Không biết mặt cô dâu, chú rể vẫn phải mừng cưới 500.000 đồng
Tùy mức độ thân quen với cô dâu, chú rể, Ngân Hà sẽ quyết định có tham dự hôn lễ và bỏ phong bì bao nhiêu. Những mối xã giao, cả năm không nói chuyện, cô thẳng thừng từ chối.
Tháng trước, khi thống kê chi tiêu, Ngân Hà (28 tuổi), nhân viên công ty công nghệ ở Hà Nội, giật mình vì đã tiêu hết 3/4 lương, phần lớn trong đó là chi cho việc ăn cưới.
“Mình thường mừng mức chung là 500.000 đồng, còn bạn thân hay họ hàng 1 triệu đồng. Mình bỏ phong bì dựa theo mối quan hệ, còn cỗ bàn mời ở khách sạn hay tại gia không quá ảnh hưởng. Mỗi tháng chỉ cần có 4-5 đám là thấy đau đầu”, cô nói.
Hà cho hay không phải hôn lễ nào được mời cô cũng tham dự, nhất là bạn bè cũ cả năm không nói chuyện bỗng dưng nhắn tin hay gọi điện để gửi thiệp. Tuy nhiên, cũng có đám cô không thể từ chối.
“Hôm trước anh họ ở quê lấy vợ, mẹ bắt mình mừng 500.000 đồng dù không về ăn cỗ. Mình thậm chí không nhớ mặt người họ hàng này. Nhiều khi đó là phong tục ở quê, không đi không được. Với bạn bè không thân hay quen biết xã giao, mình không dự cũng không gửi phong bì vì nghĩ khi cưới sẽ không mời đến”, cô chia sẻ.
Tương tự Hà, nhiều người trẻ cho rằng yếu tố chính quyết định số tiền mừng cưới là quan hệ với cô dâu, chú rể. Địa điểm đãi tiệc và tình hình tài chính cá nhân cũng đôi khi ảnh hưởng.
Việc mừng cưới bao nhiêu chủ yếu phụ thuộc vào quan hệ của khách mời với cô dâu, chú rể. Ảnh: Joseph Chan/unsplash.
Ngày càng áp lực
Theo “tỷ giá thị trường”, Mỹ Anh (25 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thường mừng cưới 500.000 đồng cho người “thân vừa phải”. Nếu là quan hệ xã giao, cô bỏ phong bì 300.000 đồng.
“Nếu cô dâu, chú rể đãi tiệc ở khách sạn 5 sao, mình cũng cân nhắc mừng hơn 500.000 đồng. Tuy nhiên, có tháng đi công tác dài ngày hay du lịch tốn kém, mình vẫn chỉ bỏ theo mức chung dù ăn cỗ ở nơi sang trọng. Dự vài đám cưới mỗi tháng cũng là gánh nặng nên mình thường dựa vào tình hình tài chính ở từng thời điểm để cân nhắc”, cô nói.
Với bạn thân hoặc họ hàng, Mỹ Anh mừng cưới 1 triệu đồng. Đôi khi, cô thể hiện thành ý theo cách khác ngoài tiền bạc, chẳng hạn tặng đồ gia dụng như máy nướng bánh mì hay máy phun sương cho cặp uyên ương.
“Trong nhiều trường hợp, cách này có thể giúp tiết kiệm một chút, nhưng mình nghĩ chỉ nên áp dụng với người thân thiết, còn các mối xã giao thì chấp nhận đi phong bì”, cô giải thích.
Tháng này, Mỹ Anh dự định bay vào TP.HCM để ăn cưới họ hàng. Đây là đám thứ 6 mà cô được mời kể từ 3 tháng trở lại đây.
“Chưa gì mình tính sẽ phải tốn khoảng 10 triệu đồng tiền vé máy bay, lưu trú, đi chơi và phong bì mừng”, cô thở dài.
Nhiều người thẳng thừng từ chối tham dự đám cưới của bạn bè xã giao hay không thường xuyên giữ liên lạc. Ảnh: Dreams Time.
Theo Brides, 2022 được cho là năm bùng nổ đám cưới và cũng là thời điểm lạm phát ở mức cao nhất trong vòng hàng chục năm qua tại nhiều quốc gia.
Thống kê gần đây nhất từ Wedding Report cho thấy ước tính khoảng 2,5 triệu người Mỹ có kế hoạch kết hôn trong năm nay – con số lớn nhất kể từ năm 1984.
Trong bối cảnh giá cả tăng cao và chi phí hôn nhân ngày càng đắt đỏ, gánh nặng tài chính không chỉ rơi vào cô dâu, chú rể. Cuộc khảo sát của Bankrate cho thấy mỗi người dân xứ cờ hoa đang chi hơn 1.000 USD khi tới một tiệc cưới.
Việc tham dự hay mừng cưới bao nhiêu có thể khác nhau tùy thuộc vào quan hệ của khách mời với cô dâu, chú rể. Trong khi lý do diễn ra ngày trọng đại vẫn được giữ nguyên, chi phí tổ chức và tham dự một đám cưới đã thay đổi đáng kể theo thời gian.
Áp lực chi tiêu quá mức có thể gây khó khăn cho khách được mời cưới, đặc biệt nếu họ không tính khoản đó trong ngân sách của mình. Những người trẻ tuổi đang cảm thấy đau đớn nhất: 28% Gen Z (sinh năm 1997-2012) và 23% thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) cảm thấy áp lực khi phải chi tiêu quá mức cho một sự kiện trong năm nay. Ngược lại, chỉ 5% thế hệ Baby Boomers (sinh năm 1946-1964) cảm thấy như vậy.
Qua khảo sát trên 1.000 người Anh trưởng thành, công ty kiểm tra điểm tín dụng Experian chỉ ra chi phí dự đám cưới trung bình là gần 700 USD. Hơn 30% đối tượng khảo sát đã từ chối ít nhất một lời mời cưới vì chi phí sinh hoạt tăng cao trong thời gian gần đây.
Tại Hàn Quốc, việc mừng cưới 100.000 won (77 USD) từng được coi là bình thường nay có thể bị chỉ trích là bủn xỉn. Tiền mừng thay đổi tùy thuộc vào địa vị xã hội và mối quan hệ giữa khách mời với cô dâu, chú rể. Đối với bạn thân hoặc đồng nghiệp, người Hàn có thể tặng hơn 300.000 won (233 USD), theo The Korea Times.
Lập kế hoạch tài chính
Theo Bankrate, mùa cưới có thể là khoảng thời gian thú vị chứa đầy kỷ niệm khó quên. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, mọi người có thể bị bội chi và rơi vào vòng xoáy nợ nần.
Các chuyên gia khuyên việc lập ngân sách cho bản thân và tìm kiếm những cách khôn ngoan để cắt giảm chi phí trước khi tham dự hôn lễ có thể tránh làm dịp này mất vui vì bị đội chi phí.
Bắt đầu kế hoạch tiết kiệm sớm
Các cặp đôi có xu hướng gửi thiệp báo hỷ 6-8 tháng trước sự kiện. Do đó, việc bắt đầu tiết kiệm càng sớm càng tốt, nhất là khi có nhiều lời mời cùng lúc để tồn tại trong mùa cưới mà không mắc nợ, theo The Knot.
Có chiến lược tiết kiệm
Ngay cả với người đủ kỷ luật để giữ số tiền chi cho việc ăn cưới trong tài khoản chung, các chuyên gia khuyên nên tách biệt khoản này.
“Bạn nên mở tài khoản tiết kiệm dành riêng cho những chi phí bạn định chi ra. Đây có thể là cơ hội tốt để thử sử dụng ngân hàng trực tuyến với mức lãi suất cao hơn”, Greg McBride, nhà phân tích tài chính trưởng của Bankrate, cho biết.
Nói “không” luôn là một lựa chọn. Điều đó có thể có nghĩa là không tham dự đám cưới của người không quá thân thiết. Ảnh: The Bash.
Một số mẹo tiết kiệm bổ sung:
Xem xét tủ quần áo: Trước khi bỏ tiền mua trang phục mới tinh, hãy xem liệu bản thân đã sở hữu thứ gì phù hợp với đám cưới chưa. Nếu không, hãy hỏi bạn bè hoặc thành viên trong gia đình xem họ có thứ gì trong tủ phù hợp với nhu cầu hay không. Điều đó sẽ giúp tiết kiệm một số tiền có thể thêm vào quà tặng hoặc chi phí đi lại.
Tặng quà theo nhóm: Xem liệu khách mời hoặc thành viên gia đình khác có sẵn sàng chia chi phí cho món quà to và đẹp hơn hay không. Đó là việc đôi bên cùng có lợi và giúp cắt giảm chi phí.
Giảm thiểu chi phí ăn ở và đi lại: Nếu tham dự đám cưới ở xa nơi sinh sống, hãy xem liệu có ai bản thân biết mà cảm thấy thoải mái với việc ngủ ngờ, chia tiền xăng hoặc đi chung xe hay không.
Biết khi nào nên nói “không”: Nói “không” luôn là một lựa chọn. Điều đó có thể có nghĩa là không tham dự đám cưới của người không quá thân thiết. Mọi người có thể làm điều này, đặc biệt là khi các chi phí liên quan đến việc tham dự một đám cưới cản trở ưu tiên tài chính của bản thân.