Kỹ năng kiểm sát lấy lời khai người làm chứng

Kỹ năng kiểm sát lấy lời khai người làm chứng

12/01/2018 17:09

Lấy lời khai người làm chứng

Theo quy định của BLTTHS năm 2015, Kiểm sát viên (KSV) là một trong các chủ thể có nhiệm vụ, quyền hạn triệu tập và lấy lời khai người làm chứng (1). Nhiệm vụ này chủ yếu do Điều tra viên (ĐTV) thực hiện, KSV chỉ trực tiếp lấy lời khai người làm chứng trong trường hợp cần thiết.

Trình tự, thủ tục lấy lời khai người làm chứng như sau:

Triệu tập người làm chứng: Việc triệu tập để lấy lời khai người làm chứng thực hiện theo quy định tại Điều 185 BLTTHS năm 2015, theo đó: Khi triệu tập người làm chứng đến lấy lời khai, KSV phải gửi giấy triệu tập. Nội dung giấy triệu tập phải ghi rõ họ tên, chỗ ở hoặc nơi làm việc, học tập của người làm chứng; giờ, ngày, tháng, năm và địa điểm có mặt; mục đích và nội dung làm việc, thời gian làm việc; gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan. Việc giao giấy triệu tập được thực hiện như sau: (1) Giấy triệu tập được giao trực tiếp cho người làm chứng hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập. Trong mọi trường hợp, việc giao giấy triệu tập phải được ký nhận. Chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập có trách nhiệm tạo điều kiện cho người làm chứng thực hiện nghĩa vụ; (2) Giấy triệu tập người làm chứng dưới 18 tuổi được giao cho cha, mẹ hoặc người đại diện khác của họ; (3) Việc giao giấy triệu tập người làm chứng theo ủy thác tư pháp của nước ngoài được thực hiện theo quy định tại khoản này và Luật Tương trợ tư pháp.

Ảnh minh họa

Tiến hành lấy lời khai: Kiểm sát viên có thể tiến hành lấy lời khai người làm chứng tại nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi học tập của người đó. Nếu vụ án có nhiều người làm chứng thì phải lấy lời khai riêng từng người và không để cho họ tiếp xúc, trao đổi với nhau trong thời gian lấy lời khai. Trước khi lấy lời khai, KSV phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định tại Điều 66 của BLTTHS năm 2015. Việc này phải ghi vào biên bản, trước khi hỏi về nội dung vụ án, KSV phải hỏi về mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, bị hại và những tình tiết khác về nhân thân của người làm chứng. Tiếp đó, KSV yêu cầu người làm chứng trình bày hoặc tự viết một cách trung thực và tự nguyện những gì họ biết về vụ án, sau đó mới đặt câu hỏi.

Lập biên bản lấy lời khai: Theo quy định tại các điều 187, 178, 133 BLTTHS năm 2015 thì khi lấy lời khai người làm chứng, KSV phải lập biên bản theo mẫu thống nhất. Biên bản ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm lấy lời khai, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung lấy lời khai, KSV lấy lời khai, người làm chứng và những người khác tham gia buổi lấy lời khai (người chứng kiến, Kiểm tra viên ghi biên bản), khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ. Sau khi lập biên bản, KSV phải đọc biên bản cho người làm chứng nghe hoặc để họ tự đọc, giải thích và đảm bảo cho họ thực hiện các quyền thêm, bớt, sửa chữa, tẩy xóa, nhận xét về biên bản. Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa phải được xác nhận bằng chữ ký của họ. Trường hợp không chấp nhận những ý kiến của họ thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản lấy lời khai người làm chứng phải có chữ ký của KSV, người làm chứng, người khác (nếu có).

Trường hợp người làm chứng không ký vào biên bản thì KSV ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào biên bản; trường hợp người làm chứng không biết chữ thì KSV đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến. Biên bản phải có điểm chỉ của người làm chứng và chữ ký của người chứng kiến; trường hợp người làm chứng có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký vào biên bản thì KSV đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến và những người khác. Biên bản phải có chữ ký của người chứng kiến.

Việc lấy lời khai của người làm chứng có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc ghi âm, ghi hình lấy lời khai cũng phải thể hiện đầy đủ các nội dung: Ngày, giờ, tháng, năm thực hiện; họ tên những người tham gia, các câu hỏi và câu trả lời; xác nhận bằng giọng của người làm chứng đối với các điểm sửa chữa, thêm, bớt; cam đoan của người làm chứng về lời khai của mình…

Lấy lời khai người làm chứng dưới 18 tuổi

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 không quy định riêng về thủ tục tố tụng đối với người làm chứng là người chưa thành niên, mà chỉ quy định thủ tục tố tụng đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Vậy nên, người chưa thành niên khi tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng thì họ chỉ có quyền, nghĩa vụ như đối với người đã thành niên là chưa phù hợp với tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người chưa thành niên và chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế, nhất là với Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Khắc phục hạn chế của BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 (tại Chương 28, Phần thứ 7) đã quy định thủ tục tố tụng đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi, trong đó có người làm chứng. Theo đó, khi tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng, người dưới 18 được áp dụng thủ tục tố tụng đặc biệt nhằm bảo đảm các lợi ích tốt nhất của họ. Đồng thời họ còn được áp dụng những quy định khác của BLTTHS năm 2015 không trái với quy định tại Chương 28 Bộ luật này.

Đối với việc lấy lời khai người làm chứng dưới 18 tuổi, KSV phải thực hiện đúng quy định tại Điều 421 BLTTHS năm 2015, tức là: Phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai cho người đại diện của người làm chứng; việc lấy lời khai người làm chứng phải có đại diện của họ tham dự; thời gian lấy lời khai người làm chứng dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp. Đây là quy định mới của BLTTHS năm 2015 nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi. Ngoài việc thực hiện đúng quy định tại Điều 421 BLTTHS năm 2015, việc lấy lời khai người làm chứng dưới 18 tuổi còn được áp dụng quy định tại các điều 127, 185, 186 và 187 BLTTHS năm 2015.

Kiểm sát lấy lời khai người làm chứng

Khi kiểm sát việc lấy lời khai người làm chứng, KSV yêu cầu Điều tra viên (ĐTV) thực hiện đúng quy định tại các điều 127, 185, 186 và 187; đối với người làm chứng dưới 18 tuổi, KSV còn phải yêu cầu ĐTV thực hiện nghiêm túc quy định tại các điều 413, 414, 420 và 421 BLTTHS năm 2015.

Kỹ năng của Kiểm sát viên khi lấy lời khai người làm chứng

Khi lấy lời khai người làm chứng, Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ các điều 66, 185, 187, 178, 133 của BLTTHS năm 2015 để lấy lời khai người làm chứng.

Chuẩn bị lấy lời khai

Thứ nhất, nghiên cứu hồ sơ vụ án

Nghiên cứu hồ sơ vụ án nhằm xác định chính xác phạm vi những tài liệu, chứng cứ mà người làm chứng có thể cung cấp, những vấn đề cần phải bổ sung, phát hiện mâu thuẫn cần giải quyết và thiếu sót phải khắc phục. Nghiên cứu khách quan, thận trọng toàn bộ các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được như: Lời khai người làm chứng, bị can, bị hại; tài liệu về nhân thân của người làm chứng…

Thứ hai, lập kế hoạch lấy lời khai

Khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án rồi, KSV cần phải lập kế hoạch lấy lời khai. Có kế hoạch, KSV mới có sự chủ động, nắm chắc được những nội dung cần phải làm, nội dung gì làm trước, nội dung gì làm sau.

Kế hoạch lấy lời khai cần cụ thể, rõ ràng, chính xác và đầy đủ những nội dung chủ yếu sau: Căn cứ vào những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án, phạm vi những chứng cứ, tài liệu người làm chứng có thể cung cấp (các tình tiết liên quan đến hành vi phạm tội; đặc điểm nhân thân của người phạm tội, bị hại; đặc điểm nguồn gốc của công cụ, phương tiện phạm tội), lời khai của những người tham gia tố tụng khác, KSV chuẩn bị đầy đủ các nội dung cần làm rõ, cần giải quyết khi lấy lời khai người làm chứng; các tài liệu, chứng cứ sử dụng để đấu tranh với người làm chứng khi họ khai báo gian dối, từ chối khai báo hoặc dùng để đối chiếu, kiểm tra lời khai báo của họ. Không phải tài liệu, chứng cứ nào cũng đều sử dụng được, nên KSV cần lựa chọn cẩn thận các chứng cứ mà khi cần sử dụng sẽ đem lại hiệu quả nhất; dự kiến về chiến thuật lấy lời khai của người làm chứng trong các tình huống người làm chứng thành thật khai báo, người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo; với các vấn đề cần lấy lời khai, KSV dự kiến các câu hỏi cần đưa ra để người làm chứng trả lời, các câu hỏi giúp người làm chứng viết bản tự khai đúng trọng tâm. Câu hỏi đưa ra phải rõ ràng, ngắn gọn, nhưng phải có đầu, có đuôi. Vì trình độ văn hóa, sự hiểu biết của mỗi người làm chứng khác nhau, nên KSV phải dùng từ dễ hiểu, phù hợp với hiểu biết của mỗi người. Kiểm sát viên cũng phải suy đoán trước các câu trả lời của người làm chứng và chuẩn bị kỹ các phương án xử lý, đồng thời lưu ý đến độ tuổi, thái độ, tâm lý, hoàn cảnh của người làm chứng mà lựa chọn nơi tiến hành lấy lời khai cho phù hợp. Người làm chứng dưới 18 tuổi thì nên lấy lời khai tại địa điểm thân thiện, quen thuộc để không tạo áp lực cho họ. Không nên lấy lời khai khi người làm chứng thiếu tỉnh táo, xúc động mạnh hoặc có các biểu hiện tâm lý tiêu cực; các phương tiện kỹ thuật cần sử dụng trong quá trình lấy lời khai như: Máy ghi âm, ghi hình, máy chụp ảnh, biển bản ghi lời khai…

Thứ ba, Kiểm sát viên chuẩn bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật phục vụ hoạt động lấy lời khai để hoạt động lấy lời khai không bị gián đoạn, ảnh hưởng đến việc trình bày của người làm chứng.

Thứ tư, Kiểm sát viên cần lựa chọn hình thức triệu tập người làm chứng hợp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập tiếp xúc tâm lý giữa KSV và người làm chứng. Nếu người làm chứng không có mặt theo giấy triệu tập mà không có lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì KSV ra quyết định dẫn giải người làm chứng. Nội dung quyết định dẫn giải, cơ quan có trách nhiệm thi hành quyết định cũng như các trường hợp không được dẫn giải người làm chứng được quy định tại Điều 127 BLTTHS năm 2015 (2).

Tiến hành lấy lời khai

Kiểm sát viên chủ động thiết lập sự tiếp xúc tâm lý: Trước khi bắt đầu lấy lời khai, KSV giới thiệu họ tên, chức danh, nhiệm vụ của mình và dành thời gian hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh gia đình, công việc của người làm chứng, mục đích nhằm xóa tan các trạng thái tâm lý tiêu cực của người làm chứng, làm cho họ thấy được sự tôn trọng, quan tâm. Thái độ của KSV phải khiêm tốn, trang phục đúng quy định của ngành.

Tiến hành kiểm tra thông tin cá nhân của người làm chứng trong trường hợp KSV chưa biết rõ về họ.

Giải thích quyền và nghĩa vụ của người làm chứng: Việc này cần được thực hiện trong từng lần lấy lời khai người làm chứng, để họ nắm vững đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình. Kiểm sát viên phải giải thích, bảo đảm cho người làm chứng thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ.  

Sau khi thiết lập sự tiếp xúc tâm lý giữa KSV và người làm chứng, KSV yêu cầu người làm chứng trình bày hoặc tự viết về những tình tiết mà họ biết về vụ án. Việc này rất cần thiết nhằm kiểm tra thái độ khai báo của người làm chứng để vận dụng chiến thuật lấy lời khai phù hợp, cũng như khai thác mọi hiểu biết của họ về các tình tiết của vụ án. Quá trình trình bày hoặc viết bản tự khai, nếu người làm chứng lúng túng, không rõ phải viết hay trình bày thế nào, bắt đầu từ đâu, thì KSV phải hướng dẫn cho người làm chứng cách khai báo theo trình tự thời gian xảy ra sự việc hoặc phải bắt đầu từ sự việc gì.

Trong khi người làm chứng trình bày, KSV phải chú ý lắng nghe, nên có những cử chỉ, lời nói thể hiện sự quan tâm đến lời nói của họ; không nên cắt ngang khi họ đang trình bày, trừ khi họ nói về những tình tiết không liên quan gì đến vụ án. Còn khi họ tự viết về những tình tiết vụ án, KSV phải tập trung quan sát, để ý thái độ, biểu hiện của người làm chứng để có thêm thông tin đánh giá thái độ khai báo của họ.

Để người làm chứng tự trình bày hoặc tự viết lời khai là cần thiết, nhưng chưa đầy đủ, KSV còn phải đặt ra các câu hỏi để kiểm tra lời khai của người làm chứng, để bổ sung lời khai hoặc để làm chính xác lời khai báo của họ. Câu hỏi KSV đưa ra cho người làm chứng trả lời phải rõ ràng, ngắn gọn, phải có đầu, có đuôi và phù hợp với trình độ hiểu biết của họ. Tuyệt đối không được đưa ra những câu hỏi mang tính chỉ dẫn, gợi ý người làm chứng khai báo theo ý muốn chủ quan của KSV.

Lấy lời khai trong các tình huống phổ biến: Trong quá trình lấy lời khai người làm chứng, KSV thường hay gặp phải tình huống người làm chứng từ chối khai báo hoặc khai báo gian dối. Mỗi tình huống đều có nguyên nhân của nó, nên trước hết phải tìm ra nguyên nhân, rồi vận dụng chiến thuật phù hợp để giải quyết cho đúng.

Trường hợp người làm chứng từ chối khai báo: Nguyên nhân người làm chứng từ chối khai báo có thể là: Sợ bị trả thù, sợ ảnh hưởng đến bị can do có mối quan hệ gia đình, bạn bè. Trong tình huống này, KSV cần khơi dậy ở người làm chứng những phẩm chất tốt đẹp, lấy truyền thống tốt đẹp của gia đình để thuyết phục họ khai báo thành thật (người làm chứng trước đây lập được nhiều thành tích xuất sắc, gia đình người làm chứng có công với cách mạng, đất nước); đem pháp luật, lẽ phải làm cho họ biết trách nhiệm của mình; sử dụng chứng cứ đã thu thập được để đấu tranh với thái độ ngoan cố của họ…

Người làm chứng khai báo gian dối: Nguyên nhân người làm chứng khai báo gian dối có thể là: Do quan hệ gia đình, bạn bè; do bị đe dọa, sợ bị trả thù… Kiểm sát viên cần kiên trì giải thích cho người làm chứng hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội và hậu quả của việc khai báo gian dối; sử dụng các chứng cứ, tài liệu để đấu tranh (các tình tiết mà người làm chứng tin rằng chỉ họ mới biết, nên việc KSV biết được tình tiết đó, tức là đã biết về sự thật của vụ án); vạch trần mâu thuẫn trong lời khai của họ; nếu phát hiện việc họ khai gian dối là do bị đe dọa, KSV cần thực hiện các biện pháp bảo vệ họ, làm cho họ cảm thấy an toàn. 

Kết thúc lấy lời khai

Mỗi lần lấy lời khai người làm chứng, Kiểm sát viên đều phải lập biên bản. Biên bản ghi lời khai của người làm chứng phải theo đúng quy định tại các điều 187, 178, 133 BLTTHS năm 2015, KSV phải chuyển biên bản lấy lời khai người làm chứng cho ĐTV để đưa vào hồ sơ vụ án.

Kiểm sát viên phải kiểm tra hình thức, nội dung của biên bản lấy lời khai để kịp thời sửa chữa các thiếu sót. Cần trích cứu lại lời khai của người làm chứng sau mỗi lần lấy lời khai để so sánh, đánh giá giữa các bản khai của người làm chứng, cũng như giữa lời khai của người làm chứng và các chứng cứ khác của vụ án được thuận lợi.

Kỹ năng kiểm sát lấy lời khai người làm chứng

Kiểm sát viên kiểm sát việc triệu tập và lấy lời khai người làm chứng chủ yếu bằng việc xem xét các chứng cứ, tài liệu (giấy triệu tập, các biên bản ghi lời khai người làm chứng) do Cơ quan điều tra chuyển đến: Kiểm sát viên nghiên cứu nội dung, hình thức, ngày người làm chứng nhận được giấy triệu tập và các văn bản liên quan. Sau mỗi lần lấy lời khai của Điều tra viên kết thúc, KSV cần yêu cầu Điều tra viên chuyển bản photo các biên bản ghi lời khai người làm chứng để tiến hành kiểm sát. Nội dung kiểm sát các biên bản ghi lời khai người làm chứng bao gồm:

– Kiểm sát cẩn thận về hình thức của biên bản thẩm quyền lấy lời khai, sự có mặt của những người liên quan, ngày giờ tiến hành); kiểm sát việc tiến hành các thủ tục trước khi lấy lời khai (kiểm tra lý lịch của người làm chứng, xem xét tình trạng sức khỏe, giải thích quyền, nghĩa vụ của người làm chứng quy định tại Điều 66 BLTTHS năm 2015); việc ký xác nhận của người làm chứng về những điểm sửa chữa, thêm, bớt…

– Kiểm sát về nội dung biên bản: Nghiên cứu nội dung lời khai của người làm chứng, đối chiếu, so sánh với các lời khai trước đó và với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, để phát hiện những vấn đề ĐTV chưa làm rõ, những mâu thuẫn cần giải quyết và cả các vấn đề cần bổ sung, từ đó ghi chép lại để trao đổi hoặc yêu cầu ĐTV có biện pháp bổ sung, khắc phục, sửa chữa.

 

(1) Các chủ thể có nhiệm vụ, quyền hạn triệu tập và lấy lời khai người làm chứng: Điều tra viên (điểm d khoản 1 Điều 37 BLTTHS năm 2015); Cấp trưởng, cấp phó của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Cấp trưởng, cấp phó của các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Kiểm sát viên (điểm g khoản 1 Điều 42 BLTTHS năm 2015).

(2) Điều 127. Áp giải, dẫn giải

1…

2. Dẫn giải có thể áp dụng đối với:

a) Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;…

3. Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định áp giải, dẫn giải.

4. Quyết định áp giải, quyết định dẫn giải phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị áp giải, dẫn giải; thời gian, địa điểm người bị áp giải, dẫn giải phải có mặt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

5. Người thi hành quyết định áp giải, dẫn giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc áp giải, dẫn giải theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

Cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định áp giải, dẫn giải.

6. Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.

(Trích bài: “Những vấn đề cần lưu ý khi lấy lời khai và kiểm sát lấy lời khai người làm chứng” của tác giả Nguyễn Cao Cường, VKSND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, TCKS số 16/2017)