Giao lưu tư vấn Vì tương lai: Tình yêu tuổi học trò

Thời gian qua, chúng ta bắt gặp khá nhiều những hình ảnh tình cảm của những cô, những cậu học trò vẫn còn ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa đến trên mạng xã hội. Và có vô vàn câu hỏi đặt ra đối với gia đình và nhà trường như: Có nên hay không việc ngăn cấm tình yêu tuổi học trò?; Làm thế nào để những bậc cha mẹ có thể chèo lái được con thuyền cảm xúc của các em?; Làm thế nào để teen nhận thức đúng đắn về vấn đề này, để từ đó suy nghĩ và hành động phù hợp với độ tuổi của mình?;…

Mọi thắc mắc sẽ được các chuyên gia, thầy cô có mặt trong chương trình Giao lưu Tư vấn Trực tiếp Vì tương lai với chủ đề: Tình yêu tuổi học trò tư vấn, giải đáp. Chương trình do Báo Đất Việt phối hợp với Tiin.vn và Viettelstudy.vn thực hiện.

Chương trình có sự tham gia của các vị khác mời đặc biệt: Bác sĩ Hoàng Thúy Hải (Sở Y tế Hà Nội, Chuyên gia tư vấn sức khỏe chương trình Cửa sổ tình yêu); cô giáo Lưu Thu Liên, giáo viên môn Địa trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương, bạn Hồ Ngọc Kim Ngân, Học sinh Trường THPT Việt Đức, Hà Nội.

Video: Giao lưu tư vấn Vì tương lai: Tình yêu tuổi học trò.

Theo dõi chi tiết nội dung chương trình:

MC: Thưa các vị khách mời, có thể nói tình yêu ở lứa tuổi học trò là chủ đề không mới những cũng chưa bao giờ là cũ? Trước khi cùng bàn luận về chủ đề này, tôi rất muốn hỏi bạn Hồ Ngọc Kim Ngân, Ngân đã bao giờ rung động trước một bạn nào đó hay chưa? Và em nghĩ thế nào về tình yêu tuổi học trò?

Kim Ngân: Em đã từng rung động, từng thích một bạn vào năm ngoái. Nhưng mà bố mẹ phản đối nên là em khá căng thẳng với bố mẹ. 

MC: Cô Liên, cô nghĩ sao về vấn đề này ạ?

Cô Lưu Thu Liên: Tôi thấy ngày xưa tụi tôi khái niệm yêu nó ít lắm, chỉ là những tình cảm đơn giản thôi. Còn bây giờ tôi thấy các bạn trẻ xem vấn đề này rất bình thường, và tôi thấy các bạn thường dùng từ yêu cho những tình cảm có thể chỉ mới là thích.

Chuyên gia Hoàng Thúy Hải: Tôi nghĩ những rung động trong tình cảm, tâm lý của các em là điều bình thường. Ở tuổi này chính là tuổi dậy thì, ở tuổi này thích tò mò, ham hiểu biết, muốn thể hiện với các bạn khác giới. Nhiều bạn, về mặt thể chất rất lớn, nhưng những kiến thức, những hiểu biết chưa nhiều.

Tư vấn trực tiếp Vì tương lai Tình yêu tuổi học trò

Các khách mời tham gia trong chương trình

MC: Theo chuyên gia Hoàng Thúy Hải, yêu sớm có ảnh hưởng không tốt như thế nào với sự phát triển tâm lý của các em học sinh?

Chuyên gia Hoàng Thúy Hải: Khi các bạn lớn, có sự thay đổi nhiều về thể chất. Hiện nay, có vô vàn những yếu tố tác động đến các em như phim ảnh, sự lơ là của bố mẹ, sự né tránh của cô giáo… khiến nhiều em có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Điều này gây ảnh hưởng cả về tinh thần lẫn thể chất cho các em.

MC: Các phụ huynh khi biết được con em mình rung động ở tuổi học trò họ cảm nhận thế nào?

Chuyên gia Hoàng Thúy Hải: Trong mắt cha mẹ, con luôn luôn còn bé và cha mẹ bảo vệ con hết mực. Nhất là bây giờ quan hệ tình dục gây những ảnh hưởng nghiêm trọng khiến cha mẹ càng phản ứng mạnh hơn. Vừa rồi tôi có tham gia 1 chương trình thì có một nhóm bố mẹ mời bác sĩ tâm lý đến tư vấn cho các con. Nhưng trong câu chuyện, bố mẹ rất bận không có thời gian quan tâm đến con, một số nhà bố mẹ quản rất chặt, có nhà bố mẹ thoải mái nhưng luôn chặn bằng các hình thức cấm đoán.

Tôi có một chị bạn. Chị ấy phát hiện trong cặp con trai có bao cao su. Chị ấy mắng xối xả con. Nhưng con chị ấy lại nói là mẹ có biết mẹ đã vi phạm nhân quyền và quyền trẻ em không. Nhưng tôi cho rằng nếu thấy bao cao su trong cặp con thì cũng là khía cạnh tốt khi con có kiến thức quan hệ tình dục an toàn.

Có những gia đình bố mẹ rất tâm lý, trở thành người bạn của con, như vậy con sẽ chia sẻ với mình những tâm tư tình cảm. Ngay cả với thầy cô giáo, tôi cũng thấy không nên áp đặt rằng con phải thế này, con phải thế kia, như vậy nó sẽ có tác dụng ngược.

Giao lưu tư vấn Vì tương lai Tình yêu tuổi học trò

Chuyên gia tư vấn sức khỏe Hoàng Thúy Hải

Cô Lưu Thu Liên: Tôi nghĩ là càng cấm các em càng thích làm, muốn thể hiện hơn. Nhiều ông bố, bà mẹ còn đọc trộm tin nhắn của con và phản ứng gay gắt. Tôi nghĩ nếu bố mẹ biết thông tin gì đó không tốt hãy bình tĩnh và nghĩ cách nói chuyện với con gần gũi nhất.

MC: Thế còn Ngân, em có chia sẻ gì không, em mong muốn bố mẹ phản ứng thế nào?

Em Ngân: Bố mẹ em rất bận. Khi mà bố mẹ biết, bố mẹ nói chuyện rất gần gũi, mặc dù cũng có ý là không đồng tình, nhưng mà em rất vui. Và sau cuộc nói chuyện đó em biết suy nghĩ hơn, mọi hành động đều nghĩ đến những điều tốt.

Nếu mà em bị bố mẹ đọc trộm nhật ký thì em rất buồn và em nghĩ rằng bố mẹ không tin tưởng em. Nhưng em nghĩ mình cần xem xét hành động của mình để lấy lại sự tin tưởng của bố mẹ.

MC: Vậy chúng ta nên có những biện pháp nào để hướng các em đi đúng đắn và trang bị kiến thức cho các em không ạ?

Cô Lưu Thu Liên: Theo tôi, nhà trường đã và đang áp dụng biện pháp này rồi. Ví dụ trường tôi có những biện pháp như: nói chuyện đầu giờ, nói chuyện riêng, hoặc đưa vào những môn học,… Nhìn chung là đều cố gắng đưa những định hướng cho các em trong học tập và cả tình yêu.

MC: Bác sĩ nghĩ sao khi mà phụ huynh vẫn đang né tránh không nói chuyện không cung cấp những kiến thức về tình dục về sức khỏe sinh sản cho con mình?

Chuyên gia Hoàng Thúy Hải: Đây là câu chuyện dài lắm và nó cũng phải có thời gian cùng với sự phối hợp của rất nhiều bên. Tôi nghĩ các cô chủ nhiệm hay các cô dạy bộ môn sinh học nhiều khi vẫn né tránh và không nói thẳng trực tiếp với các em. Cái nữa là các em rất ngại vì liên quan đến đánh giá hành kiểm, đạo đức nên các con sẽ ngại chia sẻ.

Tôi nghĩ khi con 3 tuổi các bậc phụ huynh đã phải dạy các con dần về giới tính về những đặc điểm trên cơ thể mình và dần dần theo lộ trình độ tuổi mình sẽ cung cấp thêm thông tin cho các em. Bố mẹ nếu như không sát với con, không định hướng thì sẽ rất khó.

MC: Thời gian vừa qua, có khá nhiều độc giả gửi những băn khoăn, tâm sự của mình về chủ đề này. Ngay sau đây, chúng ta hãy cũng lắng nghe xem, các bạn ấy nghĩ thế nào về tình yêu tuổi học trò. Bạn Lưu Tuấn Anh ở Hà Nội chia sẻ: Em nghĩ chúng ta khó có thể ngăn cấm  được cảm xúc của tuổi học trò. Vì nó là tự nhiên. Vậy làm thế nào để có một tình yêu học trò trong sáng, dễ thương nhưng vẫn hoàn thành chương trình học tập tốt, giúp phụ huynh tin tưởng vào tình yêu của đôi lứa học trò? Câu hỏi này có lẽ xin được mời cô giáo trẻ Lưu Thu Liên ạ? Đây cũng là những băn khoăn của bạn Nguyễn Ngọc Khánh Huy ở Thừa Thiên Huế.

Cô Lưu Thu Liên: Không ai có thể phản đối về chuyện tình cảm của mình cả. Đầu tiên, theo cô, em nên ý thức được tình cảm đó và có cách cư xử phù hợp với bạn gái. Hơn nữa, hãy chia sẻ điều này với bố mẹ, thầy cô, đừng giấu. Bên cạnh đó, đừng quên tập trung vào học tập để bố mẹ, thầy cô yên tâm hơn.

Kim Ngân: Với em, em luôn xác định mục đích của mình. Bố mẹ đi làm để cho em ăn học. Nên em luôn cho rằng việc học là quan trọng nhất. Hơn nữa, việc cân bằng trong học tập và chuyện bạn bè là điều hết sức cần thiết.

MC: Tiếp theo là câu hỏi của bạn Trần Thanh Hà ở Thanh Trì, Hà Nội tâm sự: Cháu là Hà, năm nay là cuối cấp (Lớp 9), trước khi viết câu hỏi này cháu khá băn khoăn. Theo cháu tình yêu tuổi học trò, nói là tình yêu nhưng thực chất chỉ  là rung động … cũng nên có đối với mỗi bạn trẻ, điều quan trọng là làm như thế nào để chi phối điều đó 1 cách hợp lí? Và làm thế nào để nó không đi quá giới hạn. Cô Lưu Thu Liên, không biết cô nghĩ sao về những chia sẻ này của bạn Hà?

Cô Lưu Thu Liên: Bạn ấy đã ý thức được đó là thích, rung động không phải yêu. Em hãy xác định xem đó là mối quan hệ đó như thế nào? Ý thức của các em là rất quan trọng đặc biệt là nhận thức về tình cảm, việc học.

Giao lưu tư vấn Vì tương lai Tình yêu tuổi học trò

Cô giáo Lưu Thu Liên

MC: Câu hỏi của bạn Nguyễn Huyền Trang ở Vĩnh Phúc: Em là sinh viên năm nhất. Lên thành phố học cách nhà khoảng 40km. Trước khi lên thành phố bố mẹ em luôn nhắc nhở về việc đi học lẫn việc yêu đương. Trước đây thì em không có hứng thú với việc đó nhưng khi đi học được gần 1 năm thì em bắt đầu yêu. Em rất muốn nói chuyện với bố nhưng không biết làm như thế nào để thuyết phục bố mẹ. Mong cô tư vấn giúp em. 

Cô Lưu Thu Liên: Đó là tâm lý lo lắng chung của các bạn. Để bố mẹ tin tưởng, các em cần học tập tốt, ý thức được việc mình đang làm. Còn cô bé sinh viên năm nhất, em cần tự tin về mình. Em hãy chia sẻ với bố mẹ vì không ai hiểu con bằng bố mẹ. Nhưng em cũng cần có cách chia sẻ phù hợp.

Chuyên gia Hoàng Thúy Hải: Ở độ tuổi đó, con cái luôn muốn chứng tỏ mình là người lớn. Vừa trải qua một kỳ thi ĐH, các em hay tự thỏa mãn. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ lại trượt dài trên con đường học tập, sống thử trước hôn nhân. Khi ấy, không có sự chăm sóc kịp thời của người thân, các bạn trẻ ăn “trái đắng” thì đó là điều rất lo. 

Với bạn sinh viên này, việc chứng mình bằng học bổng thì chưa chứng tỏ được gì về bản lĩnh, ý thức của mình. Em cần phải xác định mục tiêu của mình nhưng đừng gồng mình lên bỏ qua cảm xúc của mình. Nếu em học tốt, tham gia các lớp kỹ năng, ngoại ngữ, đấy là nhiều việc mà em cần làm chứ không chỉ là mối quan hệ với bạn trai. Đó là sự đảm bảo tốt nhất dành cho bố mẹ.

MC: Một câu hỏi nữa đến từ một bạn học sinh vui tính, làm thế nào khi cô giáo can thiệp vào chuyện tình yêu của em.

Cô Lưu Thu Liên: Nếu em không muốn thầy cô chú ý thì em đừng làm cho mình “tỏa sáng” quá. Đừng đi qua giới hạn, hãy nghiêm chỉnh chấp hành quy định của nhà trường, không ngồi trong lớp mơ mộng,… Điều đó khiến nhiều thầy cô sẽ không còn chú ý nữa.

Chuyên gia Hoàng Thúy Hải: Giữa nhà trường và gia đình có mối quan hệ khăng khít với nhau. Thông tin mà cô giáo nói chuyện với phụ huynh rất quan trọng. Nhiều lúc cách cô giáo truyền tải với phụ huynh cũng cần khéo. Vì nếu không khéo, các em sẽ mất niềm tin về cô. Nhà trường và gia đình cần phối hợp, kết hợp với nhau nhịp nhàng, như vậy mới tạo niềm tin cho các bạn học sinh.

MC: Chúng ta sẽ cùng đến với môn tâm sự của bạn gái giấu tên gửi cho chương trình từ Kinh Môn, Hải Dương: Theo em tình yêu học trò là một mối tình trong trắng và đẹp đẽ nhất. Có những cặp đôi yêu nhau và cùng nhau học tập tiến bộ, cùng nhau phấn đấu sống tốt. Nhưng hiện nay thứ tình yêu như thế này đã đi vào “sách đỏ” rồi.

Tình yêu tuổi học trò hiện nay đã và đang bị vẩn đục. Để chứng minh niềm tin của bạn gái đối với mình, nhiều bạn trai đòi hỏi người yêu mình làm những điều không phù hợp với lứa tuổi học trò và đi quá giới hạn. Đây là hành vi sai trái nhưng hiện tại vẫn không ngừng xảy ra và để lại những hệ lụy đáng tiếc. Bất cập ở chỗ, em thấy chương trình giáo giục giới tính đều có trong chương trình học của bọn em nhưng chưa bao giờ được học một cách kĩ càng và nghiêm túc ạ.

Không biết cô Lưu Thu Liên, cô có suy nghĩ gì khi nghe những lời tâm sự của bạn?

Cô Lưu Thu Liên: Trước đây, vấn đề giáo dục giới tính khiến nhiều em ngại ngùng, xấu hổ. Theo tôi, các thầy cô cũng cần có chương trình định hướng giáo dục phù hợp dành cho các em. Thông qua cô giáo chủ nhiệm, các hoạt động Đoàn, kiến thức giới tính cần khéo léo lồng ghép vào để các em học sinh hiểu hơn.

MC: Nói về vấn đề trang bị kiến thức tôi muốn hỏi Ngân. Không biết Ngân đã được tiếp cận với những kiến thức về giới tính cũng như kỹ năng sống trong trường học hay chưa?

Kim Ngân: Kiến thức qua nhà trường thường còn ít và các thầy cô cũng ngại chia sẻ. Đôi lúc, em tự lên mạng tìm hiểu. Nhưng em nhận ra mình vẫn chưa biết hết được. Và em nghĩ nói chuyện với bố mẹ là cách có được kiến thức giới tính tốt nhất!

Giao lưu tư vấn Vì tương lai Tình yêu tuổi học trò

Kim Ngân

MC: Còn chuyên gia Hoàng Thúy Hải nghĩ sao về vấn đề này ạ?

Chuyên gia Hoàng Thúy Hải: Kỹ năng sống là cách ứng xử của mình với một vấn đề nào đó. Điều này học chẳng bao giờ hết, và cũng chẳng bao giờ thừa. Không phải dạy 2 tiếng đồng hồ là biết được kỹ năng sống, không phải gõ google là ra thông tin đúng. Chính bố mẹ là người trao đổi thông tin cho con tốt nhất. Nhưng bố mẹ cũng cần phải học để hiểu và giáo dục cho con.

MC: Các khách mời có muốn nhắn nhủ điều gì không ạ?

Kim Ngân: Bố mẹ hãy quan tâm và chia sẻ nhiều hơn với chúng con ạ!

Cô Lưu Thu Liên: Ai sinh ra trên đời cũng có lý do. Hãy để lý do đó thật đẹp đẽ trong mắt các thầy cô, gia đình bạn bè. Tình yêu tuổi học trò là những gì trong sáng nhất. Các em hãy trân trọng nó để sau này nhìn lại không bao giờ nuối tiếc.

Còn bố mẹ hãy sát sao với con em mình hơn, đừng ỷ lại vào nhà trường. Sự kết hợp của bố mẹ và nhà trường là cách giáo dục tốt nhất cho các em.

Chuyên gia Hoàng Thúy Hải: Mỗi gia đình đều mong con cái là của để dành, là kết quả của sự chăm lo, giáo dục con tốt. Nuôi con bây giờ là mong muốn con cái trở thành nơi mình đặt niềm tin. Chính vì vậy, cha mẹ hãy trở thành người bạn của con ngay từ khi còn nhỏ.

Còn các em đừng chặn tất cả mọi rung  động của mình. Các em cần sống tự tin có định hướng rõ ràng trong học tập và tình cảm. 

MC: Các em học sinh thân mến, ở tuổi học trò, tình yêu không phải là tất cả. Các em có thể dành thời gian để quan tâm đến bạn bè nhưng cũng đừng quên rằng nhiệm vụ chính của mình là học tập, là xây dựng tương lai. Có rất nhiều học sinh đã đi quá giới hạn và đã đánh mất đi ý nghĩa cao đẹp của tuổi học trò.

Còn các bậc phụ huynh, hãy dành thời gian làm bạn với con trong giai đoạn khủng hoảng, và nói với con về những xúc cảm đầu đời cũng những hậu quả nếu đi quá giới hạn. Khi tình yêu là nhu cầu bản năng khó để cấm đoán thì cách ứng xử của cha mẹ phải hết sức khéo léo, nó giống như chuyện ta không ngăn được dòng chảy của con sông nhưng biết nắn dòng chảy đi theo một hướng khác êm đềm hơn.

Còn các bạn tuổi teen, tình yêu tuổi học trò, nên hay không, câu trả lời tôi dành cho bạn.