Giữa cưới truyền thống và đám cưới cổ truyền bạn, biết gì?

Ở bất kỳ quốc gia nào, lễ cưới là một trong những việc hệ trọng nhất của đời người. Đám cưới ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. Cho dù ở thời đại nào cưới hỏi vẫn là một nét đẹp trong tâm thức của người Việt Nam. Trải qua rất nhiều giai đoạn, đám cưới truyền thống Việt Nam cũng đã được hiện đại hóa do chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa phương Tây. Người trẻ cho rằng đám cưới truyền thống quá phức tạp, nhiêu khê không cần thiết. Thế nhưng nét đẹp văn hóa cưới hỏi truyền thống là một nét đẹp quý giá cần được giữ gìn.

 

Quan niệm cưới.

Truyền thống

Trong tâm thức người Việt thì đám cưới có giá trị cao hơn cả giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Lễ cưới hỏi là giây phút trọng đại của cả quy trình tiến tới hôn nhân, là hình thức liên hoan, báo hỉ mừng cô dâu, chú rể, mừng hai gia đình và có ý nghĩa rất thiêng liêng.

 

Hiện đại

Quan niệm về tầm quan trọng của một lễ cưới ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn. Thế nhưng việc dựng vợ gả chồng không còn quá phụ thuộc vào cộng đồng. Thực tế, quyền quyết định thuộc về đôi trẻ. Việc này cũng cho phép cô dâu và chú rể được đặt tính cá nhân của mình vào lễ cưới nhiều hơn.

Đứng về phía pháp luật, chỉ cần đôi nam nữ có giấy đăng kí kết hôn là được pháp luật bảo vệ. Thế nhưng, quan niệm chung của tất cả các cặp đôi vẫn là kết hôn phải được sự đồng ý của hai bên gia đình và thông báo tới họ hàng và bạn bè.

 

CÁC NGHI THỨC TRONG LỄ CƯỚI VIỆT NAM

Một số tục lễ cưới ngày xưa đã được lược bớt để phù hợp với đời sống hiện đại.

Ngoài lễ cưới hỏi truyền thống như trước đây, các cô dâu chú rể còn tổ chức tiệc cưới được tổ chức tại các địa điểm cưới như nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, sảnh cưới khách sạn hoặc khuôn viên của gia đình (với dịch vụ nấu tiệc thuê ngoài hay tự nấu). Cô dâu và chú rể rót rượu sâm banh và cắt bánh cưới mời hai bên gia đình. Sau đó họ trao nhẫn cưới cho nhau.

Sau ngày cưới, đôi tân hôn thường đem theo lễ vật về nhà gái làm lễ gia tiên và thăm lại bố mẹ, anh, chị, em cô dâu. Nhân dịp này nhà gái thường làm cơm để dâu và rể cùng ăn với gia đình.

Tục lệ này được duy trì với ý nghĩa nhắc nhở con cái về đạo hiếu, biết ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ, thắt chặt thêm mối quan hệ thông gia, ruột thịt từ ngày đầu của đôi vợ chồng, với sự nhân đôi tình cảm.

 

TRANG PHỤC / ÁO CƯỚI

Trong ngày cưới của dân tộc Việt, các cô dâu miền Bắc thường mặc bộ áo mớ ba, ngoài cùng là chiếc áo the thâm, bên trong ẩn hiện hai chiếc áo màu hồng và màu xanh hoặc màu vàng với màu hồ thủy. Rồi đến áo cánh trắng, cuối cùng là chiếc yếm hoa đào có dải bằng lụa bạch.

Cô dâu miền Trung cũng mặc áo mớ ba, trong cùng là áo màu đỏ hoặc hồng điều, áo giữa bằng the hay vân tha màu xanh chàm, áo ngoài cùng bằng the hay vân tha màu đen.

Nhắc đến trang phục của cô dâu miền Nam, ấn tượng đáng nhớ nhất bao giờ cũng là bộ áo dài gấm, quần lĩnh đen, đi hài thêu.

Trang phục của chú rể ở cả ba miền đều giống nhau, thường thì mặc áo thụng bằng gấm hay the màu lam, quần trắng ống sớ, búi tóc, chít khăn nhiều màu lam.

Nhưng trong đám cưới ngày nay, cô dâu chú rể mặc trang phục theo kiểu phương Tây. Cô dâu mặc soiree trắng, chú rể mặc vest. Bộ váy cưới qua thời gian cũng được cách tân vô cùng hiện đại và đem lại sự thoải mái cho các cô dâu. Thế nhưng trong lễ ăn hỏi, hình ảnh thường thấy vẫn là áo dài cưới truyền thống.

Đám cưới hiện đại của người Việt Nam đã có nhiều cách tân song vẫn giữ được nét truyền thống. Biểu trưng trong đám cưới hiện đại vẫn là lá trầu quả cau, và màu đỏ vẫn là màu chủ đạo trong đám cưới hiện đại, nhất là ngày lễ ăn hỏi. Những nghi lễ gia tiên vẫn được lưu giữ, trầu cau, bánh phu thê, mâm ngũ quả, lễ lên đèn…vẫn là những vật phẩm, nghi thức chính của văn hóa truyền thống.

 

Dư luận xã hội đối với việc tổ chức cưới ngày nay

Tại lễ cưới, nhiều vấn đề xã hội diễn ra, mọi khen chê của dư luận đều tập trung vào, nhất là với những người nổi tiếng. Tổ chức một đám cưới theo nghi thưc cổ truyền, người khen thì cho rằng thế mới là đám cưới Việt Nam, không bị du nhập hay pha trộn từ bên ngoài. Nhưng người chê thì lại nói rườm rà, lãng phí, lạc hậu. Tất cả chỉ để khẳng định đúc kết của ông bà ta “ma chê cưới trách”, đó là điều không thể tránh khỏi. (Theo Tuổi Trẻ).

Rất nhiều người nước ngoài tỏ ra thích thú khi được tổ chức một nghi thức cưới truyền thống của người Việt. Điều này thể hiện giá trị tinh thần của cưới hỏi truyền thống chúng ta. Giữ một lễ cưới đúng nghĩa: vừa phù hợp với cuộc sống hiện đại, vừa giữ được những nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam là một điều rất cần chú trọng cho các tân lang tân nương ngày nay.