Kỳ công tự quay đùi cừu, đặt đồ Âu cho bữa tiệc tại nhà cuối năm

Ngọc Phượng (sống tại TP.HCM) tự vào bếp để chuẩn bị bàn tiệc gồm 6 món. Còn nhóm của Yến Nhi lại đặt một dĩa đồ Âu thập cẩm gồm các loại thịt nguội ăn kèm phô mai.

tiec cuoi nam anh 1

Năm nào bạn bè cũng háo hức đến nhà Ngọc Phượng (TP.HCM) để cùng tổ chức bữa tiệc cuối năm. Từ đầu tháng 11, căn nhà của cô đã tràn ngập không khí lễ hội với cây thông lung linh treo nhiều đồ trang trí… Ban công cũng được cô trang trí bằng chậu cây trạng nguyên đỏ và dây đèn.

Lễ Giáng sinh vừa rồi, để chuẩn bị cho bữa tiệc tại gia cho 14 người, cô đi chợ từ sớm để mua thực phẩm tươi ngon. Riêng đùi cừu và gà được mua trước vài ngày để tẩm ướp gia vị.

Trước khi bày món ăn, Ngọc Phượng trang trí bàn tiệc bằng bó lá thơm tươi kết hợp với hoa hồng đỏ, đồng thời tạo điểm nhấn bằng một vài lọ hoa mini.

“Khách đến chơi sẽ muốn có nhiều ảnh đẹp mang về, tôi chuẩn bị thêm một bàn trang trí. Chiếc bàn này được ‘set up’ đơn giản với chai lọ thủy tinh cắm hoa khô và dùng dây đèn để tạo hiệu ứng đẹp mắt”, Phượng chia sẻ với Zing.

Bỏ công trang trí, tự nấu tiệc

Ngọc Phượng tự lên thực đơn gồm đùi cừu quay với khoai tây bi và lá hương thảo, gà đút lò với bắp, cam vàng, mực nướng muối, bò hầm tiêu xanh dùng kèm bánh mì, bánh pizza, salad rau củ với sốt mè. Sau khi dùng tiệc, mọi người sẽ tráng miệng với trái cây và bánh khúc cây.

“Cừu và gà là món ăn truyền thống của nhà tôi. Cách nấu hai món này không quá cầu kỳ, lại được gia đình và bạn bè yêu thích”, Phượng chia sẻ.

Khi chế biến, cô thường kết hợp với rau củ phù hợp. Điều quan trọng nhất là phải canh thời gian chuẩn để bên ngoài vàng đẹp, bên trong mềm ngon, cuối cùng là trang trí để món ăn thêm đẹp mắt.

Hầu hết món ăn đều do Phượng chuẩn bị. Vào ngày bữa tiệc diễn ra, có thêm một người hỗ trợ cô sơ chế rau củ quả và dọn dẹp… Tổng chi phí đầu tư cho bữa tiệc khoảng 15 triệu đồng.

Sau khi bữa tiệc kết thúc, mọi người lại ngồi quây quần ở phòng khách ấm cúng để ăn tráng miệng và ca hát cùng nhau.

tiec cuoi nam anh 2

Bữa tiệc cuối năm của gia đình Ngọc Phượng có những món hợp khẩu vị cả người lớn và trẻ nhỏ.

Giống Ngọc Phượng, Vân Anh (27 tuổi, TP.HCM) cũng vào bếp để chiêu đãi gia đình, bạn bè dịp cuối năm. Khoảng 2 tuần trước ngày diễn ra bữa tiệc, cô đã đặt trước một số đồ trang trí như khăn trải bàn, bình hoa, cây tùng thơm đặt bàn và các loại khay, đĩa.

“Bữa tiệc bắt đầu với món khai vị là salad trái cây và phô mai tươi. Ngoài ra, tôi chuẩn bị thêm bánh mì sandwich mini kẹp phô mai và thịt xông khói để xoa dịu chiếc bụng đói cồn cào của những thực khách ghé thăm”, Vân Anh kể.

Món chính được mọi người chờ mong nhất gồm sashimi tươi, gà nướng và cơm cuộn. Những lát sashimi tươi mát và gà béo ngậy trở nên đậm đà hơn khi được dùng với rượu vang.

Đặc biệt, cô đặt riêng bánh kem hương quế cho bữa tiệc cuối năm. Đây là món tráng miệng yêu thích của cô và mọi người vì rất thơm và ngọt, vị như tan trong miệng.

Sau khi đã lấp đầy chiếc bụng đói, cả nhóm lại hồ hởi với trò chơi ma sói, nối chữ, vòng quay uống rượu.

“Tổng chi phí hết khoảng 7-8 triệu đồng. Bữa tiệc không quá cầu kỳ, nhưng bạn bè và gia đình tôi đều yêu thích và hào hứng”, Vân Anh tổng kết.

tiec cuoi nam anh 3

Bữa tiệc của Vân Anh gồm 10 người tham dự, được cô chuẩn bị trước khoảng 2 tuần.

Đặt sẵn set đồ ăn

Vì muốn tiết kiệm thời gian, Khánh Vy (TP Thủ Đức, TP.HCM), chuyên viên truyền thông, quyết định order đồ ăn bên ngoài thay vì tự nấu trong buổi tiệc tất niên với đồng nghiệp.

Sau nhiều lần cân nhắc, nhóm cô quyết định gọi set lẩu từ một nhà hàng Trung Quốc. Bên cạnh món chính, Vy chuẩn bị thêm rượu soju, rượu makgeolli và vài đồ nhắm khác.

Nữ nhân viên văn phòng cho biết ngoài tổng kết một năm đã qua, đây cũng là bữa tiệc mừng tân gia nhà mới của cô và chia tay đồng nghiệp cũ.

“Ai cũng bận rộn nên mọi người gộp 3 lý do lại để tổ chức một ngày luôn. Năm ngoái, chúng tôi rủ nhau đi Vũng Tàu nhưng nhiều thành viên không tham gia được nên năm nay làm tại thành phố”, Vy bày tỏ.

Nhờ gọi đồ nấu sẵn, khi giao đến cô chỉ cần hâm nóng và dọn ra bàn. Hình thức bày trí cũng không quá cầu kỳ, chú trọng sự thoải mái. Trong không khí thân mật, cả nhóm vừa ăn uống, trò chuyện, vừa hát hò, chơi trò chơi đến đêm.

“Chúng tôi không ngại việc dọn dẹp vì đã chia sẵn người nấu và người rửa bát. Chủ yếu bạn bè, đồng nghiệp lâu ngày gặp lại vui vẻ là được. Hai bên nhà không có hàng xóm nhưng tôi cũng khá cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của mọi người xung quanh”.

tiec cuoi nam anh 4tiec cuoi nam anh 5Khánh Vy gọi lẩu nấu sẵn bên ngoài về để tiết kiệm thời gian cho công đoạn chuẩn bị.

Tương tự Khánh Vy, Yến Nhi (27 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) chỉ chuẩn bị phần khai vị, còn lại thì đặt sẵn ở nhà hàng giao đến.

Ban đầu, cô và cả nhóm định đi ăn bên ngoài nhưng sát ngày vẫn không lựa được quán ưng ý.

“Chỗ thì ồn quá, không có không gian trò chuyện, nơi thì thực đơn thiếu đa dạng. Còn những nhà hàng quen thuộc luôn trong tình trạng hết bàn cho nhóm đông. Thực sự việc đặt chỗ liên hoan cuối năm vừa ý tất cả cũng hơi khó. Chúng tôi chuyển sang làm tại nhà luôn dù hơi ngán khâu dọn dẹp”, Nhi nói thêm.

Với tiêu chí nhỏ gọn, ấm cúng, bữa tiệc được tổ chức một cách đơn giản nhưng thực đơn vẫn phải mới mẻ.

Chán ngấy những món lẩu truyền thống, nhóm của Nhi quyết định đổi sang ẩm thực châu Âu với điểm nhấn là cold cuts, gồm dĩa thập cẩm các loại thịt nguội ăn kèm phô mai (cheese board).

“Hai món chính là bò hầm rau củ kiểu Pháp và mì Ý carbonara. Dĩ nhiên, ăn đồ Âu thì không thể thiếu một chai rượu vang đỏ. Tôi không rành về đồ uống có cồn nên nhờ một người bạn chọn giúp. Tổng cộng chi phí hết tầm 4 triệu đồng cho 4-5 khách mời”, Nhi chia sẻ.

tiec cuoi nam anh 6

Phần cold cuts khai vị trong bữa tiệc của Yến Nhi.

Ngoài ăn uống, phần được mong chờ nhất là drinking game (trò chơi trên bàn tiệc) và hát karaoke.

Nhằm tránh làm phiền hàng xóm, Nhi cố gắng sắp xếp buổi liên hoan vào cuối tuần và kết thúc trước 22h.

“Sau nhiều năm ra trường, dù lịch trình dày đặc đến mức nào, tôi và hội bạn luôn dành ra một ngày, thường là giữa kỳ nghỉ đầu năm và Tết Nguyên đán, để ôn lại kỷ niệm. Vì vậy, bữa tiệc cuối năm được mọi người rất mong chờ vì hiếm có dịp nào cả nhóm lại tụ tập đông đủ như vậy”, Nhi chia sẻ.

Theo một khảo sát của LendingTree, 30% người Mỹ dự kiến ​​chi khoảng 760 USD cho đồ uống, thức ăn và quà tặng trong các buổi tiệc tại nhà. Nhóm dẫn đầu là Gen Z (40%) và Millennials (35%).

Trong khi đó, theo thống kê của hãng bán lẻ Quiz tại Anh, người dân xứ sương mù đã dành khoảng 2,1 tỷ bảng Anh vào các bữa tiệc mùa lễ hội năm 2022. Trong số đó, người dân London thuộc nhóm chi tiêu nhiều nhất cho các bữa tiệc và sự kiện Giáng sinh.

Họ chi trung bình khoảng 133,6 bảng Anh (gần 4 triệu đồng) cho mỗi sự kiện. Ngoài ra, theo The Guardian, mỗi hộ gia đình phải chi thêm gần 10% cho bữa tối Giáng sinh vì giá cả lạm phát.

Tại Nhật, các bữa tiệc cuối năm được gọi là bōnenkai. Theo một thống kê trực tuyến do Gurunavi thực hiện vào tháng 11/2022, 62,7% số người được hỏi thích tổ chức liên hoan trước khi bước sang năm mới. 50,7% ý kiến ​​cho biết dự định tham gia các buổi gặp gỡ liên quan đến công việc và 67,9% sẽ đến tiệc riêng tư, thân mật tại nhà.

Chi tiêu trung bình của những người tham gia khảo sát với 2 thể loại tiệc trên lần lượt là 4.139 yên và 4.795 yên.

‘Giải oan’ cho Gen Z

Tác giả của cuốn sách “Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age” (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.