Mẹo Đặt Câu Hỏi Cho Nhà Tuyển Dụng

Vào cuối mỗi buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ thường đưa ra cho ứng viên câu hỏi: “Bạn có câu hỏi gì không?”. Đây là lúc mà bạn có thể tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng bằng những câu hỏi liên quan đến vị trí công việc, về công ty,…Cùng THALIC VOICE tìm hiểu những mẹo đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng một cách khéo léo cùng gợi ý những câu hỏi hay dành cho bạn.

1. Tại sao cần phải đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng.

Trong các buổi phỏng vấn có rất nhiều cách giúp bạn gây ấn tượng và ghi điểm trong mắt người tuyển dụng như: Chuẩn bị một mẫu CV đẹp, chỉn chu; lựa chọn trang phục phù hợp có điểm nhấn hay kỹ năng chuyên môn vững vàng đáp ứng mọi yêu cầu đặt ra,….Tuy nhiên, lại khá ít người ghi điểm được qua phần đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng ở cuối buổi phỏng vấn xin việc.

Bạn biết không, chính cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng sẽ vừa bộc lộ được thái độ của bạn với công việc lại vừa tinh tế thể hiện lối ứng xử khéo léo. Từ đó, nhà tuyển dụng sẽ trực tiếp đánh giá độ nổi bật của ứng viên. Vậy nên hãy tận dụng thật tốt cơ hội này. Đừng nói quá ít hay bỏ qua, cũng đừng đặt bừa những câu hỏi không mang lại giá trị cho đôi bên bạn nhé. Việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng lại có vai trò quan trọng như vậy là vì:

Thể hiện được sự quan tâm của bạn đến công việc này

Hãy thể hiện những mong muốn thực tế của bạn đối với công việc này bằng những câu hỏi liên quan đến vị trí mà bạn ứng tuyển, những đãi ngộ của công ty, lộ trình thăng tiến,… Mức độ quan tâm của ứng viên dành cho vị trí ứng tuyển chính là thước đo quan trọng giúp nhà tuyển dụng xem xét bạn có thật sự muốn làm công việc này không?

Thường sẽ có rất nhiều ứng viên để các nhà tuyển dụng chọn lựa cho một vị trí công việc, vậy nên họ sẽ chú ý nhiều hơn tới những ứng viên đã có chuyên môn lại thật sự quan tâm đến công việc này cũng như công ty của họ.

Đánh giá khả năng tư duy của bạn 

Hầu hết các nhà tuyển dụng thường coi toàn bộ quá trình ứng tuyển và phỏng vấn là một giai đoạn hoạt động tập sự. Từ đó tiến hành quan sát và đánh giá bạn. Cùng lúc đó, bạn cũng có thể quan sát cách mà nhà tuyển dụng thực hiện công việc. Hơn thế nữa, cách mà đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng sẽ tiết lộ được quy trình suy nghĩ của một người, cách mà họ tư duy về một vấn đề và khả năng tư duy độc lập của họ.

Tại sao cần phải đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Vậy nên, việc đặt ra những câu hỏi hay và đáng giá khiến nhà tuyển dụng phải dành nhiều thời gian hơn để thảo luận cũng là cách giúp bạn thể hiện mình là người thông minh và có tư duy sâu sắc.

2. Một số lưu ý trước khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng 

Trước khi tham gia buổi phỏng vấn , bạn cần lưu ý những điều dưới đây để được đánh giá cao hơn.

2.1 Giữ thái độ lịch sự, chân thành 

Khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, điều đầu tiên mà họ có thể đánh giá được là bạn có thực sự muốn tìm hiểu và làm tại vị trí công việc này hay không thông qua thái độ của bạn. Thế nên bạn cần lưu ý đến thái độ của mình khi đặt câu hỏi. Hãy làm cho nhà tuyển dụng thấy được sự chân thành cũng như mong muốn được tuyển dụng của bạn.

Bên cạnh đó, việc chú ý đến thái độ trong khi đặt câu hỏi cũng sẽ cho nhà tuyển dụng có cái nhìn thiện cảm về bạn. Từ đó bạn có thể thoải mái, tự tin hơn trong khi phỏng vấn. Để làm được điều này bạn nên tập luyện trước việc đặt câu hỏi tại nhà, chuẩn bị sẵn những điều mà bạn muốn hỏi để có thể dễ dàng điều chỉnh thái độ nói cho phù hợp và thể hiện tốt trước nhà tuyển dụng.

2.2 Sử dụng các từ ngữ phù hợp, nhã nhặn

Có nhiều ứng viên khi đến phần đặt câu hỏi sẽ bị run dẫn tới việc nói năng thiếu lưu loát, câu chữ trở nên lủng củng và không có sự liên kết. Vậy nên lúc này bạn cần chú ý đến việc dùng các từ ngữ sao cho phù hợp, nhã nhặn và cố gắng giữ bình tĩnh để tránh mắc lỗi trong quá trình đặt câu hỏi với nhà tuyển dụng.

Ngoài ra việc lựa chọn từ ngữ đúng mực sẽ giúp bạn nhận được cái nhìn thiện cảm từ nhà tuyển dụng. Khi ấy họ sẽ có thể thoải mái hơn trong việc trả lời các câu hỏi, thậm chí là chia sẻ nhiều hơn về những điều có liên quan đến câu hỏi của bạn. Vậy nên, việc sử dụng từ ngữ trong các câu hỏi khá quan trọng, giúp bạn ghi điểm mạnh mẽ trong mắt nhà tuyển dụng về sự tinh tế cũng như tác phong chuyên nghiệp.

Nên sử dụng từ ngữ nhã nhặn khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Xem thêm: 4 tips giúp bạn tự tin khi trả lời phỏng vấn xin việc

2.3 Đặt ra các câu hỏi thông minh 

Nhà tuyển dụng có thể dễ dàng đánh giá được sự thông minh và nhạy bén của bạn thông qua cách mà bạn đặt câu hỏi. Vậy nên, bạn hãy đưa các câu hỏi thường phải có câu trả lời chi tiết hay cần phải mô tả rõ ràng hơn về vấn đề mà bạn định hỏi. Điều này cũng sẽ giúp gợi mở câu chuyện cũng như tạo cơ hội cho nhà tuyển dụng có thể chia sẻ với bạn nhiều hơn về công việc.

Nên tránh các câu hỏi dạng trả lời “có” hoặc “không” bởi sẽ khiến cuộc hội thoại nhanh chóng kết thúc và nhà tuyển dụng sẽ không thể đánh giá được : liệu rằng bạn có thật sự quan tâm đến công việc này. Do đó mà việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng không chỉ giúp bạn biết thêm thông tin mà còn cho họ thấy được mức độ coi trọng của bạn với vị trí công việc ứng tuyển.

Thay vì hỏi câu: “Công ty mình có phải làm vào cuối tuần không ạ?” Bạn có thể đặt ra câu hỏi như sao: “Anh/ Chị có thể chia sẻ cho tôi  thêm về thời gian làm việc của công ty? Thời gian thử việc trong bao lâu?” 

2.4 Tập trung vào mục đích của câu hỏi.

Đừng nghĩ việc đặt câu hỏi là dễ dàng, bởi nếu không được chuẩn bị kỹ càng cũng như không chú ý thì rất có thể bạn sẽ bị lạc hướng hay đưa ra những câu hỏi lan man, không đúng trọng tâm. Điều này sẽ càng khiến bạn trở nên lo lắng và mất bình tĩnh hơn. Nhà tuyển dụng cũng chẳng thấy được sự nổi bật ở bạn. Ngoài ra việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng không đúng mục tiêu sẽ làm mất thời gian cho cả bạn và nhà tuyển dụng.

Vậy nên, hãy tính toán và đưa ra các câu hỏi đúng mục đích để nhận lại những câu trả lời mong muốn. Ngoài ra, việc này còn cho nhà tuyển dụng thấy được sự tập trung của bạn tới công việc và đánh giá xem bạn có tố chất phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không.

Câu hỏi chưa đúng trọng tâm: “Em đang là sinh viên, vấn đề lương em cũng không quá quan trọng, coi trọng kinh nghiệm là chính. Nhưng em vẫn muốn có lương tháng ổn định. Vậy mức lương phía công ty mình trả cho vị trí này là như thế nào ạ?”

Câu hỏi trọng tâm: “Mức lương chính thức em sẽ được nhận khi đảm nhiệm vị trí này tại công ty là bao nhiêu ạ? Nếu có thử việc thì sẽ được trả bao nhiêu % so với lương chính thức?”

2.5 Nên đặt các câu hỏi xoay quanh công ty và công việc mà bạn muốn ứng tuyển

Việc bạn đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng xoay quanh công ty, công việc sẽ giúp bạn hiểu thêm về văn hóa doanh nghiệp, những quy định, quy trình cũng như các kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Ngoài ra, khi tập trung hỏi về công việc sẽ cho nhà tuyển dụng thấy được rằng bạn đang thật sự mong muốn tìm hiểu về vị trí ứng tuyển này.

Bạn có thể đưa ra những câu hỏi về công ty như: “Bạn có thể cung cấp cho tôi thêm các thông tin về cơ cấu tổ chức cũng như những giá trị cốt lõi, sứ mệnh, tầm nhìn của công ty mình không?”, “Thời gian làm việc của công ty như thế nào?”, “Bạn có thể chia sẻ một chút về mục tiêu phát triển của công ty trong 5 đến 10 năm tới được không?”,…

Hay các câu hỏi về công việc như, “Nhiệm vụ chính của công việc này là gì? Để hoàn thành tốt được công việc này thì cần những kỹ năng hay nghiệp vụ chuyên môn.”, “Việc đánh giá hiệu suất làm việc sẽ dựa vào các yếu tố nào?”,…

Nên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng xoay quanh công việc

2.6 Cảm ơn sau khi nhận được câu trả lời

Sau khi đã đặt câu hỏi đến các nhà tuyển dụng thì bạn cần tập trung và chú ý lắng nghe để hiểu được những điều mà họ chia sẻ. Bất kể đó là những thông tin mà bạn đã biết đến trước đó, thì bạn vẫn nên tập trung lắng nghe và có thể đặt thêm các câu hỏi liên quan. Cuối cùng, hãy kết thúc buổi phỏng vấn bằng một thái độ lịch sự với lời cảm ơn và nụ cười chuyên nghiệp. 

3. Những câu cần tránh khi muốn đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Nội dung có trong bản mô tả công việc: Thông thường trước khi ứng tuyển vào một vị trí nào đó, bạn sẽ được cung cấp các thông tin mô tả công việc. Vậy nên dùng bí thế nào cũng đừng hỏi những câu nội dung có sẵn trong đó. Bởi nhà tuyển dụng sẽ đánh giá là bạn chưa thật sự tìm hiểu vị trí này cũng như thiếu chuyên nghiệp trong công việc.

Bạn nên hỏi những câu ngoài bản mô tả và xung quanh công việc mà bạn đảm nhận như: “Báo cáo công việc sẽ được thực hiện theo tháng hay theo quý? Tôi sẽ trực tiếp báo cáo công việc với ai?”, “Việc đánh giá hiệu suất làm việc sẽ dựa vào các yếu tố nào?”,  “Mục tiêu tôi cần đạt được trong vòng 6 tháng đến 1 năm tới nếu tôi được trúng tuyển công việc này là gì?”,…

Các câu hỏi “có” hay “không”: Hầu hết các câu hỏi này đều có thể trả lời dễ dàng bằng việc tìm kiếm trang web của công ty trên mạng internet. Thay vào đó, hãy đặt ra cho nhà tuyển dụng những câu hỏi hướng tới mục đích tạo ra sự đối thoại giữa họ và bạn. Từ đó bạn cũng có nhiều cơ hội để hiểu thêm về công ty cũng như cách thức làm việc của doanh nghiệp.

Ví dụ như các câu hỏi bạn cần nên tránh: Vị trí này có áp lực không?, Lương có được trả đúng hạn không?; Tôi sẽ không cần phải làm việc cuối tuần chứ?,…

Những câu hỏi cùng đề cập đến 1 vấn đề: Đặt ra những câu hỏi với nhiều chủ đề khác nhau sẽ giúp bạn thể hiện được sự quan tâm của mình đối với tất cả các khía cạnh của vị trí mình ứng tuyển.

Những câu hỏi quá riêng tư: Mặc dù bạn cần phải thiết lập mối quan hệ với người phỏng vấn của mình, nhưng cũng đừng đặt ra những câu hỏi cá nhân, không phải là những thông tin có thể dễ dàng công khai. Tuyệt đối không nên hỏi những câu liên quan đến thông tin cá nhân của người tuyển dụng.

Đừng nên hỏi những câu như: “Mức lương của chị/anh tại công ty là bao nhiêu?”, “Số điện thoại của anh/chị là gì?”, “ Nhà của anh/chị ở đâu?”,….

Lưu ý: Bạn cũng không nên đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng quá nhiều. Trước buổi phỏng vấn bạn có thể liệt kê ra một số những vấn đề mà mình muốn biết. Tuy nhiên, trong khi phỏng vấn bạn không nhất thiết phải có hỏi cho bằng hết các câu hỏi ấy mà hãy chọn ra những vấn đề mà bạn quan tâm nhất để hỏi. Điều này sẽ giúp cho bạn cũng như nhà tuyển dụng tiết kiệm thời gian hơn.

những câu hỏi nên tránh khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Hy vọng rằng hàng loạt những gợi ý trên về cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng mà THALIC VOICE chia sẻ có thể giúp ích trong buổi phỏng vấn của bạn. Hãy tham khảo và chọn lọc ra những cách phù hợp để có cho mình một bí kíp phỏng vấn hiệu quả nhất nhé. Và nếu như bạn vẫn chưa thấy tự tin về giọng nói cũng như các kỹ năng giao tiếp của mình thì hãy nhanh tay đăng ký các khóa học tại THALIC VOICE với những người bạn đồng hành, giúp bạn tiến bộ thêm từng ngày.