 5 món, đều là sản vật của địa phương. Dù miền Tây Nam Bộ là nơi sản xuất ra nhiều loại mắm nhất nhưng trong thực đơn tiệc cưới lại tuyệt đối không có món mắm. Ngoài ra, họ còn kiêng kị các món canh chua, canh đắng trong thực đơn tiệc cưới. Bởi quan niệm kiêng kị những thứ có mùi, đắng cay, chua chát.

Bên cạnh đó, cỗ cưới miền Nam còn không có sự xuất hiện của món cá lóc nướng trui dù đó là món đặc sản của nơi đây. Nguyên nhân là do người ta kiêng hình ảnh con cá bị nướng đen, tượng trưng cho sự đen đủi, xúi quẩy.

Thường thì cỗ cưới sẽ do gia đình đặt thuê người hoặc tự nấu. Người dân Tây Nam Bộ rất phóng khoáng, khi nhà nào có tiệc thì hàng xóm sẽ tự giác sang phụ giúp phục vụ cỗ cưới, bày mâm, rửa bát.  

5. Tiếp đón hết mình

Ảnh 3 – Đám cưới miệt vườn rất phù hợp với các cặp đôi muốn mang lại cảm giác mới lạ cho quan khách.

Người miền Tây Nam Bộ vốn rất thích uống rượu trong tiệc cưới và luôn hết mình trong việc tiếp đón khách khứa. Đặc biệt, khách từ phương xa sẽ được tiếp đón rất nhiệt tình, sẽ được mời rượu “chào sân”. Ly rượu sẽ được chuyền tay nhau uống dần. Đây cũng là một nét rất đặc sắc cho thấy sự hiếu khách và hào sảng của người dân miền sông nước.

Đối vớ người dân miền Tây Nam Bộ, đám cưới thực sự là một ngày hội lớn của tất cả mọi người dân trong thôn xóm. Cỗ cưới càng lớn, quan khách càng đông càng chứng tỏ tình hàng xóm láng giềng của gia đình cô dâu, chú rể rất chân thành, rất được lòng bà con xung quanh. 

Đám cưới miệt vườn chắc chắn sẽ rất phù hợp cho các cặp đôi muốn mang lại cảm giác mới lạ, hòa mình vào thiên nhiên và đậm chất dân dã cho toàn thể khách mời. Dù hầu hết hiện nay các cặp đôi thường lựa chọn tổ chức tiệc cưới tại các nhà hàng, trung tâm tiệc cưới sang trọng. Nhưng nếu có ý định tạo một ấn tượng khó quên, hãy thử một lần tạo phong cách cùng đám cưới miệt vườn nhé.  

Bài viết thuộc về: Aloha Studio