Đám cưới tự tay decor theo phong cách miền Tây thập niên 1960
Decor như thế nào cho đám cưới, chọn phong cách tổ chức hôn lễ ra sao luôn là vấn đề khiến nhiều cô dâu chú rể đau đầu. Bây giờ, có rất nhiều những wedding planner hay bên tổ chức sự kiện sẽ lên toàn bộ kế hoạch cho bạn khi tổ chức hôn lễ.
Tuy vậy, vẫn có nhiều cô dâu chú rể muốn tự tay chuẩn bị và sắp xếp cho hôn lễ của mình. Hãy cùng đến với đám cưới của một cặp đôi miền Tây và xuýt xoa với phong cách decor đậm chất xưa do chính tay cô dâu chú rể thực hiện, gây nhiều chú ý.
Đám cưới tự decor được hàng xóm giúp sức
Được biết, cô dâu trong đám cưới là Võ Thị Yến Vân, là một chuyên gia trang điểm. Chú rể là nhiếp ảnh gia Vương Đình Khang. Hiện tại cặp đôi sinh sống và làm việc tại Long Xuyên (An Giang).
Hình ảnh hôn lễ được cặp đôi chia sẻ chính là đám bên phía nhà gái tổ chức ở Cái Tàu Hạ, Đồng Tháp.
Vì quá yêu thích nên ngay từ đầu, cô dâu đã chọn phong cách đám cưới miền Tây xưa những năm thập niên 1960 để trang trí nhà mình. Cô dâu chú rể đã tham khảo theo ảnh cưới của ông bà từ trang phục đến những chi tiết decor.
Phần cổng rạp tận dụng đồ trang trí từ vườn nhà.
Được biết, hôn lễ này có thời gian chuẩn bị khá ngắn. Từ lúc ba mẹ hai bên gặp mặt cho đến ngày tổ chức chỉ vỏn vẹn 2 tuần. Bởi vậy, các kế hoạch sau đó cũng tiến hành rất cấp tốc.
Đình Khang chia sẻ: “Các chi tiết trang trí theo phong cách xưa đa phần đều khó tìm và phải làm tay thủ công nên hai đứa lo lắm. Nhưng may mắn là ở Cái Tàu Hạ, bà con vẫn còn cái nếp của đám miền Tây ngày ấy. Nghe có đám là bà con hàng xóm tụ lại giúp rất nhiều. Từ già tới trẻ ai cũng phụ một tay, người đi chặt chuối chặt dừa trang trí, người nấu bếp làm bánh, người câu điện, người chuẩn bị âm thanh.
Có mấy ông chú bà cô dù chẳng phải họ hàng nhưng nghe có đám trang trí lá dừa là tự động chặt trụi lủi tàu dừa ở vườn họ rồi mang qua tặng. Mọi người làm xuyên đêm tới sáng, sau 2 ngày thì hoàn tất phần decor. Cô dâu đứng ra ‘chỉ đạo nghệ thuật’ nên ráp vào khớp hết luôn”.
Cảnh sắc đám cưới miền Tây xưa được tái hiện.
Ở hôn lễ này, những vật dụng trang trí đều tận dụng từ vườn nhà. Từ chuối, tre, cây đủng đỉnh, lá dừa cho đến mấy cái thúng, dây thừng… Tất cả đều toát lên vẻ mộc mạc, xưa cũ. Đến dây trang trí, gia đình cô dâu cũng quyết tự làm bằng dây bèo lục bình rất kỳ công.
Ngoài ra, cũng có những vật dụng trang trí khác như điện thoại bàn, khạp da bò, tivi cổ, tủ thuốc, máy may… đều được mượn từ bạn bè, hàng xóm, mỗi người vài món.
Backdrop chụp hình giấy hoa kiểu xưa gia đình cũng phải tìm kiếm rất lâu mới có thể tìm ra mẫu cổ, bây giờ rất ít bán.
“Bộ bàn ghế mượn của bà ngoại, khăn trải bàn nilon (ở quê gọi là khăn áo mưa) thì cũng đi khắp mấy chợ mới có. Riêng mấy loại bánh ngày xưa còn khó tìm hơn như bánh sâm banh, bánh con sùng. Ngoài ra, lư hương, bình cắm hoa huệ thì may mắn nhà có sẵn. Với rạp cưới này, nóc rạp còn lợp 100% bằng tàu dừa, bà con hàng xóm đã xúm vào làm giúp để cho xong cái phần vất vả nhất”, Đình Khang chia sẻ thêm.
Để phù hợp với tiệc cưới, hoa cưới cô dâu chọn cũng rất truyền thống. Bó hoa lay ơn đỏ có giấy bọc rực rỡ được cô dâu lựa chọn làm hoa cầm tay. Các hoa trang trí trong nhà cũng là hoa lay ơn đỏ khơi gợi những cảm xúc xưa cũ.
Xong phần dựng rạp, cô dâu chú rể còn tất bật với chuyện tìm thuê trang phục. Vì phong cách đám cưới là kiểu xưa nên họ cũng muốn kiếm áo dài mang hơi hướng cổ phục để sử dụng cho hôn lễ.
“Bọn mình đã tìm đến nhiều địa chỉ nhưng không có trang phục cổ xưa phù hợp. Cuối cùng, bọn mình đến nơi cho thuê trang phục múa ở đoàn văn công và tìm được áo dài the, đồ bà ba lụa, khăn rằn, guốc gỗ đủ hết mọi thứ. Đúng 1 ngày trước hôn lễ bọn mình mới thuê được đồ để sử dụng”, Khang cho biết thêm.
Sự khơi gợi cảm xúc xưa cũ từ một hôn lễ
Đúng hôm tổ chức, bất cứ ai nhìn thấy rạp cưới và trang phục dâu rể cũng xuýt xoa khen ngợi. Người trẻ thì nói rằng quá lạ mắt, trước giờ mới chỉ nhìn thấy trong phim. Người lớn lại xúc động, nhiều người có tuổi nói rằng đây giống như gợi nhớ lại hôn lễ của họ cách đây mấy chục năm.
Khi chú rể mặc áo dài the đen bước ra ngoài, bà ngoại anh đã vô cùng xúc động và ôm chầm lấy, nói rằng rất giống hình ảnh ông ngoại đi hỏi cưới bà cách đó mấy chục năm.
Mang đến được cảm xúc đó cho tất cả mọi người, cả cô dâu chú rể đều cảm thấy rất vui bởi họ đã làm ra được cái chất xưa cũ đúng như concept và ý tưởng từ ban đầu.
Cô dâu chú rể và cả đội bê lễ đều mặc trang phục xưa.
Đình Khang chia sẻ: “Đám đãi trong chợ An Khánh, Cái Tàu Hạ (Đồng Tháp), kế bên bờ kênh, xung quanh còn đậm chất miền Tây lắm. Bà con đi ngang ai cũng dừng lại nhìn rồi chỉ trỏ. Đám xong rồi mà người ta cứ nhắc lại cái đám cưới lạ lùng hoài làm gia đình cũng mắc cỡ lắm luôn”.
Sau khi hôn lễ kết thúc, ngoài việc đã tái hiện được cảnh một đám cưới xưa cũ, anh Khang cùng vợ còn cảm thấy hạnh phúc với tấm lòng của bà con, bạn bè, hàng xóm. Tất cả mọi người cùng chung tay giúp đỡ, coi đám người ta như đám nhà mình.
“Nếu không có mọi người tích cực như vậy thì gia đình mình đúng là lo không xuể“, Đình Khang hồ hởi nói thêm.
Như vậy là với công sức của cô dâu chú rể cũng như nhiều bà con, bạn bè, một đám cưới mang hơi hướng thập niên 1960 đậm phong cách miền Tây được tổ chức.
Nếu ai muốn có hôn lễ như vậy thì chắc chắn đây là một ví dụ rất đáng giá để tham khảo và học hỏi theo!
Đám cưới mang phong cách miền Tây xưa
Địa điểm: Cái Tàu Hạ, Đồng Tháp.
Thời gian chuẩn bị: 14 ngày.
Chi phí trang trí: 30 triệu.
Yếu tố quyết định thành công: Phải am hiểu về phong cách hoài cổ mà mình muốn thực hiện, có thể xin sự tư vấn từ những người có kinh nghiệm hoặc sống trong thời đại đó. Phải sử dụng nhiều hình ảnh, màu sắc, hoa văn… phù hợp thời đại ấy để làm nổi bật concept đã chọn.
Chú rể được khen “giỏi chịu đựng” khi cô dâu dành hẳn một bàn riêng mời loạt bạn trai cũ đến dự đám cưới
Bà giáo 25 năm mở lớp xóa mù chữ miễn phí giữa lòng Thủ đô