LỄ CƯỚI XƯA VÀ NAY CỦA ĐỒNG BÀO NGƯỜI HOA TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – Văn hóa

Hôn lễ là một bước chuyển tiếp quan trọng trong đời người, nên từ thời xa xưa đã được đồng bào người Hoa đặc biệt quan tâm và thực hiện theo các nghi lễ cổ truyền được định sẵn.

Hôn lễ xưa của đồng bào người Hoa chủ yếu gồm 6 nghi lễ chính (được gọi là “lục lễ”) , chủ yếu gồm:

Nạp Thái

Đại diện nhà trai nhờ người làm nghề mai mối đến nhà gái để bàn việc kết hôn; nếu nhà gái đồng ý thì nhà trai sẽ chuẩn bị lễ vật để chính thức cầu hôn.

 

Vấn danh

Còn gọi là lễ xin ngày, tháng, năm sinh (bát tự) của cô dâu, nhà trai sẽ nhờ người làm mai đến nhà gái để xin họ tên, ngày, tháng, năm sinh của cô dâu để chuẩn bị các nghi thức tiếp theo.

 

Nạp cát

Họ tên và ngày, tháng, năm sinh của cô dâu, chú rể được đặt trước bàn thờ tổ tiên của nhà trai để báo với tổ tiên việc kết hôn này, nếu nhà trai thông qua các nghi thức truyền thống thấy rằng việc kết hôn này là tốt thì sẽ sắm sửa lễ vật và thông báo cho nhà gái. Đến đây, hôn lễ đã hoàn tất bước đầu tiên.

 

Nạp trưng

Đây là nghi thức nhà trai chính thức đưa các lễ vật dùng trong hôn lễ tuyền thống sang nhà gái. Sau khi chọn được ngày lành tháng tốt, nhà trai sẽ sắm sửa lễ vật phong phú như trà, bánh trái, hoa quả, sính lễ, …. Và rầm rộ gánh hết tất cả qua nhà gái. Đây là một trong các hoạt động náo nhiệt nhất trong hôn lễ.

 

Thỉnh kỳ

Đây là nghi thức chọn ngày lành tháng tốt cho lễ thân nghinh (rước dâu), sau khi chọn được ngày lành tháng tốt, nhà trai sẽ chính thức thông báo ngày giờ cho nhà gái.

 

Thân nghinh

Đây là phần nghi thức náo nhiệt và cao trào nhất trong một hôn lễ truyền thống, “Thân Nghinh” có nghĩa là chú rể sẽ đích thân đến nhà gái để rước cô dâu về nhà mình.

 

Hôn lễ thời nay của đồng bào người Hoa:

Theo thời gian phát triển của xã hội, “lục lễ” truyền thống trong hôn lễ của đồng bào người Hoa ngày nay đã được tinh gọn lại còn 02 nghi lễ chính gồm:

Nạp Trưng:

Nhà trai cử người đại diện cùng chú rể tương lai đem lễ vật qua nhà gái, lễ vật gồm: bánh cưới, trái cây, … và cả sính lễ.

Đại diện nhà trai trao sính lễ cho đại diện nhà gái

 

Cô dâu, chú rể tương lai chụp hình lưu niệm bên các lễ vật trong lễ nạp trưng truyền thống. (Đây là lễ nạp trưng của đồng bào người Hoa nhóm ngôn ngữ Quảng Đông nên trong phần lễ vật có rất nhiều loại bánh cưới phong phú đặc sắc)

 

Cô dâu, chú rể tương lai đang tiến hành nghi thức dâng trầu cau cho tổ tiên trong lễ nạp trưng. Trầu cau cũng là một trong những lễ vật quan trọng trong hôn lễ của đồng bào người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Thân Nghinh:

Ngày cử hành hôn lễ chính thức, chú rể cùng đoàn rước dâu sẽ qua nhà cô dâu để cử hành các nghi lễ đưa cô dâu mới về nhà chồng.

Chú rể đang làm “thủ tục” xin mở cửa đón cô dâu. Theo tập quán của đồng bào người Hoa nhóm ngôn ngữ Quảng Đông, bạn bè của cô dâu sẽ hẹn nhau chặn cửa nhà cô dâu lại trong ngày đón dâu để “gây khó dễ” cho chú rể; và chú rể phải “năn nỉ” và lì xì cho các cô bạn này để họ mở cửa cho mình vào nhà rước cô dâu.

 

“Bà mai” cầm dù che cô dâu vào thời điểm chú rể đưa cô dâu ra khỏi nhà

 

Khi về đến nhà chú rể, nhà trai sẽ cử 1 đại diện trong nhà cầm trà ra mở cửa xe để đón cô dâu, theo tập quán, sau khi xuống xe uống trà, cô dâu sẽ lì xì để cám ơn

 

Sau khi về đến nhà chồng, cô dâu, chú rể sẽ cùng thực hiện các nghi thức truyền thống như bái lạy trời đất, tổ tiên, dâng trà cho song thân chú rể, …

 

Cô dâu và chú rể dâng trà trước bàn thờ tổ tiên

 

Và sau cùng, lễ cưới thường sẽ khép lại vào buổi tối tại nhà hàng sau khi hai họ tổ chức tiệc thết đãi bà con, thân thích, bạn bè.

Trần Chí Minh (Bài / Ảnh)