Đám cưới truyền thống người Cao Lan ở Bắc Giang
Trước đây, trong việc hôn nhân, người Cao lan chủ yếu thực hiện thông qua việc lựa chọn, sắp đặt của hai bên gia đình, trai gái ít có điều kiện tìm hiểu hoặc có quyền tự quyết định hạnh phúc cho chính mình. Ngày nay, khi điều kiện kinh tế phát triển, trình độ dân trí đã nâng lên, việc cưỡng hôn, tảo hôn của người Cao Lan dần được loại bỏ. Trai gái đã được tự do tìm hiểu, lựa chọn, yêu thương nhau và đề nghị hai bên gia đình tiến hành hôn lễ cho mình.
Để tiến hành hôn lễ cho đôi trẻ, theo phong tục tập quán truyền thống người Cao Lan tại huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam (Bắc Giang), gia chủ sẽ phải tiến hành những thủ tục như lễ dạm ngõ, so tuổi, đặt gánh (thách cưới), lễ cưới. Trong đó lễ dạm ngõ hay còn gọi là “Hoi mọc” tức là “Mở quả cau” là bước đầu tiên. Với quan điểm trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng, chàng trai tới tuổi trưởng thành sẽ bày tỏ nguyện vọng của mình là đã tìm được vợ với bố mẹ. Sau khi biết được nguyện vọng của con cũng như nguồn gốc, lai lịch cô gái, bố mẹ chàng trai cảm thấy ưng thuận thì sẽ chuẩn bị 1 lễ mang sang nhà cô gái, lễ vật gồm có: quả cau, lá trầu, chai rượu, mỳ. Chuẩn bị lễ vật xong nhà trai cử một người trong họ mang sang, thường là đi vào chiều tối để tránh các con vật cản đường như chim muông, thú rừng hoặc người đi làm vác cày bừa (dù bất cứ làm công việc gì quan trọng dân tộc Cao Lan cũng không đi ban ngày mà thường đi vào chiều tối).
Sang tới nhà gái, người mang lễ vật vào chạn lấy bát đặt hai quả cau lên ban thờ để nói chuyện và đặt vấn đề với nhà gái, thông báo cho nhà gái ngày dạm hỏi, hai quả cau còn lại dành cho cô gái sẽ đặt lên ban thờ với hàm ý: Nếu không ưng thuận thì 2 đến 3 ngày sau tự cô gái mang trả nhà trai. Nếu cô gái ưng thuận thì nhà trai xin ngày tháng năm sinh của cô dâu để tiến hành lễ so tuổi.
Trước lễ đặt gánh vài hôm, nhà trai mang hai quả cau sang nhà gái nói chuyện và thông báo ngày đặt gánh, trong thời gian này, cô gái không ưng thì vẫn có thể mang trả hai quả cau, nếu không ý kiến gì thì tới ngày nhà trai cứ tiến hành mang lễ vật sang đặt gánh nhà cô gái, lễ vật đi ăn gánh gồm có: Hai con gà thiến, một chai rượu, 12 cái bánh dầy, 10 lá trầu, 4 quả cau. Nhà gái sẽ làm mâm cơm mời nhà trai, trong lúc ăn uống nhà gái sẽ thông báo cho nhà trai đồ thách cưới, gồm: Tiền mặt, thịt lợn, gạo tẻ, rượu, bánh dầy, vải mộc, chăn bông, màn đôi, quần áo, trầu cau ăn trong đám cưới, thuốc lào, thuốc lá, khuyên bạc… Sau khi ăn uống và nói chuyện xong nhà trai sẽ về nhà và chuẩn bị đồ thách cưới và xem ngày cưới và báo cho nhà gái.
Để tiến hành lễ cưới, nhà trai phải chuẩn bị khá nhiều vật phẩm như gạo, lợn, bánh dầy, tiền mặt… mang đến nhà gái trước một ngày để nhà gái mời họ hàng. Bên nhà trai mời đầy đủ vai vế để đi đón dâu. Theo phong tục của người Cao Lan, đi đón dâu phải “đi 6 về 8”, mọi thứ đều phải gắn liền với số chẵn, đoàn đi đón dâu theo thứ tự: Quan lang (tàu pu) đi trước dọn đường, bà cô, chú rể, phù rể, nam thanh niên gánh lễ, ông mối. Tại nhà gái lúc này sẽ làm thủ tục chăng dây ở cổng chính (dây vải đỏ), đặt 1 ghế đẩu ở dưới, cái dây, đặt trên ghế là cái sàng có 2 chén rượu để đón khách. Khi nhà trai tới nhà gái gặp cái dây chăng thì dừng lại, nhà gái cử người ra đón khách, lúc này sẽ là lúc hai bên phải hát đối, nếu đối được nhà trai mới được vào.
Nhà trai hát rằng: Hái vổi mật cây ời/Vổi mật sênh lồng làn điệu tău/Nủi ngoải ông cầu phạn liu ời/ Cục kha sênh lồng làn lân tău. Nghĩa là:Vì sao làm gì đây/Vì sao tơ hồng chặn đầu đường đây/Nội ngoại ông cậu thách rồi/Làm gì tơ hồng còn chặn đầu đường đây.
Nhà gái đối rằng: Hái hò hờn ma ời/Hò hờn lanh thạp tểnh lình/Hò hờn sẩn tẩn phồng lấc táy/Mò sẩn làn tắn ngâu kệnh thin. Nghĩa là: Rủ người đến đây/Rủ người nhận hàng đến rồi/Rủ người dừng bước đặt gánh đây/Chặn đường bốn phương kính trời.
Nhà trai hát rằng: Hái săn hó ời/Săn hó tău pu dằn mâu ma ời/Tău pu ma lân cục kha ời/Kệnh sà kệnh lău lău mău ời. Nghĩa là: Vất vả lắm rồi đây/Vất vả ông đầu đoàn dẫn lễ tới đây/Đầu đoàn đến đây làm gì/Kính chè kính rượu cho say.
Nhà gái đối rằng: Sày nầng sầy kên lău ời/Mời nầng tău pu kên sung ới/Kên sung hắm đăy pằn sung tọi/Kên tan pếc sén tàng vồi hàn. Nghĩa là: Cùng ngồi cùng uống cho vui/Mời ngồi ông đầu đoàn uống đôi/Uống đôi mấy được thành hôn/Uống lẻ như là bằng không…Cuộc đối đáp cứ diễn ra như thế đến khi kết thúc, nhà gái đồng ý sẽ tháo dây và cất đồ lễ đi để mời nhà trai vào nhà. Nếu nhà gái không cắt dây đi, nhà trai sẽ hát thêm bài nữa và xin thu dây vào, nhà gái phải gặp quan lang và xin lại dây. Nhà gái cử ông chú và ông cậu ra đón nhà trai và mời vào nhà uống rượu, trong lúc đó ông quan lang đi thẳng vào trong chạn lấy cái bát để đặt cau lên bàn thờ, báo với tổ tiên nhà gái.
Nhà gái sắp mâm lên để mời nhà trai ăn uống. Sau đó ông mối sẽ làm thủ tục để xin dâu, sau đó đoàn xuất phát về với 8 người, khi về tới nhà trai ông quan lang sẽ làm thủ tục báo với chủ nhà là đã đưa được cô dâu về để chăm sóc cha mẹ và phụng sự tổ tiên… Cô dâu, chú rể làm thủ tục và thắp hương tổ tiên, đồng thời, ông mối cũng làm lễ kết tơ cho đôi bạn trẻ. Sau khi cưới xong, chú rể, phù rể sẽ mang lễ vật sang tạ ông mối.
Phong tục truyền thống trong đám cưới người Cao Lan là nét đẹp văn hoá dân tộc cần được bảo tồn, phát huy bản sắc. Những năm qua, ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ nhằm bảo tồn, phát huy các nét văn hoá trên như tổ chức các lớp truyền dạy hát dân ca Cao Lan, phục dựng các đám cưới theo lối cổ, quay phim, chụp ảnh tư liệu đám cưới truyền thống dân tộc… Cùng đó tuyên truyền vận đồng bào hướng tới thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, loại bỏ dần những hủ tục tốn kém, lãng phí.
Anh Khoa