Đám cưới truyền thống của người Khmer
(VOV5) – Đối với đồng bào Khmer, lễ cưới là một sự kiện quan trọng của đời người. Những chàng trai, cô gái Khmer đến tuổi trưởng thành đều được tự do tìm hiểu, nhưng để đi đến hôn nhân họ phải trải qua nhiều nghi lễ, tập tục truyền thống. Trong đó, nghi lễ cưới thể hiện nhiều nét đẹp văn hoá của đồng bào Khmer.
Cô dâu và chú rể người Khmer (Ảnh: camnangcuoihoi.com)
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Mùa cưới của người Khmer Nam bộ bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Như nhiều gia đình trong cộng đồng người Khmer sinh sống ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gia đình ông Châu Chân Đa ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, tổ chức nghi lễ đám cưới cho con theo các nghi thức truyền thống. Con trai ông là chú rể Châu Lim làm trong ngành Công an, còn cô dâu Thạch Thị Nhơn là sinh viên năm cuối ngành Ngân hàng. Sau 2 năm tìm hiểu, đôi trai gái quyết định đi đến hôn nhân. Lễ hỏi được tổ chức tại nhà gái. Những lễ vật do nhà trai mang đến nhà cô dâu được bày biện đẹp mắt gồm: các mâm trầu cau, hoa trái, bánh tét. Ngoài lễ vật, nhà trai còn trao cho nhà gái một số tiền để cô dâu sắm sửa quần áo trước khi tiến hành lễ cưới. Tiếng nhạc ngũ âm đặc trưng của người Khmer làm cho không khí buổi lễ thêm long trọng.
Mở đầu cho lễ hỏi, hai ông Achar ( chủ lễ, đại diện cho hai gia đình) thay nhau đối đáp. Achar là những người có uy tín trong họ tộc, là những người có gia đình hạnh phúc và phải am hiểu phong tục tập quán của dân tộc mới được mời tham dự các nghi lễ. Ông Châu Chân Đa, cho biết: “Phải biết người ta là người đàng hoàng, hiểu biết thì mình mới dám mời đến chủ trì nghi lễ. Nếu không được như thế thì không dám mời. Vì trong cưới hỏi có nhiều nghi lễ rất khó”.
Cuộc đối đáp diễn ra trong không khí trang nghiêm với sự chứng kiến của đại diện người thân họ hàng của hai bên gia đình. Đây cũng là nghi lễ đầu tiên của đám cưới. Trong lễ này, ngày tháng tổ chức lễ cưới được hai họ thống nhất với nhau.
Lễ thành hôn ( Apia pị pia ) của người Khmer trước đây thường được tiến hành trong 3 ngày, 2 đêm, nhưng hiện nay tại nhiều địa phương đã rút gọn lại chỉ còn 2 ngày, 2 đêm. Những chi tiết rườm rà đã được bỏ đi, chỉ giữ lại những nghi lễ chính như: lễ đưa chú rể sang nhà gái, lễ cúng ông Tà, lễ cắt tóc, rắc bông cau, mời các nhà sư đến cầu nguyện, lễ xoay đèn, lễ buộc chỉ tay, lễ lạy ông bà, cha mẹ, lễ nhập phòng….
NHà gái ra nhận lễ (Ảnh: camnangcuoihoi.com)
Do người Khmer theo chế độ mẫu hệ, nên lễ cưới được tổ chức ở nhà gái. Từ sáng sớm, nhà trai dưới sự hướng dẫn của ông chủ lễ (Achar ) mang lễ vật sang nhà gái. Ngoài những lễ vật thông thường nhà trai còn mang theo nữ trang và khăn quàng để tặng cô dâu trong ngày cưới. Khi đoàn nhà trai sắp đến, nhà gái rào cổng lại bằng nhánh gai tượng trưng trưng cho sự trong trắng của cô dâu. Đến cổng rào, người đại diện bên nhà trai cầm thanh gươm gỗ múa 3 vòng để báo chú rể đã đến. Bên nhà gái đánh cồng báo hiệu cho nhà trai vào. Cô dâu cùng hai phù dâu trong trang phục dân tộc lộng lẫy cầm vòng hoa ra tiếp đón chú rể. Hai bên trao vòng hoa cưới và cùng bước vào nhà. Giàn nhạc nổi lên và mọi người cùng chúc mừng cô dâu, chú rể.
Lễ cúng tổ tiên (Ảnh: camnangcuoihoi.com)
Sau các thủ tục như: lễ ra mắt ông bà, cha mẹ, trao nữ trang và khăn quàng cho cô dâu, lạy bàn thờ.. là lễ cắt tóc cho cô dâu, chú rể. Một phụ lễ múa hát theo điệu nhạc đi vòng quanh cô dâu, chú rể, thỉnh thoảng đưa chiếc kéo lên cắt tượng trưng vài sợi tóc trên đầu của hai người. Ý nghĩa của việc cắt tóc nhằm xóa bỏ những điều xấu xa ra khỏi cuộc đời của đôi trai gái này. Tối đến, nhà gái mời các nhà sư tại các chùa ở địa phương đến nhà để cầu kinh và chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Đây là một nét đặc thù trong đám cưới của người Khmer. Bước sang ngày hôm sau mới là lễ cưới chính thức. Trong ngày này những nghi lễ quan trọng mới được tiến hành như lễ xoay đèn, lễ cột chỉ tay, lễ nhập phòng, lễ rắc bông cau chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu chú rể. Những nghi lễ này càng tổ chức chu đáo càng khiến cho cô dâu, chú rể tự hào về đám cưới của mình. Cô dâu Thạch Thị Nhơn rất xúc động: “ Em rất tự hào khi đám cưới của em được tổ chức theo truyền thống dân tộc. Đặc biệt những lễ nghi này chỉ có trong dân tộc Khmer chúng em”.
Sợi chỉ hồng cột tay cô dâu chú rể như lời chúc phúc (Ảnh: camnangcuoihoi.com)
Ngày nay, những đám cưới của người Khmer vừa mang đặc trưng truyền thống của dân tộc mình, đồng thời cũng có nhiều đổi mới do quá trình cộng cư và giao lưu văn hoá với các dân tộc khác trong vùng. Sau những nghi thức truyền thống là bữa tiệc thiết đãi người thân bạn bè, nam nữ thanh niên theo nếp sống mới. Và bao giờ cũng vậy, điệu múa Lâm Thon quen thuộc do các thanh niên nam nữ trong làng biểu diễn trên nền nhạc đệm dân tộc sẽ kết thúc cuộc vui ngày cưới.