Kinh nghiệm bỏ phong bì khi đi đám cưới
04/04/2017
Linh Linh
Bỏ bao nhiêu vào phong bì mừng cưới để không quá thất thố với gia chủ, vừa không tạo nên gánh nặng tài chính đáng kể cho bản thân? Rõ ràng, đây là vấn đề khá nhạy cảm.
Với các nước phương Tây, khách mời thường hỏi thẳng nhu cầu cô dâu chú rể và tặng cho họ vật phẩm tiện nghi trong cuộc sống, chuyến du lịch hoặc trang sức. Trong khi đó, phong bì tiền mừng cưới là truyền thống của các nước Á đông, trong đó có Việt Nam. Nên bỏ bao nhiêu vào phong bì mừng cưới?
Câu trả lời này không dễ giải đáp, nó phụ thuộc vào khả năng tài chính, mối quan hệ thân tình, khu vực đãi cưới, quy mô buổi tiệc cưới…
Kinh nghiệm bỏ phong bì khi đi đám cưới
– Xét trên mối quan hệ với cô dâu chú rể:
Trong buổi lễ rước dâu và đón dâu, cha mẹ, cô chú, anh chị em của cô dâu – chú rể thường được mời lên và tặng quà cho đôi tân giai nhân. Vàng thường là vật phẩm ưa thích để người thân tặng cô dâu chú rể, vừa là quà hồi môn vừa giúp phần tài chính cho cặp đôi trong giai đoạn đầu của hôn nhân. Không có quy định cụ thể cho khoản tiền mừng này. Nếu là họ hàng hoặc anh chị em, quà mừng thường từ 1-2 chỉ vàng, hoặc phong bao 3-5 triệu đồng (tiền tặng thường là số lẻ)
– Nữ trang là món quà hồi môn
Nếu bạn là bạn bè thân thiết với cô dâu chú rể, mặt bằng chung phong bì tiền mừng cưới khoảng 1.000.000 – 2.000.000 đồng (nếu đi cùng chồng, người yêu). Bạn nên nhớ, tiền mừng cười như khoản vay trước của cô dâu chú rể, họ sẽ ghi chú lại số tiền của khách mời để đi trả lễ với số tiền tương ứng ở đám cưới bạn. Do đó, rộng tay đôi chút vừa làm hài lòng cô dâu chú rể, vừa là “khoản để dành” khi đến đám cưới của bạn.
Tiền mừng cưới tuỳ vào quy mô buổi tiệc
Xét trên quan hệ xã hội, nếu bạn đi đám cưới của con lãnh đạo trong cơ quan, hoặc đối tác lớn của công ty, số tiền bỏ phong bì mừng cưới nên rộng tay. Mặt bằng chung là 3.000.000 – 5.000.000 đồng, chí ít từ 1.000.000 đồng. Một gợi ý khác là bạn nên tặng quà giá trị tương đối lớn thay vì mừng bằng tiền, món quà đó có thể là nữ trang, chuyến du lịch trăng mật hoặc đồ gia dụng.
– Xét về gia thế cô dâu – chú rể:
Thông thường, đối với trường hợp gia đình cô dâu chú rể dư giả và đãi cưới ở chỗ sang trọng, bạn nên đi với số tiền kha khá để tương xứng quy mô tiệc cưới. Bạn nên tìm hiểu xem địa điểm đãi cưới mà chủ tiệc chọn có giá khoảng bao nhiêu một bàn, bạn chia số tiền đó cho 10 (chi phí cho 1 người khách) ra số N, rồi cho vào phong bì số tiền N cộng thêm 100.000 – 200.000 nghìn.
– Xét theo khu vực đãi tiệc:
Khu vực trung tâm thường tiền thuê mặt bằng, đãi cưới cao hơn khi đãi tiệc tại các quận vùng ven hoặc ngoại ô như Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú. Đi tiệc cưới ở các quận vùng ven, số tiền phong bì khoảng 300.000 – 500.000 đồng/người. Nếu dự tiệc ở các quận 1, 3, 5, phong bì mừng cưới từ 500.000 – 1 triệu đồng.
– Xét theo địa phương:
Tuỳ theo đám cưới đã ở thôn quê hay thành thị mà mức bỏ phong bì tiền mừng cưới khác nhau. Mặt bằng chung hiện nay, đám cưới đãi dưới quê thì tiền mừng từ 150.000 – 300.000 đồng, đám cưới đãi ở thành phố trung bình từ 300.000 – 500.000 đồng.
– Tuỳ theo số người bạn đưa đi cùng:
Tuỳ theo số lượng người đi kèm mà bạn nên cân nhắc cho thêm tiền mừng cưới. Chẳng hạn nếu đi cùng chồng (hoặc người yêu), số tiền mừng cưới sẽ gấp đôi nếu bạn đi một mình. Nếu đi với trẻ em, bạn có thể cân nhắc thêm vào từ 200.000 – 300.000 đồng. Nếu đi cả gia đình (3-4 người) có thể bỏ chung phong bì tiền mừng từ 1 – 2 triệu đồng.
Trên đây là một vài gợi ý từ Yêu Media để bạn bớt đi những băn khoăn khi chuẩn bị tiền mừng cưới cho bạn bè, người thân. Tuy nhiên, gợi ý trên chỉ là tương đối. Việc đi phong bì tiền mừng cưới bao nhiêu phụ thuộc vào khả năng riêng của mỗi người, miễn sao đẹp lòng chủ hài lòng khách là được.
Yêu Media Tổng hợp