Hướng dẫn tự chụp ảnh ăn hỏi – Đăng Thiện Blog

Đám cưới có nhiều khoản phải chi trong đó chi phí thuê thợ chụp ảnh cho ngày vui không hề nhỏ. Tuy nhiên, bạn có thể nhờ người thân đứng ra thực hiện hộ bộ ảnh mà chất lượng chẳng thua các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp là bao.

Chỉ cần một chiếc máy ảnh số và một chút chịu khó theo các hướng dẫn dưới đây:

Thông thường, các cặp cô dâu chú rể thuê thợ chụp ảnh lễ đính hôn (ăn hỏi), lễ đón dâu và tiệc cưới. Khoảng hơn 10 năm nay tại Hà Nội, nhiều người đã quen với việc chụp ảnh nghệ thuật trong studio trước khi cưới để đến ngày vui một trong hai nhà trai, nhà gái giới thiệu cho quan khách biết mặt dâu hoặc rể của mình qua ảnh. (Phần nhiều các gia đình quen tổ chức theo kiểu truyền thống là mời khách dự tiệc trước vào buổi trưa, chiều đón và đưa dâu về. Do vậy họ không gặp mặt trực tiếp cô dâu, chú rể trong buổi tiệc).

Ngày lễ đính hôn, hai nhà đã định sẵn ngày, nhà trai đã chuẩn bị lễ vật thông báo giờ vàng ngọc sẽ tới cầu hôn bên nhà gái. Bạn cần hỏi giờ xuất phát và có mặt bên nhà trai trước đó chừng 30 phút, không quên mang theo bên mình một hoặc hai chiếc máy ảnh càng tốt (đề phòng không may có chiếc nào đó dở chứng trục trặc giữa chừng).

Theo truyền thống, ở miền bắc Việt Nam, các gia đình thuê từ 3 tới 11 tráp và mâm, gồm một buồng cau trên 100 quả cho đến 300 quả đặt trên mâm đỏ, hai phong bì có đựng tiền mà nhiều người quen gọi là lễ mặn (2 phong bì lễ cho hai bên nội và ngoại nhà gái), rượu, trà, mứt sen, bánh cốm, thuốc lá, bánh phu thê bày thật đẹp vào những tráp này… Khoảng 5 năm trở lại đây nhiều nhà còn mang cả bánh đậu xanh, một lẵng hoa quả tết thành giỏ, ở một số địa phương chẳng hạn như Hải Phòng còn có cả bia lon, nước ngọt hộp,… Tất cả được trang trí bày biện rất đẹp, rực một màu đỏ, màu biểu tượng cho tình yêu hạnh phúc. Ảnh lưu niệm cho gia đình trong ngày này cũng rất quan trọng.

Tốc độ để 1/30, khẩu độ khoảng f5,6 hoặc 8 tùy theo máy và đèn. Bạn hãy sắp xếp cho chú rể chụp cùng ông bà, cha mẹ, họ hàng, bạn bè của họ bằng cách bày những lễ vật ra hàng ngang, trải những tấm khăn đỏ lót dưới tráp cho đẹp. Chú rể sẽ mời từng người, vai vế từ trên xuống dưới chụp ảnh chung cùng. Bạn chỉ việc sắp xếp cho họ đứng cho đẹp, chú rể đứng giữa làm trung tâm, mọi người đứng hai bên phía sau các tráp chưa phủ khăn.

Các tráp nên bày sao cho ngang tầm với bụng là vừa đẹp. Nên nhớ các kiểu chụp không thể thiếu là chú rể cùng ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột và một kiểu có đầy đủ những người này. Một kiểu đặc biệt là chú rể chụp riêng với mẹ, nhân ngày vui nhất đời cảm ơn công lao trời bể của người mang nặng đẻ đau, tần tảo một nắng hai sương nuôi con khôn lớn thành người.

Sau khi bà mẹ chú rể đã phủ khăn các tráp quả, chú rể sẽ nâng tráp lên đưa cho từng người mà gia đình đã phân công đội lễ. Bạn hãy chụp từng người đội lễ sao cho người xem ảnh thấy cảnh trao quả từ tay anh chàng sắp lấy vợ và người bưng bê. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, buồng cau đi đầu tiên. “Vô tửu bất thành lễ”, quả đựng rượu đi thứ hai. Tiếp đó đến các tráp khác và lẵng hoa quả đi cuối cùng tùy theo số lượng. Bạn hãy sắp xếp đội hình bê tráp đi thành hàng từ thấp đến cao, đi thật đều, lễ để đều một bên vai phải.

Để cho ảnh đẹp, bạn hãy chụp hình đoàn đội lễ này đang “hành quân”, để ý cảnh phía sau có gì vướng và xấu không hãy chụp. Cần chụp với tốc độ 1/60 để không bị sai nét khi người đang di chuyển, khẩu độ để tự động. Trời mùa đông, bạn không nên phát đèn chớp ngoài trời, hậu cảnh sẽ bị tối. Trường hợp trời nhá nhem quá, bạn buộc phải dùng flash để ảnh chuẩn sáng hơn, mặt người không bị om. Bạn cũng có thể tăng ISO lên 400. Độ nhạy càng cao, phía sau người càng sáng, màu sắc cũng tốt hơn. Nhưng đừng lạm dụng, ảnh sẽ bị vỡ hạt và rạn.

Tới nhà gái rồi sẽ sao đây? Đừng lúng túng, bạn sẽ thấy bên đó có các cô gái trẻ mặc áo dài, xếp hàng sẵn sàng chờ nhà trai mang lễ vật tới ngay tại cổng. Người dẫn lễ bên nhà trai cùng đoàn quân bê tráp sẽ vào tới cổng trước. Bên gia đình cô dâu tương lai sẽ cử đoàn tiếp đón ngay tại cổng, bắt tay người đại diện dẫn lễ. Sau đó các cô gái sẽ lần lượt ra đón và rước các tráp quả vào trong nhà. Bạn hãy nhanh tay bấm máy, từng đôi, từng đôi một. Những chàng áo trắng cổ thắt caravat đan xen cùng các cô gái áo dài đỏ, thật là nổi bật giữa đám đông. Họ cùng nhau mang những lễ vật trang trọng kia vào trong nhà, bày ra chính giữa.

Sau màn chào hỏi, phát biểu, hai bên làm thủ tục trao và nhận lễ vật chính thức (thông thường là hai bà mẹ). Lễ nghi này quan trọng lắm, bạn hãy chụp cẩn thận và với chế độ trong nhà (tốc độ 1/30 + đèn flash). Bạn nên nhớ trong bất kỳ tình huống nào, giống như bộ đội bắn súng, bấm máy chụp, bạn phải nín thở để không bị rung máy dẫn tới nhòe ảnh. Công thức “tì mắt, áp mặt, tìm điểm ngắm, nín thở, nheo mắt, bóp cò”.

Cô dâu tương lai sẽ ra mắt sau khi được sự cho phép của các bậc bề trên. Một tràng pháo tay nổ ra với sự xuất hiện của cô dâu và chú rể, bạn hãy ghi lại không khí vui tươi này bằng những hình ảnh sống động, nhanh gọn.

Tiếp đó, lễ ra mắt tiên tổ trước bàn thờ gia đình nhà gái diễn ra. Chàng trai xin phép được làm rể hiền bên họ nhà gái, còn cô dâu xin phép và trình báo ngày vu quy với tổ đường. Đây là một nghi lễ mà các gia đình hết sức coi trọng, bạn không thể làm hỏng kiểu ảnh này, đó còn là một sự kiêng kị của nhiều người. Sắp xếp sao cho trên ảnh ta vừa nhìn thấy được bàn thờ, vừa có cả mặt cô dâu và chú rể đang vái lạy.

Sau lễ ra mắt tổ tiên, cô dâu và chú rể sẽ mời nước quan viên bốn họ cùng các khách mời. Nếu vẫn chưa thấm mệt và vẫn cảm thấy hứng thú nháy nữa, bạn có thể chụp các kiểu ảnh cô dâu rót nước, chú rể đi bên cạnh mời thuốc lá quan khách.

Nếu thời gian hai bên gia đình cho phép, tân cô dâu và chú rể sẽ chụp hình lưu niệm cùng hai bên họ hàng, bố mẹ, ông bà, bạn bè, giao lưu giữa hai bên đội và đỡ lễ. Bạn nhớ không thể bỏ qua kiểu ảnh chụp chung giữa hai bên thân sinh của cô dâu và chú rể.

Đến giờ G, đoàn nhà trai xin phép ra về và hẹn ngày đón dâu. Nhà gái đã chuẩn bị một lễ lại quả. Bà mẹ cô dâu sẽ trao lễ này cho bà thông gia. Kiểu ảnh này rất có ý nghĩa. Tượng trưng cho sự hòa hợp giữa hai gia đình. Sau đó bạn hãy ghi lại những hình ảnh quan viên hai họ bắt tay tiễn khách bịn rịn, thân mật và nồng ấm để kết thúc bộ ảnh mang tính thời sự, lưu niệm và sẽ đẹp không kém hình của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp .

Nếu bạn thấy quy trình tổ chức của hai bên gia đình nào không đúng như nội dung trên thì bạn nên sắp xếp, đạo diễn chương trình đó cho đúng trình tự phong tục. Bởi không phải ai, gia đình nào cũng biết tường tận và làm đúng các thủ tục này. Muốn có tấm hình đẹp bạn phải làm thì mới có được kết quả như ý muốn.

Hy vọng rằng những mẹo trên sẽ giúp ích cho bạn.

Chúc bạn thành công!

Sưu tầm bởi: DangthienBlog