Độc đáo lễ cưới của đồng bào dân tộc Mường

Chiếm 8,4% dân số toàn tỉnh, đồng bào dân tộc Mường có nhiều nét bản sắc riêng cùng phong tục tập quán và tín ngưỡng truyền thống, trong đó, tục cưới xin là một nét văn hóa đặc sắc. Nếu như trước đây, lễ cưới thường phải trải qua nhiều thủ tục lễ nghi và nhiều trường hợp “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, thì nay, việc cưới hỏi của đồng bào dân tộc Mường đã gọn, nhẹ; trai gái được tự do yêu đương, tìm hiểu.

Lễ vật được chuẩn bị để mang sang nhà gái

Để thực hiện lễ cưới hỏi, nhà trai tìm một ông mối, người này thường có họ gần và nhất thiết phải là người có gia đình hạnh phúc, biết ăn nói, giỏi thuyết phục và có uy tín trong vùng. Ông mối sẽ thay mặt gia đình sang nhà gái dạm ngõ. Từ đây, tất cả thỏa thuận giữa nhà gái và nhà trai đều thông qua ông mối.

Ông mối dẫn đầu đoàn nhà trai, chú rể là người gánh trầu cau sang nhà gái

Được ông mối báo tin và nhà gái đồng ý, nhà trai tìm một ngày tốt, đưa đoàn từ 5- 9 người đội mâm lễ, gồm: Trầu, cau, bánh kẹo, hoa quả, trà, 1 đôi gà… sang nhà gái ăn hỏi. Theo ông Triệu Tiến Phương, Chi hội trưởng chi hội Văn học – Nghệ thuật huyện Phù Yên, cho biết: Tùy điều kiện của từng gia đình, song thường thì theo tục lệ, những thứ được “thách cưới” gồm: có lợn, gạo, rượu, trầu cau, chăn màn… Qua lễ vật, thể hiện sự trân trọng của nhà trai đối với công lao sinh thành và nuôi dưỡng người con dâu của nhà gái, đồng thời, cũng để đáp ơn nhà gái đã trao con cho họ.

Nhà gái kiểm tra lễ vật.

Thống nhất việc ấn định ngày cưới, hai họ tiến hành chuẩn bị đám cưới. Trong ngày cưới, ông mối dẫn đầu đoàn nhà trai khoảng hai, ba chục người gồm anh, em họ hàng nội, ngoại, bạn bè mang lễ vật sang nhà gái để đón dâu. Đặc biệt, chú rể phải là người gánh trầu cau đến nhà cô dâu. Khi lễ vật sang đến nhà gái, đại diện nhà gái kiểm tra số lượng lễ vật. Dân gian Mường có câu “Chẩu buông klu, du lại mặt” nghĩa là “Làm rể vào buổi trưa, làm dâu vào buổi tối”. Do đó, dù gần, dù xa, hai họ tính toán thời gian khởi hành sao cho khi đón dâu về đến nhà vào lúc chạng vạng tối là tốt nhất.

Đặt mâm lễ vật lên ban thờ ông bà, tổ tiên

Nhà gái chuẩn bị của hồi môn cho con mang về nhà chồng.

Đoàn đưa dâu ngoài ông mối còn có các thành viên họ hàng bên nội, ngoại của cô dâu. Riêng bố mẹ cô dâu không đưa con gái sang nhà chồng. Cô dâu bao giờ cũng cầm theo một con dao nhỏ. Con dao này được đồng bào dân tộc Mường quan niệm như bùa hộ mệnh để khi đi đường luôn gặp may mắn. Ngoài ra, cô dâu còn mang theo của hồi môn, từ 6 đến 8 hoặc 10 bộ chăn, đệm, gối… về biếu bố mẹ chồng, ông bà và họ hàng bên nhà chồng.

Cô dâu, chú rể chào gia tiên, họ hàng trước khi về nhà chồng

Đễ tiễn đoàn nhà gái trở về, nhà trai có quà tặng ông mối và các thành viên tham gia đưa, đón dâu. Nếu nhà gái cách xa nhà trai thì những người đưa dâu thường ngủ qua đêm ở nhà trai và ra về vào sáng hôm sau. Lúc này, nhà trai làm một mâm cơm để tiễn họ hàng nhà gái và chuẩn bị thức ăn đi đường cho họ.

Thực hiện nếp sống văn hóa mới, nghi thức cưới theo phong tục cổ truyền của đồng bào dân tộc Mường được rút gọn chỉ còn từ 2 đến 3 bước, gồm: Dạm ngõ, ăn hỏi, cưới. Ở nhiều thôn, bản, người dân thực hiện nếp sống văn minh, như không thách quá nhiều tiền cưới, lễ vật, không hút thuốc lá trong đám cưới, giúp các gia đình tiết kiệm được những khoản chi phí không cần thiết. 

Lò Thái