Giáo hội loại bỏ “đạo lý về sự khám phá” và bênh vực quyền của người bản địa – Vatican News
ĐTC gặp người bản địa ở Canada
(2022 Getty Images)
Giáo hội loại bỏ “đạo lý về sự khám phá” và bênh vực quyền của người bản địa
Ngày 30/3/2023, Bộ Văn hoá và Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện đã đưa ra một tuyên bố chung với nội dung chính thức bác bỏ “đạo lý về sự khám phá”, vốn đã được sử dụng trong quá khứ để biện minh cho chủ nghĩa thực dân châu Âu ở châu Mỹ và trên toàn thế giới. Tuyên bố chung khẳng định đạo lý này cũng như các sắc lệnh của các Giáo hoàng đã trao “các quyền” như thế cho các vị vua thực dân chưa bao giờ là một phần của giáo lý của Giáo hội.
Vatican News
“Đạo lý về sự khám phá” là một lý thuyết triết học, chính trị và pháp lý cho rằng những người thực dân châu Âu có quyền chiếm đoạt đất đai và tài sản của người bản địa bằng cách mua lại hoặc chinh phục.
Tài liệu của hai Bộ nhắc lại: “Trong tiến trình lịch sử, các Giáo hoàng đã lên án các hành động bạo lực, áp bức, bất công xã hội và chế độ nô lệ, kể cả những hành vi chống lại người bản địa.” Tài liệu cũng ghi nhận rất nhiều tấm gương của các giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ phẩm giá của các dân tộc đó. Đồng thời, tài liệu thừa nhận rằng “nhiều Kitô hữu đã thực hiện những hành vi xấu xa chống lại người dân bản địa mà các vị Giáo hoàng gần đây đã nhiều lần cầu xin sự tha thứ.”
Theo một số học giả, “đạo lý về sự khám phá” này có cơ sở trong một số tài liệu của giáo hoàng, cụ thể là hai sắc lệnh của Đức Nicholas V, Dum diversas (1452) và Romanus Pontifex (1455); và sắc lệnh Inter caetera của Đức Alexander VI (1493). Theo đó, hai vị Giáo hoàng này đã ủy quyền cho các quốc vương Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chiếm đoạt tài sản ở những vùng đất thuộc địa bằng cách khuất phục các dân bản địa.
Theo Tuyên bố chung, nghiên cứu lịch sử cho biết thêm rằng “nội dung của các tài liệu này đã bị thao túng cho các mục đích chính trị bởi các cường quốc thực dân cạnh tranh nhằm biện minh cho các hành vi vô đạo đức chống lại người bản địa đôi khi được thực hiện mà không có sự phản đối của chính quyền giáo hội.” Do đó, hai Bộ của Vatican khẳng định, “Cần nhận ra những sai lầm này, thừa nhận những tác động khủng khiếp của các chính sách đồng hóa và nỗi đau mà người dân bản địa đã trải qua, và xin được tha thứ.”
Sau đó, Tuyên bố trích dẫn những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Cộng đồng Kitô giáo không bao giờ lại có thể cho phép mình bị lây nhiễm bởi ý tưởng rằng một nền văn hóa này ưu việt hơn những nền văn hóa khác, hoặc việc sử dụng những cách ép buộc người khác là hợp pháp.” Tuyên bố nói tiếp rằng, “Huấn quyền của Giáo hội ủng hộ sự tôn trọng dành cho mọi con người” và kết luận, “Do đó, Giáo hội Công giáo bác bỏ những quan niệm không thừa nhận các quyền con người vốn có của người bản địa, bao gồm cả những gì đã được gọi là ‘đạo lý về sự khám phá’ về pháp lý và chính trị.”
Tuyên bố nhắc lại rất nhiều những tuyên bố, được lặp đi lặp lại của Giáo hội và các Giáo hoàng ủng hộ quyền của người bản địa, bắt đầu với sắc lệnh Sublimis Deus năm 1537 của Đức Phaolô III, long trọng tuyên bố rằng người bản địa “không có nghĩa là bị tước đoạt quyền tự do của họ hoặc quyền sở hữu tài sản của họ, mặc dù họ không theo đạo Kitô giáo; và rằng họ có thể và nên, một cách tự do và hợp pháp, tận hưởng quyền tự do và sở hữu tài sản của họ; họ cũng không nên bị bắt làm nô lệ theo bất kỳ cách nào; nếu điều ngược lại xảy ra, nó sẽ vô hiệu và không có hiệu lực.”
Kết thúc Tuyên bố chung, Bộ Văn hoá và Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện lưu ý rằng, gần đây, “sự liên đới của Giáo hội với các dân tộc bản địa đã dẫn đến sự ủng hộ mạnh mẽ của Tòa Thánh đối với các nguyên tắc có trong Tuyên bố của Liên Hiệp quốc về Quyền của các dân tộc bản địa”. “Việc thực hiện những nguyên tắc đó sẽ cải thiện điều kiện sống và giúp bảo vệ quyền của người dân bản địa cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của họ theo cách tôn trọng bản sắc, ngôn ngữ và văn hóa của họ.” (CSR_1304_2023)
31 tháng ba 2023, 14:03