Lời đáp cho câu hỏi “Tôi là ai”? –
“Một nghịch lý lạ lùng là, khi tôi chấp nhận bản thân như mình vốn dĩ là, khi đó tôi có thể thay đổi nó” – Carl Rogers.
Khái niệm bản thân là hình ảnh mà chúng ta có về chính mình. Chính xác thì hình ảnh bản thân này hình thành và thay đổi như thế nào theo thời gian? Hình ảnh này phát triển theo một số cách nhưng đặc biệt bị ảnh hưởng bởi sự tương tác của chúng ta với những người quan trọng trong cuộc sống.
I.Khái niệm về bản thân là gì?
“Self – Concept” là hệ thống những niềm tin, suy nghĩ kiên định của chúng ta về chính bản thân mình và cả những giá trị cao nhất mà chúng ta muốn có (Rogers, 1959).
Khái niệm bản thân là cách bạn nhận thức hành vi, khả năng và các đặc điểm độc đáo của mình. Ví dụ, những niềm tin như “Tôi là một người bạn tốt” hoặc “Tôi là một người tử tế” là một phần của khái niệm tổng thể về bản thân.
Khái niệm bản thân có xu hướng dễ uốn nắn hơn khi bạn còn trẻ và vẫn đang trải qua quá trình khám phá bản thân và hình thành bản sắc. Khi bạn già đi và biết mình là ai và điều gì quan trọng đối với bạn, những nhận thức về bản thân này trở nên chi tiết và có tổ chức hơn nhiều.
Về cơ bản, khái niệm về bản thân là một tập hợp những niềm tin mà người ta có về bản thân và phản ứng của người khác. Nó là hiện thân của câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”
II. Ba thành tố của khái niệm về bản thân của Rogers
Nhà tâm lý học nhân văn Carl Rogers tin rằng khái niệm về bản thân của bạn được tạo thành từ ba phần khác nhau:
- Bản thân lý tưởng: Con người bạn muốn trở thành.
- Hình ảnh bản thân: Cách bạn nhìn nhận bản thân, bao gồm các thuộc tính như đặc điểm ngoại hình, đặc điểm tính cách và vai trò xã hội của bạn.
- Lòng tự trọng: Mức độ bạn thích, chấp nhận hoặc đánh giá cao bản thân, điều này có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố bao gồm cách người khác nhìn bạn, cách bạn nghĩ bạn so với người khác và vai trò của bạn trong xã hội.
III. Tính hợp nhất (Congruence) và Tính thiếu hợp nhất (Incongruence)
Như đã đề cập trước đó, khái niệm về bản thân của bạn không phải lúc nào cũng hoàn toàn phù hợp với thực tế. Khi nó được căn chỉnh, khái niệm bản thân của bạn được cho là “hợp nhất”.
Nhưng khi có sự không hợp nhất giữa cách bạn nhìn nhận bản thân (hình ảnh bản thân) và con người bạn mong muốn (bản thân lý tưởng của bạn), thì khái niệm về bản thân của bạn là “thiếu hợp nhất”. Sự bất hợp lý này có thể tác động tiêu cực đến lòng tự trọng của bạn.
Rogers tin rằng tính thiếu hợp nhất có thể khởi nguồn từ thời thơ ấu. Khi cha mẹ đặt điều kiện về tình cảm đối với con cái (chỉ thể hiện tình yêu thương nếu trẻ đạt được thứ cha mẹ mong thông qua một số hành vi nhất định và sống theo kỳ vọng của cha mẹ), trẻ bắt đầu bóp méo ký ức về những trải nghiệm khiến chúng cảm thấy không xứng đáng với tình yêu của cha mẹ.
Mặt khác, tình yêu thương vô điều kiện giúp thúc đẩy sự hợp nhất. Những đứa trẻ trải qua tình yêu như vậy cảm thấy không cần phải liên tục bóp méo ký ức của mình để tin rằng người khác sẽ yêu và chấp nhận chúng như chúng vốn là.
IV. Các lý thuyết về khái niệm bản thân khác
Cũng như nhiều chủ đề trong tâm lý học, một số nhà lý thuyết khác đã đề xuất những cách suy nghĩ khác nhau về khái niệm bản thân.
Theo lý thuyết bản sắc xã hội của nhà tâm lý học xã hội Henri Tajfel, khái niệm bản thân bao gồm hai phần chính:
- Bản sắc cá nhân: Những nét tính cách vả đặc điểm đặc trưng khác khiến bạn trở nên độc đáo.
- Bản sắc xã hội: Bạn là ai dựa trên tư cách thành viên của bạn trong các nhóm xã hội, chẳng hạn như các đội thể thao, tôn giáo, đảng phái chính trị hoặc tầng lớp xã hội.
Mặt khác, nhà tâm lý học Bruce A. Bracken tin rằng khái niệm về bản thân là đa chiều và có thể được chia thành sáu đặc điểm độc lập:
- Học thuật: Thành công hay thất bại của bạn ở trường học.
- Ảnh hưởng: Nhận thức của bạn về các trạng thái cảm xúc.
- Năng lực: Khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của bạn.
- Gia đình: Bạn làm việc tốt như thế nào trong gia đình của mình.
- Thể chất: Bạn cảm thấy thế nào về ngoại hình, sức khỏe, tình trạng thể chất và tổng thể của mình
- Xã hội: Khả năng của bạn để tương tác với những người khác
Năm 1992, Bracken đã phát triển Thang đo khái niệm về bản thân đa chiều, một bản đánh giá toàn diện đánh giá từng yếu tố trong số sáu yếu tố này của khái niệm về bản thân ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Tham khảo:
Bailey JA 2nd. Self-image, self-concept, and self-identity revisited. J Natl Med Assoc. 2003;95(5):383-386.
Argyle M. Social encounters: Contributions to social interaction. 1st ed. Routledge; 2008.
Rogers CR. Psychology: A study of a science. Vol. III. Formulations of the person and the social context. In: Koch S, ed. A Theory of Therapy, Personality, and Interpersonal Relationships: As Developed in the Client-Centered Framework. McGraw-Hill; 1959:184-256.
Tajfel H, Turner J. An integrative theory of intergroup conflict. In: Hogg MA, Abrams D, eds. Key Readings in Social Psychology. Intergroup Relations: Essential Readings. Psychology Press; 2001:94-109.
Bracken BA. Examiner’s manual: Multidimensional self concept scale. Pro-Ed; 1992.
————–
Trình bày: Quỳnh Nhi
Tham khảo: https://www.verywellmind.com/what-is-self-concept-2795865…
————–
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Viện Tâm Lý Học & Truyền Thông”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.