Dâng hoa kính Đức Mẹ: Từ trò trẻ con đến tình yêu trưởng thành
TGPSG — Mẹ ơi, trước nhan Mẹ, con dâng về Mẹ: một tràng hoa Mân Côi và ngàn lời ca chan chứa tình yêu…
Ký ức tuổi thơ
Tôi còn nhớ như in những ngày tháng Năm của tuổi thơ. Tôi là một trong những cậu bé trong đội dâng hoa Đồng Nam kính Đức Mẹ ở giáo xứ của tôi.
Tôi rất thích những buổi cùng các bạn đi vòng quanh làng để xin hoa về rồi cắm hoa lên những chiếc nón lá, rổ tre rồi trang trí bàn thờ trong những buổi Dâng hoa của đội chúng tôi.
Tôi cũng nhớ cả buổi tập Dâng hoa tuy mệt và lâu lâu còn bị các anh các chú hướng dẫn gõ đầu, ‘tét đít’ vì nghịch ngợm, không tập trung tập, nhưng cũng đầy vui vẻ. Tôi cũng rất thích hát những bài ca tôn kính Mẹ, cầu nguyện với Mẹ và nghe những câu chuyện về Mẹ.
Tôi yêu Đức Mẹ như một người mẹ thứ hai của tôi. Tôi tin rằng Mẹ luôn quan tâm và chăm sóc cho tôi. Tôi cũng tin rằng Mẹ luôn giúp đỡ và bảo vệ tôi khỏi những điều xấu xa và nguy hiểm. Tôi luôn cảm thấy an toàn và hạnh phúc khi ở bên Mẹ. Hồi đó đường làng chưa có các bóng điện đường, trời ban đêm tối đen như mực, nhất là vào mùa đông. Chúng tôi mỗi lần đi chơi về khuya hay gào to câu: “ Ma mả mà ma, tao có Đức Bà, tao không sợ ma”…
Tôi không biết từ đâu mà tôi có được tình yêu hồn nhiên với Đức Mẹ như thế. Có lẽ là do gia đình tôi, nhất là mẹ tôi, đã dạy tôi biết yêu mến và kính trọng Mẹ Maria từ nhỏ. Bài học đầu đời của chúng tôi không phải là những từ “mama, papa” như trẻ con tập nói bây giờ, mà là từ “ạ” và động tác cúi đầu trước ảnh hay tượng của Đức Mẹ trên bàn thờ.
Thay đổi theo dòng thời gian
Nhưng rồi tôi cũng lớn lên, và cuộc sống cũng thay đổi. Tôi không còn tham gia vào đội dâng hoa nữa và cũng dần quên lãng người mẹ thứ hai của mình. Tôi không còn có nhiều niềm vui và hứng thú để hát những bài ca tôn kính Mẹ, cầu nguyện với Mẹ và nghe những câu chuyện về Mẹ.
Tôi đi xem Dâng hoa nhưng thấy đó như là trò của mấy đứa trẻ con, như các buổi biểu diễn văn nghệ ở các trường học cho vui mắt thế thôi. Tôi cũng không hiểu vì sao lại có những người lớn cũng dâng hoa nữa, nhất là mấy anh gia trưởng. Chỉ tưởng tượng cảnh mình là họ, đứng trước cả nhà thờ đông đúc múa múa, xoay xoay, đứng lên, quỳ xuống mà ngượng chín cả mặt.
Sự quay về của tình yêu
Mùa Hoa năm nay, tôi có dịp xem buổi dâng hoa tại giáo xứ của tuổi thơ qua Facebook của người thân đang ở quê. Tôi đã nhìn thấy những khuôn mặt tươi cười, những ánh mắt sáng ngời, những bàn tay xinh xắn cầm những đóa hoa tươi thắm của các bé trai, bé gái, các anh chị, cô chú…
Tôi đã nghe thấy những giọng hát trong trẻo, những lời kinh cầu nhiệt thành, những câu chuyện về Mẹ đầy hấp dẫn qua những lời hát nền để dâng hoa. Tôi đã cảm nhận được một điều gì đó rất quen thuộc và gần gũi. Tôi đã nhận ra rằng đó là tình yêu hồn nhiên với Đức Mẹ mà tôi đã từng có khi còn bé.
Tôi đã nhớ lại những ký ức đẹp đẽ và ý nghĩa của việc dâng hoa kính Mẹ. Tôi đã hiểu được rằng dâng hoa kính Mẹ không phải là một trò trẻ con, một tiết mục văn nghệ mà là một biểu hiện của tình yêu trưởng thành, của lòng biết ơn và tin tưởng vào Mẹ Maria. Đối với Mẹ, dù ta có 10 tuổi hay 60 tuổi thì ta vẫn chỉ là một đứa con thơ của Mẹ.
Tôi đã hiểu, trong những động tác còn nhiều sai sót của những em bé hay những động tác còn khô cứng ngượng nghịu của những cô các chú, có cả một trời bể tình yêu mà họ muốn dâng kính Mẹ. Tất cả đều như đứa một đứa bé muốn bày tỏ tình yêu hồn nhiên và thuần khiết với Mẹ qua những nhành hoa, điệu múa, câu hát…
Tôi sẽ tìm cách được tham gia vào đội dâng hoa của giáo xứ tôi vào năm tới. Tôi sẽ không ngại ngần đứng trước cả nhà thờ mà dâng hoa, mà hát lên những bài hát ca ngợi Đức Mẹ. Dù tôi đã ngoài 40 tuổi, đã không còn trắng trong tinh tuyền như hồi là một cậu bé trong đội Đồng Nam xưa kia nữa, điệu múa của tôi chắc sẽ không được mềm mại đẹp đẽ, lời hát cũng chẳng có thánh thót êm ái, nhưng tôi tin chắc Mẹ sẽ vui lòng đón nhận như món quà từ tấm lòng thành của đứa con thơ dại dâng lên Mẹ.
Giờ đây đối với tôi, dâng hoa kính Đức Mẹ là một truyền thống rất đẹp và ý nghĩa của Giáo hội Công giáo chúng ta. Nó không chỉ là một nghi lễ bên ngoài, mà là một biểu hiện của tình yêu trong lòng. Nó không chỉ là một trò trẻ con, mà là một biểu hiện của một tình yêu trưởng thành đối với Mẹ.
Giuse Vũ Duy Tiếp (TGPSG)