Món bánh tài lộc người Hoa – chưa cần mua về trưng, nhìn thu nhập khủng của người bán cũng đủ thấy ‘linh nghiệm’
Kể từ khoảng ngày 20 tháng chạp trở đi mỗi năm, trên đường Phùng Hưng, Nguyễn Trãi, Quận5, TP.HCM lúc nào cũng nhộn nhịp, đông đúc vì sẽ xuất hiện chuỗi các sạp rực rỡ sắc màu cả một góc ngã tư chợ Phùng Hưng. Các gian này là hàng bán bánh của người Hoa, mọi người tụ tập về đây dựng sạp mỗi năm một lần để bày bán các loại bánh đặc trưng trong Tết cổ truyền người Hoa như bánh tổ, bánh dính, bánh xếp, bánh mè… và đặc biệt là bánh lựu (bánh tài lộc).
MÓN BÁNH MANG NHIỀU MAY MẮN DỊP ĐẦU NĂM
Bánh tài lộc có nguồn gốc từ Quảng Châu (Trung Quốc), thường được mọi người mua về cúng ông Táo, cúng giao thừa và trưng hết một mùa Tết âm lịch. Bánh này có một cái tên rất phổ biến khác là bánh lựu, xuất phát từ hình dáng giống như trái lựu. Theo nhiều người Hoa cao tuổi, đây là loại bánh mang nhiều tốt đẹp, duyên lành đến cho gia đình, mọi người cúng bánh này phần lớn mong cầu con cháu đầy đàn hoặc là cầu tình duyên đôi lứa.
Bánh tài lộc còn được gọi là bánh túi tiền, bánh “chính túi” (theo tiếng Hoa là “kim đại”, có nghĩa là chiếc túi đựng vàng) vì hình dáng của nó cũng giống một chiếc túi vải chứa đầy tiền, vàng. Do đó bánh tài lộc còn được người Hoa cúng để mong cầu tiền tài, phước lộc đến với gia đình trong năm mới.
Ngoài ý nghĩa tốt đẹp theo quan niệm mà loại bánh này mang lại, nó còn đắt hàng bởi vì hình dáng khá bắt mắt. Chiếc bánh to tròn, được chiên vàng, dày đều mè, trên chóp còn nở một chiếc hoa nhỏ được quét sơn thực phẩm màu đỏ, có người còn vẽ thêm chữ Phúc, Lộc… để trông thu hút hơn. Bánh làm từ nguyên liệu chính là bột gạo, một số nơi làm thì dùng thêm bột mì và mạch nha, nhân bánh là hỗn hợp được nấu từ đậu phộng rang tách đôi, hạt sen, cốm làm từ nếp và đường mạch nha. Nhân sẽ được đặt trong miếng bột mỏng, to gần bằng bàn tay, sau đó nắn sao cho bánh thành hình bầu dục, tròn đều, cắt tạo hình.
MỘT MÙA TẾT BÁN HÀNG NGHÌN CÁI BÁNH
“Bạn hàng ruột” của bánh tài lộc không chỉ là các gia đình người Hoa sống tại TP.HCM mà nhiều người Việt cũng chuộng trưng cúng bánh này vào dịp Tết Nguyên đán.
Chị Thu Hương chia sẻ: “Mình ở Quận 5 nên cũng bị ảnh hưởng khá nhiều các phong tục ăn Tết của người Hoa, năm nào mình cũng mua 2 kí bánh này về cúng và trưng hết Tết. Mình một phần cũng tin vào ý nghĩa tài lộc, tình duyên mà nó mang lại, phần khác thấy món bánh này vừa đẹp vừa ngon. Mẫu mã nó khá phù hợp để Tết cổ truyền, vừa tròn căng mà vừa có màu đỏ đẹp.”
Chủ một gian hàng bán bánh bánh người Hoa trên đường Phùng Hưng chia sẻ: “Bánh túi tiền này mình bán chạy nhất trong các loại bánh của người Hoa, một ngày làm khoảng 10-15 kí bột gạo để bán bánh, chắc khoảng chừng gần 200 cái bánh, không đếm được vì vừa làm vừa bán.
Thông thường khách đến đây sẽ mua khoảng 2-3 kí bánh, bánh nhỏ thì 1 kí khoảng 4 cái, bánh lớn thì tuỳ loại 1 kí có thể 1 hoặc 2 cái bánh”.
“Mình sẽ bắt đầu mở bán vào 20 Tết, nhưng càng gần Tết sẽ càng bán được nhiều, khoảng 26 Tết đến 29 Tết, bán số lượng có khi gấp 3 gấp 4 ngày thường. Vì bánh túi tiền làm cũng cần nhiều công đoạn, nên dù làm nhân sẵn ở nhà nhưng cũng phải cần đến 4-5 người để vừa bán vừa nhào bột, nặn bánh và chiên liên tục thì mới đủ để bán mấy ngày này. Mấy ngày đông thì cứ cuống chân cuống tay vì làm không kịp” – Chị chủ sạp hàng bánh lựu Phùng Hưng.
Thử tính trên con số tối thiểu, ví dụ mỗi gian bán được 100 cái bánh một ngày, thì trong 10 ngày giáp Tết cũng bán được 1000 chiếc bánh, chưa kể những ngày đắt khách như 26 Tết, số lượng nhân gấp 3 thì đầu ra cho món bánh này phải trên 2000 cái là ít.
DOANH THU CHỤC TRIỆU MỘT NGÀY – BÁN MƯỜI NGÀY, LÃI “BÉO BỞ”
“Giá của loại bánh này là 250.000đ/kg. Mỗi ngày chiên 3 chảo, một chảo tầm 40 cái bánh, các ngày cao điểm bán gấp đôi, gấp ba lần số bánh những ngày mới dựng sạp. Mình làm đến đâu bán hết đến đó, trong ngày. Làm bánh này cả nhà cực lắm, nhưng truyền thống rồi, Tết về là làm bánh chở ra bán mới đúng mùa Tết.”
Một phép nhân đại khái thì các gian bán bánh người Hoa chỉ riêng bánh lựu sẽ có doanh thu khoảng chục triệu một ngày, chưa kể các loại bánh đặc trưng khác. Mà bánh lựu nguyên liệu chính là bột gạo, có giá thành khoảng 30.000đ – 40.000đ/kg, tính thêm vốn phải chi cho các nguyên liệu khác, thì một kí bánh làm ra khoản lãi thu được vẫn hấp dẫn vô cùng.
Các gian hàng bán món bánh hút người mua cả thị giác lẫn vị giác này đều có tuổi đời từ 30 năm trở lên, ngày thường dù nghề chính là việc gì, thì cuối năm vẫn đổi nghề sang làm bánh. Vì nguồn cầu rất cao và vị bánh rất “thảo”, nên công việc này dù có cực vẫn làm hài lòng được người bán lẫn người mua.
Kinh doanh bánh tài lộc người Hoa có dễ?
– Những người phù hợp với công việc này: Chị em nội trợ, các mẹ, cái dì lớn tuổi hoặc dân văn phòng có thời gian rảnh vào dịp cận Tết.
– Cách làm bánh: Cần nắm rõ công thức làm bánh của người Hoa, có thể học từ Internet.
– Cách bán: Bán online trên các trang mạng xã hội hoặc bán trực tiếp tại những nơi mua bán, họp chợ của người Hoa.
– Vốn bỏ ra: Có thể khởi điểm từ 5 triệu đồng vì giá thành nguyên liệu thấp nhưng cần cân đối số lượng khách hàng và lượng bánh sản xuất vì hạn dùng của bánh không quá lâu.
Nhu cầu: Là loại bánh hút khách vào dịp Tết Nguyên đán nhưng khả năng kinh doanh sau mùa Tết không cao.