Khám phá ‘căn nhà ma’ nổi tiếng nhất Little Saigon (kỳ 5)
‘Nhà ma’ qua lời người ‘hàng xóm’ và được mời ‘ngủ lại một đêm’
WESTMINSTER, California (NV) – Về vị trí, “căn nhà ma” được xây trên Lot 2 của một miếng đất lớn, nằm trên đường Euclid vào năm 2005. Phần còn lại của miếng đất, Lot 1, nằm trên đường Hazard là nhà của một cặp vợ chồng “người Trung Đông.”
“Căn nhà ma” bị đồn có ma. Vậy căn kế bên trên cùng miếng đất thì sao? Đó là lý do chúng tôi muốn đến gặp chủ nhân căn nhà này.
*Câu chuyện của người hàng xóm
Theo lời nhờ vả của tôi, Nguyễn đưa chúng tôi sang nhà hàng xóm.
Mở cửa đón chúng tôi là một phụ nữ khá đẹp và sang trọng, khoảng ngoài 55 tuổi. Bà Gloria, người chủ nhà, (thực ra là người Mễ Tây Cơ) có vẻ rất niềm nở khi nhìn thấy chủ nhân mới tinh của “căn nhà ma.” Sau khi nghe Nguyễn giới thiệu, bà nói ngay, “Ồ, tôi có nghe những lời đồn nhảm nhí về ma ở đây lâu lắm rồi, lúc tôi mới xây nhà lận.”
Khi xin phép được nói chuyện với bà liên quan đến những lời đồn có ma, thì bà ngần ngại, “Chúng tôi đang chuẩn bị ăn tối.”
“Ồ, không sao, tụi tôi sẽ trở lại ngày khác”. Tuy nhiên, khi chúng tôi chưa kịp bước đi thì bà đã đổi ý, “Thôi, tôi tiếp mọi người 5 phút. Mời vào.” (Nhưng sau cùng bà nói đến gần 30 phút).
Bên trong căn nhà thật sang trọng, kiến trúc khác hẳn “căn nhà ma,” Nguyễn luôn miệng khen căn nhà quá đẹp. Đằng Giao thì gần như im lặng không nói gì. Ngọc Lan thì bị thu hút bởi một tấm tranh lớn ngay khi bước vào. Tấm tranh vẽ hình gương mặt một phụ nữ không hiền theo kiểu “yểu điệu thục nữ” Á Đông, mà mà trông khá dữ với ánh mắt sắc lẹm được che phủ bởi vài cọng tóc lòa xòa.
Chúng tôi ngồi nơi “island” của góc bar trong nhà, Ngọc Lan ngồi đối diện với bức hình. Bên trái Ngọc Lan là bà Gloria, bên phải là Đằng Giao và Nguyễn.
“Để tôi kể cho mọi người nghe,” bà Gloria bắt đầu. “Hồi đó, ở đây có căn nhà cũ kỹ, bị bỏ hoang. Có người vô gia cư vô ở. Sau rồi họ giựt sập căn nhà. Tôi nhớ khoảng năm 2002, đây là một bãi đất trống, bỏ hoang một thời gian dài.”
“Một hôm, trên đường đi làm, tôi thấy miếng đất treo bảng bán. Tôi nói chồng tôi bãi đất này quá tốt để xây một căn nhà. Thế là tôi gọi chủ, hỏi mua. Khi đó họ cho biết lô bên kia đã có người mua rồi. Tôi hơi tiếc, nhưng kệ. Tôi trả $250,000 để mua miếng đất này. Sau đó tôi gọi kiến trúc sư và mọi người gặp nhau để lên kế hoạch xây dựng,” người hàng xóm của “căn nhà ma” tiếp tục kể.
Theo bà Gloria, miếng đất bà mua sau, nhưng bà là người xây nhà trước.
Bà kể bằng giọng sôi nổi, “Khi tôi khoe với bạn tôi là tôi vừa mua lô đất, bạn tôi nói lô đất này có ma. Tôi nói vậy thì tốt quá, vì người mua lô đất bên kia là người Việt mà người Việt hay tin dị đoan nên có thể họ sẽ bán lại cho tôi.”
Trong lúc bà chủ nhà đang kể, Ngọc Lan xin được chụp một tấm hình cảnh mọi người đang nói chuyện (dĩ nhiên là cô muốn có tấm tranh trên tường dính vô), nhưng bà Gloria tỏ ra “bực bội.” Giọng bà trở nên cứng rắn, “Nếu không có chàng trai này, người láng giềng mới của tôi đưa sang thì chắc chắn 100% tôi đã từ chối tiếp chuyện quý vị ở ngoài cửa chứ đừng nói là mời vào nhà. Tôi không muốn một người Việt Nam nào bước chân vào nhà chúng tôi hết.”
Rồi bà lại tiếp tục kể, “Để tôi kể cho nghe người Việt tin dị đoan cỡ nào. Khi tôi đang xây nhà, người thầu xây là bạn chúng tôi, tên Martin, có nhiều người ghé qua, tò mò, hỏi thăm. Một hôm, một cặp nam, nữ ghé qua, nói là khu đất bên kia đường cũng có ma, cả khu này có ma. Họ nói nghe đồn một người thợ xây nhà tôi bị chết. Buồn cười không? Tôi chán quá. Tôi nói, ‘Đủ rồi! Ai tin gì thì tin.’ Không hiểu sao người Việt của quý vị lại tin có ma như thế, trong khi người chúng tôi không có tin.”
“Tôi ở đây 15 năm rồi. Con chúng tôi lớn lên ở đây. Rồi cháu tôi cũng sanh ra ở đây. Chúng tôi rất hạnh phúc và không thấy gì cả. Căn nhà này hoàn hảo và tuyệt vời. Rồi người ta hỏi tôi có bán không. Dĩ nhiên tôi không bán. Tôi yêu căn nhà này,” bà nói thao thao.
Theo lời bà Gloria, bà cũng đã từng lên thành phố Santa Ana để lấy những báo cáo xem có người chết trên miếng đất này hay không, thì câu trả lời là không.
Sau khi nhắc lại một lần nữa lý do tiếp chúng tôi là vì Nguyễn là hàng xóm dễ thương, bà Gloria nói thêm, “Tôi biết chủ cũ căn nhà Nguyễn vừa mua là Nancy và Philips, là bác sĩ. Họ xây nhà sau tôi. Một bữa, tôi gọi họ, giới thiệu là tôi đang xây nhà bên cạnh. Rồi tôi hỏi họ có biết lô đất của họ có ma không, người ta đồn như vậy và nếu muốn thì tôi sẵn sàng mua lại lô đất đó, mua luôn ma của họ. Họ cảm thấy bị xúc phạm. Họ nói, ‘Gloria, cô nói vậy là bất kính.’ Tôi xin lỗi họ về lời nói đó, rồi chúng tôi thành hàng xóm tốt từ đó.”
Theo lời bà Gloria, lý do vợ chồng bác sĩ Nancy và Philips bán nhà là vì “họ muốn sống gần con cái ở Irvine.” Điều này trùng hợp với những gì mà chúng tôi đã nghe từ anh Văn T., người mua lại căn nhà từ vợ chồng Nancy-Philips và cũng là người bán nhà cho Nguyễn.
Như vậy, theo những gì mà các chủ nhà cho biết, thì “căn nhà ma” không hề bị bỏ hoang hay rao bán hoài mà không ai mua như những lời đồn đoán xưa nay.
Rời nhà bà Gloria, chia tay Nguyễn, cũng là lúc trời tối thui. Có cảm giác nhiều chiếc xe chạy ngang nhìn chúng tôi bước ra từ căn nhà ấy bằng ánh mắt ngạc nhiên.
Trong khi Ngọc Lan tỏ ra thích thú với những diễn ra, thì Đằng Giao hoang mang trước chuỗi may mắn lạ lùng mà hai người gặp từ khi đi tìm sự thực “ma quỷ” về hai căn nhà này, đồng thời anh cảm thấy như “thoát nạn” lúc bước ra khỏi căn nhà.
“Ra xe, hình như Ngọc Lan nói gì đó về chuyện chiếc xe còn nguyên, không bị ai giấu như lần trước. Hình như tôi có cười cười, vẫn như chưa hoàn toàn hoàn hồn,” Đằng Giao nhớ lại.
*Chủ nhân “căn nhà ma”: Đằng Giao có điều “kỳ lạ”
Trong quá trình thực hiện phóng sự “căn nhà ma,” từ lúc “dụ dỗ” Đằng Giao cùng làm chung, cho đến việc gặp được các chủ nhân đã qua của miếng đất, của ngôi nhà, đều diễn ra suông sẻ, trơn tru đến bất ngờ. Tôi hào hứng với những thông tin có được, nhưng nếu nói tôi không có một chút gì đó thiên về “tâm linh” thì sai. Tự trong sâu thẳm, tôi cho rằng mình được “tổ đãi” khi thực hiện đề tài “khó nuốt” này.
Sáng hôm sau, trong lúc chuẩn bị đi làm, tôi thấy email báo có người gọi điện thoại vào tòa soạn tìm tôi và để lại lời nhắn. Mở “voice mail” lên nghe, thì ra người tìm tôi là Nguyễn.
Gọi lại thì Nguyễn cho biết là khi nào chúng tôi sẽ viết bài đăng báo. Nghe tôi trả lời, “Chắc ít hôm nữa, khi nào đăng chị sẽ báo em hay”. Nguyễn nói liền, “Dạ, khi nào chị viết cũng được. Chị có thể quay trở lại để chụp thêm hình nếu chị muốn, vì cuối tuần này em sẽ mua thêm đồ đạc sắp xếp lại cho đẹp. Nhưng em chỉ có một yêu cầu là chị đừng đăng hình em lên, em không muốn nhiều người xem hình rồi ra đường thấy em lại xầm xì ‘anh chàng đó ở nhà ma’ thì nghe kỳ quá!”
Tôi bật cười sau khi đồng ý với điều kiện chủ nhà đưa ra. Có vẻ như ngập ngừng một chút, Nguyễn nói, “Tối qua ở nhà em, em thấy anh Đằng Giao có vẻ rất là sợ.”
“Ủa, vậy hả? Chị thấy bình thường, không hề cảm nhận có gì khác lạ hết. Nhà em đẹp mà. Chị thấy anh Đằng Giao cũng bình thường mà,” tôi trả lời.
“Chị thì rất tự nhiên, nhưng em nhận ra anh Đằng Giao có vẻ sợ hãi lắm, nói chuyện lắp bắp, lắp bắp,” Nguyễn khẳng định.
Tôi nghĩ trong đầu, “Đằng Giao vốn hay nói lắp, chắc chủ nhà không biết nên nghĩ ổng run thôi. Chuyện bình thường.”
Vào chỗ làm, trong lúc cả nhóm phóng viên lao xao bàn tán chuyện “nhà ma,” tôi bỗng nhớ tới nhận xét của Nguyễn. Quay qua Đằng Giao, tôi hỏi, “Hey ông, tối hôm ở ‘nhà ma’ ông làm sao mà chủ nhà nói ông sợ quá vậy?”
Tôi hỏi chỉ cốt ý trêu đồng nghiêp hàng xóm thôi, vì tôi nghĩ câu lão trả lời sẽ là, “Sợ gì đâu!”
Nhưng, tôi đã nghĩ trật lất.
“Thì tôi sợ thiệt mà!” Đằng Giao nói một cách điềm đạm trong lúc mắt vẫn nhìn vào màn hình máy tính.
Tôi trố mắt nhìn lão, “Cái gì? Sợ? Ông thấy gì mà sợ? Nói thiệt hay nói chơi vậy ông nội?”
Đằng Giao quay qua nhìn tôi, “Bước vô đó là tôi thấy rợn rợn liền. Tôi là người có linh cảm đặc biệt, chứ không phải là người chai đá như Ngọc Lan, biết chưa.”
“Vậy, lúc qua nhà bà Gloria, ông có sợ không?” – “Vẫn sợ, tôi cũng thấy rợn rợn, kỳ lắm,” Đằng Giao nói.
Nhìn vẻ mặt ra bộ “nghiêm trọng” của lão, tôi phá lên cười, “Thôi đi ông kẹ. Chả có gì hết á. Ông đừng có mà hù tôi.”
Lão gầm gừ, “Mụ im đi. Đồ chai sạn.”
Từ hôm đó, tin “Đằng Giao sợ ma” bay khắp tòa soạn. Tôi vẫn không ngừng cười ha ha mỗi khi nói Đằng Giao bị chủ nhà “bắt gặp quả tang sợ ma,” nhưng kỳ thực, tôi tin đồng nghiệp mình không nói dối.
*Chủ nhân mời “thử ở một đêm” nhưng “đừng kêu Đằng Giao tới”
Sau ngày đặt chân vào “căn nhà ma” và ngôi nhà người hàng xóm, cả tôi và Đằng Giao đều bận rộn với những công việc bài vở khác ở tòa soạn, tạm gác chuyện “nhà ma” lại. Thực ra Đằng Giao cũng chẳng bao giờ nhắc tới chuyện “nhà ma,” trừ khi tôi chủ động gợi chuyện.
Đúng một tuần sau đó, cũng Thứ Tư, trước giờ đi làm, tôi nghĩ cần phải gọi lại cho Nguyễn để hẹn đến chụp hình, và nếu được sẽ quay phim, để lâu quá, có lời ra tiếng vào nhiều khi chủ nhà lại thay đổi ý kiến.
Nguyễn nghe điện thoại và trả lời rất thoải mái, “Bất cứ lúc nào chị đến cũng được.”
Tôi nói Đằng Giao chiều sẽ trở lại căn nhà ma để quay phim, chụp hình. Đằng Giao “ừ,” không vui cũng chẳng buồn.
Tuy nhiên, chiều hôm ấy công việc quá nhiều. Đến hơn 7 giờ 30 tối mới xong, ngó qua ngó lại không thấy Đằng Giao đâu. Lão “chuồn” về lúc nào chẳng nói. Tôi đành hẹn Nguyễn ngày hôm sau.
Thứ Năm là ngày nghỉ hằng tuần của Đằng Giao, nhưng lão có nói “khi nào đi thì gọi.” Hơn 4 giờ chiều, tôi gọi thì Đằng Giao thoái thác đã bận việc khác. Thế là tôi rủ anh Dân Huỳnh, phóng viên ảnh của tờ báo, đi cùng để quay phim, chụp ảnh.
Tiếp chúng tôi lần này, ngoài Nguyễn, còn có ông Anh, mà Nguyễn gọi bằng chú, là người tôi đã gặp quét sân nhà hôm trước.
Nhìn anh Dân Huỳnh, ông Anh hỏi, “Anh là Đằng Giao hả?” Hình như sự xuất hiện của chúng tôi ở lần trước đã được Nguyễn kể lại khá tường tận cho ông Anh nghe.
Ông Anh có vẻ rất quan tâm đến chuyện “Đằng Giao sợ” khi đến nhà này.
Ông Anh, ngoài 60, cũng là một người hiếu khách, vui tính, nhưng không dễ chịu như Nguyễn. Ông nói một cách bộc trực, “Lần trước nếu quí vị đến gặp tôi thì chắc tôi đã không tiếp quý vị, vì quý vị đến đường đột mà không báo trước, ở Mỹ này không ai làm như vậy.”
“Dạ, có lẽ do số Ngọc Lan may mắn nên mới gặp Nguyễn chứ không gặp chú, chứ gặp chú trước thì coi như tiêu rồi,” tôi cười trả lời, trong bụng nói thêm “Mấy vụ này mà báo trước làm sao được, có biết ai đâu mà báo. Mà đúng là tui hên!”
Khi được hỏi ông nghĩ gì, cảm nhận như thế nào về căn nhà này, ông Anh cho rằng, “Bản thân tôi thì không có gì lo sợ. Nếu mà có thật đi nữa thì tôi cũng không sợ. Vì tôi tin mình là người tốt thì chả ai làm gì mình, dù là người sống hay người đã mất thì mình đều có sự tôn trọng họ thì có gì đâu mà phải lo lắng. Còn nói nếu sợ, tin vào những lời đồn thổi thì chúng tôi đã không mua và dọn vào đây ở.”
Ông Anh nói tiếp: “Mình mua nhà là tự nguyện mà. Những tin đồn, những câu chuyện này kia chúng tôi đều đã biết trước khi quyết định mua, chứ đâu phải mua rồi mới biết. Tôi không nói là tôi không tin hoàn toàn, tôi vẫn có những điều nghi ngờ. Nhưng cho đến giờ phút này, sau thời gian ở đây, thì với tôi những lời đồn thổi đó là vô căn cứ.”
“Tôi thích căn nhà này. Khang trang, đẹp đẽ. Điều duy nhất tôi không thích là nó ở ngay góc đường nên không thể mở cửa thường xuyên được, vì mở thì rất ồn, mà có lẽ đóng hoài thì người ta cũng thắc mắc,” ông Anh nói thêm.
Điều ông Anh nói, cùng với hôm đầu tiên đến, Nguyễn có chỉ chỗ garage đậu được ba xe lớn, làm tôi chợt hiểu vì sao căn nhà này đi ngang nhìn lúc nào cũng im ỉm, vắng vẻ, hiếm khi thấy có xe trước nhà. Đơn giản chỉ vì nhà này không mở cửa (vì ồn, vì bụi), và xe vào nhà thì chạy luôn vào garage chứ không đậu ngoài như phần lớn nhà nơi đây.
Trở lại căn nhà lần thứ hai, tôi cũng đi loanh quanh và cũng cố nhìn, cố tìm xem có “bắt gặp” một cảm giác “lạ lạ” nào không. Tôi nhìn lên chiếc cầu thang. Tôi nhìn ra sân vườn thiếu bàn tay chăm sóc. Nhìn những đồ đạc hãy còn ít nhiều ngổn ngang. Vẫn không cảm nhận điều gì khác lạ so với bao nhiêu căn nhà tôi từng đặt chân vào.
Sau khi nói chuyện thêm một hồi liên quan đến “nhà ma,” ông Anh đề nghị, “Nếu cô muốn, tôi mời cô đến đây ở một đêm cùng chúng tôi để xem thử có ma không. Cô dám không?”
Ô trời, mục đích cuối cùng của mình là đây, mình chưa dám đề nghị thì chủ nhà đã tự mời rồi!
“Dạ, sao không dám. Ngọc Lan muốn điều đó phải có trong bài phóng sự này mà. Vậy thì hôm nào được hả chú?” Tôi nói liền.
Ông Anh quay sang Nguyễn chờ đợi. Nguyễn nói một cách mau lẹ, “Thì cuối tuần này đi, Thứ Bảy được mà.”
Nguyễn cho biết thêm nhà có một phòng trống, và không có bất cứ gì trong đó hết, chúng tôi có thể ở trong đó.
“Ok, vậy tối Thứ Bảy Ngọc Lan sẽ tới, với một người nữa.” Tôi chụp liền cơ hội.
Nghe tôi sẽ đi với một ai đó, ông Anh hỏi, “Cô sợ đến một mình à? Sợ ma hay sợ người?”
“Dạ, không phải là sợ, nhưng đi làm thì phải có ít nhất 2 người, để đứa này không thấy thì biết đâu đứa kia thấy, rồi còn quay phim nữa chú,” tôi cười đáp.
Ông chú cũng cười, “Tôi đùa thôi, quý vị muốn đến mấy người cũng được. Nhưng tôi nghĩ đừng nên rủ những người yếu bóng vía quá.”
Lý do “đừng rủ người yếu bóng vía” mà ông Anh đưa ra là những người đó hay tưởng tượng, suy diễn, đôi khi chỉ nghe một tiếng động họ cũng có thể nghĩ đủ thứ, mà nhà nào lại không có những âm thanh tiếng động trong đêm, tiếng quạt, tiếng máy lạnh, tiếng tủ lạnh…
Điều ông nói cũng hợp lý, dù lúc đó trong đầu tôi cũng chưa biết sẽ rủ ai đi cùng mình. Còn đang suy tính trong đầu, thì ông Anh nói luôn, “Như anh Đằng Giao hôm trước, tôi nghĩ là đừng rủ ảnh tới, vì ảnh có vẻ sợ quá!”
Tôi bật cười, cùng anh Dân Huỳnh ra về, hẹn sẽ trở lại vào tối Thứ Bảy. (Ngọc Lan & Đằng Giao)
(Đón xem kỳ cuối: Đêm trong căn nhà ma, liệu có thấy ma?)
Mời độc giả xem phóng sự “Khám phá căn nhà ma nổi tiếng nhất Little Saigon”(Phần 1)