Đi đám cưới nên mừng 200.000 hay 500.000 đồng?
–
Thứ tư, 26/10/2022 12:00 (GMT+7)
Chuyện đi đám cưới mừng bao nhiêu cho vừa là vấn đề khá “đau đầu” với nhiều bạn trẻ.
Mừng ít thì sợ xấu hổ, mừng nhiều thì tiền không có, mừng bằng bạn bè khác thì người nhiều kẻ ít biết theo ai?
Thời gian gần đây, mạng xã hội đang xôn xao câu chuyện một chủ tài khoản bóc phốt người đi ăn cưới vì chỉ mừng cưới 200.000 đồng.
Cụ thể, chủ tài khoản này cho biết, khi kiểm tra thiệp mừng cưới thấy thiếp của bác sĩ Đ có 200.000 đồng, ông đã cảm thấy bị sốc và đã đăng tải lên mạng xã hội. Mặc dù sau khi đăng tải được 10 phút, chủ tài khoản này đã xóa bài nhưng bài đăng này đã được lan truyền trên các trang khác.
Về phía bác sĩ Đ, khi được hỏi về vụ việc này, anh đã nói chuyện qua rồi nên không muốn nhắc lại cho lùm xùm.
Sau đó, chủ tài khoản của bài viết kia đã đăng tải một bài viết khác với nội dung: “Chắc do mấy đứa em kiểm thiệp nhầm, mình hơi hấp tấp quá. Cho mình xin lỗi vợ chồng bác sĩ Đ. nhé. Để la rầy mấy đứa nhỏ lại, kiểm tra thiệp, phải rõ ràng…”.
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề tiền mừng cưới lại nhận được sự quan tâm và tranh luận từ phía cộng đồng mạng. Trước đó, trên mạng xã hội cũng có nhiều câu chuyện bạn bè “cạnh mặt” nhau vì mình mừng cưới bạn nhiều nhưng khi đến đám cưới của mình thì bạn lại mừng quá ít.
Mừng cưới là câu chuyện không của riêng ai. Ảnh minh hoạ
Chia sẻ với phóng viên báo Lao Động, bạn Thu Phương (23 tuổi, Thái Bình) cho biết: “Đối với cá nhân mình, chuyện tiền mừng cưới còn tùy vào mức độ thân thiết của mình giữa cô dâu, chú rể và mình có đến trực tiếp đám cưới của họ hay không.
Như mình, đôi khi đi đám cưới bạn bè, mình thường mừng khoảng 500.000 – 1.000.000 đồng, đối với trường hợp không đi được thì mình gửi phong bì khoảng 300.000 đồng. Còn những mối quan hệ không thân thiết, mình sẽ mừng tầm 200.000 đồng”.
Còn Mai Linh (27 tuổi, Bắc Ninh) bày tỏ ý kiến về việc mừng cưới: “Tôi cảm thấy đám cưới đang bị thương mại hóa. Có nhà do mối quan hệ rộng nên mời nhiều đã đành, có nhà là cố tình mời xa mời rộng để lấy tiền mừng đám cưới. Mà nghe nói tổ chức đám cưới ở nhà hàng, ai dám đi 2 – 3 trăm ngàn? Chỉ khổ cho những người thu nhập thấp mà mỗi tháng đi cả chục đám như tôi đây”.
Thu Trang (25 tuổi, Yên Bái) bộc bạch: “Nếu mối quan hệ không mấy thân thiết thì nhà tôi sẽ mừng đám cưới bằng hoặc hơn chút so với khi người ta mừng hôn lễ của mình. Còn thân thì đương nhiên không cần tính toán gì. Nói chung ít nhất là mừng bằng chứ không kém số tiền mà họ đã mừng đám cưới mình”.
Nếu ngày xưa đi đám cưới người ta còn mua quà tặng cô dâu chú rể như một cách kỉ niệm, hay giúp đỡ cặp vợ chồng son sắm sửa thêm đồ đạc cho gia đình nhỏ thì ngày nay, mọi người chọn việc mừng tiền để thiết thực hơn trong cuộc sống.
Tiền mừng cưới được xem như là cách để khách mời chia sẻ với cô dâu, chú rể chi phí đám cưới, chúc mừng hạnh phúc cho đôi bạn. Dù chẳng ai nói ra nhưng mà câu chuyện mừng cưới thì nhà nhà đều hiểu rằng đó chính là khoản thu về để mọi người trang trải những chi phí trong đám cưới của gia đình mình.