Nét đặc sắc trong đám cưới của đồng bào dân tộc Thái ở Bá Thước
Nét đặc sắc trong đám cưới của đồng bào dân tộc Thái ở Bá Thước
Chuyện hôn nhân của các cặp nam nữ thanh niên khi trưởng thành từ bao đời nay đã trở thành quy luật của toàn xã hội. Cũng như những đồng bào dân tộc thiểu số khác, đồng bào dân tộc Thái có những quy ước rất chặt chẽ trong việc cưới hỏi, được thể hiện thông qua các nghi lễ, nghi thức. Tuy nhiên, để hòa nhập cùng với dòng chảy cuộc sống thì một số nghi lễ trong phong tục cưới truyền thống cũng được thay đổi để phù hợp.
Gia đình chú rể Hà Văn Hiếu chuẩn bị đến ăn hỏi nhà gái.
Một ngày cuối năm, chúng tôi may mắn được dự đám cưới của chú rể Hà Văn Hiếu, ở bản Son, xã Lũng Cao (Bá Thước) và cô dâu Ngân Thị Quỳnh, cùng bản. Cô dâu và chú rể đều là người dân tộc Thái, vì vậy đám cưới được tổ chức theo phong tục truyền thống của dân tộc mình. Bản Son cùng với bản Bá, bản Mười gọi chung là Cao Sơn, 95% dân số là người dân tộc Thái. Họ sống biệt lập và có những phong tục, tập quán riêng không rõ ràng giữa Thái đen và Thái trắng.
Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, từ xa xưa, trai gái người Thái ở Cao Sơn đến tuổi trưởng thành được chủ động tìm bạn đời cho mình. Đôi trẻ sau một thời gian tìm hiểu, mong muốn đi đến hôn nhân sẽ báo cho bố mẹ hai bên cùng biết. Sau đó, nhà trai sẽ cho ông/bà mối (thường là người hiểu biết nhiều, có tài tổ chức và đối đáp giỏi, gia đình hạnh phúc vẹn toàn, sống mẫu mực và có uy tín trong cộng đồng) mang 1 đấu gạo, 2 chai rượu, trầu cau, kẹo bánh… đến đánh tiếng với nhà gái. Trong buổi dạm ngõ này, sau khi gia đình hai bên đã ưng thuận, sẽ thống nhất với nhau ngày lành, tháng tốt để 2 bên gia đình cử đại diện đến gặp mặt trao đổi về việc tổ chức hôn lễ cho đôi bạn trẻ. Tại đây, nhà trai cũng thống nhất các điều kiện cho việc cưới xin với nhà gái. Tùy theo từng dòng họ mà làm lễ to hay nhỏ, thường lễ sẽ có ít nhất 4, 6 hoặc 8, 10 cho đến 12 gánh, gồm: gà, cá sấy khô, ống thịt chua, trầu cau, gừng, muối, thuốc lào được gói cẩn thận, buộc lạt đôi… Ngoài ra, nhà trai còn chuẩn bị trâm cài búi tóc, 2 nắm tóc độn, đôi bông tai, nhẫn, đôi vòng bạc cho cô dâu, 1 đôi cho mẹ vợ (để đền đáp công sinh thành dưỡng dục)… Tất cả đồ lễ sẽ được nhà trai sắp vào cái bung và clếp (đồ dùng đan bằng tre của người Thái) mới, rồi mang sang bên nhà gái. “Nhà gái ra điều kiện làm 8 lễ thì sẽ có 8 con gà, 8 ống thịt chua và các đồ lễ đi kèm làm quà cho anh em họ hàng bên nhà gái”, ông Hà Văn Viên, 50 tuổi, chú của chú rể, chia sẻ.
8 gánh lễ vật gồm trầu cau, bánh trái… được các thanh niên trong gia đình nhà trai gánh đến nhà gái.
Cùng với đồ sính lễ, nhà trai mang đến nhà gái làm lễ cưới một con lợn khoảng 100 kg, 100 cân gạo nếp, 60 lít rượu… Nhà gái sẽ mời anh em, họ hàng, bản trên mường dưới đến mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Đổi lại, trong thời gian chờ đến ngày cưới, nhà gái cũng phải chủ động sắm sửa hết mọi thứ, từ dệt vải, thêu thùa, mua váy, khăn đội đầu, chăn, gối, nệm… để làm quà biếu cho đầy đủ ông bà, bố mẹ, anh chị, cô dì, chú bác… bên nhà trai. Những quà biếu này vừa để bày tỏ tình cảm của nàng dâu mới đối với nhà chồng, vừa tự giới thiệu nếp đảm đang, tài khéo léo của mình. Nhà gái sắm được bao nhiêu đồ thì nhà trai phải chuẩn bị người khiêng lễ gấp đôi. Chẳng hạn, nhà gái mua 4 cái nệm thì nhà trai phải chuẩn bị 8 nam thanh niên đến khiêng về.
Sáng sớm ngày cưới, ở nhà gái, trong khi bên ngoài mọi người tất bật, chuẩn bị đồ đạc đưa cô dâu về nhà chồng thì trong nhà, những người phụ nữ đang thực hiện nghi lễ “tẳng cẩu” – lễ búi tóc ngược lên đỉnh đầu cho cô dâu. Đây là nghi lễ để lại nhiều dấu ấn không thể phai mờ trong suốt cả cuộc đời người phụ nữ Thái, bởi nó đánh dấu sự trưởng thành của người con gái, chứng tỏ rằng người con gái đã có chồng. Khi đã “tẳng cẩu” lên rồi thì người phụ nữ không được tự tiện “bỏ cẩu” xuống (buông tóc). Chỉ khi nào người chồng qua đời, người vợ mới “bỏ cẩu”. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại ngày nay cũng có phụ nữ Thái khi lấy chồng không “tẳng cẩu” do thỏa thuận của vợ chồng hoặc đặc thù ngành nghề công tác, nhưng phải được sự đồng ý của bố mẹ hai bên gia đình. Thực hiện nghi thức này, người được chọn để “tẳng cẩu” cho cô dâu nhúng lược vào bát nước cỏ mần trầu rồi chải tóc cho cô dâu, dùng tay vuốt ngược tóc từ sau gáy lên kèm theo lọn tóc độn và búi cuốn chặt. Khi búi tóc đã hoàn chỉnh thì cắm trâm bạc xuyên qua búi tóc để giữ cho “tẳng cẩu” không bị xổ ra. Vừa thực hiện nghi thức, họ vừa dặn dò cô dâu những điều hay lẽ phải trước khi về nhà chồng.
Hơn 10 giờ sáng, đoàn nhà trai có mặt ở nhà gái để đón dâu, cô dâu Ngân Thị Quỳnh rạng rỡ trong bộ đồ truyền thống, nổi bật giữa đám đông. Trong gian nhà chính, trước bàn thờ gia tiên, ông/bà mối dọn lễ gồm cơi trầu, rượu… giới thiệu các thành viên trong gia đình nhà trai. Chú rể lúc này sẽ mời rượu và quỳ lạy ông bà, bố mẹ, tổ tiên bên nhà gái để xin dâu và tạ ơn cha mẹ cô dâu. Theo phong tục của người Thái thì cha mẹ đã có công nuôi dưỡng con cái khôn lớn, khi con gái lấy chồng thì không quên công ơn cha mẹ. Sau một vài năm hay thậm chí cả chục năm tùy từng điều kiện của gia đình thì quay về làm lễ tạ ơn cha mẹ. Ngày nay, do điều kiện kinh tế phát triển, đời sống của bà con được cải thiện nên lễ tạ ơn cha mẹ thường được tổ chức ngay trong ngày cưới của cô dâu, chú rể.
Khi nhà trai đưa dâu về nhà, trong trường hợp chưa đến giờ đẹp đã được ấn định từ trước để đưa dâu vào nhà thì đoàn rước dâu gửi cô dâu ở bên nhà hàng xóm. Chờ đến đúng giờ, mới đưa dâu vào nhà. Khi bước chân vào nhà, cô dâu và chú rể tiếp tục trải qua nghi lễ “Rửa chân”. Người làm nhiệm vụ rửa chân cho cô dâu là mẹ chồng. Theo quan niệm của người Thái, việc mẹ chồng rửa chân cho cô dâu là muốn cô dâu gột sạch những bụi trần trước đây, cô dâu bước vào ngôi nhà mới với sự thánh thiện, từ nay trở về sau sống một cuộc sống mới bên nhà chồng, chăm lo làm ăn, hướng đến một gia đình hạnh phúc. Theo đó, mẹ chồng sẽ ngồi sẵn ở dưới chân cầu thang, chuẩn bị 1 chiếc nồi bằng đồng có 2 quai đựng nước bên trong và 1 gáo dừa. Khi cô dâu, chú rể bước một chân đầu tiên lên bậc cầu thang thì mẹ chồng lấy gáo dừa múc nước từ trong nồi đồng rửa chân cho cô dâu, chú rể. Xong xuôi, cô dâu, chú rể mới được bước chân vào nhà.
Bánh chưng vuông và bánh chóp nón là những lễ vật không thể thiếu trong các đám cưới hỏi của đồng bào dân tộc Thái ở Cao Sơn.
Tiếp theo là lễ trải chăn đệm. Nghi lễ này được thực hiện bởi “4 bà hạnh phúc”, gồm 2 người phụ nữ của họ nhà trai và 2 người phụ nữ của họ nhà gái. Họ đều phải là người khỏe mạnh và có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Tiến hành nghi lễ trải chăn đệm cho cô dâu, chú rể ở gian buồng cô dâu theo thứ tự: Trải chiếu cô dâu trước rồi chiếu chú rể trải lên trên, đệm cô dâu đến đệm chú rể, ga đệm cô dâu đến ga đệm chú rể… Trải xong, “4 bà hạnh phúc” mắc màn cưới phủ kín chăn đệm rồi đứng ở 4 góc đệm nói lời cầu may, chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Một phụ nữ khéo léo được chọn ngồi trên giường tân hôn, ôm một chiếc gối làm động tác ru con, với ý nghĩa mong hai vợ chồng sau này con đàn cháu đống, mãi mãi được hạnh phúc…
Sau lễ này, đôi trai gái chính thức thành vợ thành chồng và được họ hàng, làng xóm chúc phúc trăm năm. Bố mẹ chàng rể sẽ có đôi điều căn dặn, chỉ bảo nàng dâu mới những công việc trong gia đình, giới thiệu anh em họ hàng trong nhà và chúc hai con hạnh phúc. Bố mẹ và họ hàng hai bên sẽ tiến hành tặng quà cho cô dâu, chú rể lấy vốn xây dựng cuộc sống gia đình. Kết thúc nghi lễ tơ hồng, gia đình chú rể dọn cỗ cưới (được chuẩn bị khá chu đáo và thịnh soạn) để mời khách, mời anh em họ hàng cùng ăn và uống rượu mừng hạnh phúc. Trong đám cưới, các đôi nam nữ hai bên hát khắp, hát đối đáp giao duyên. Lời ca, tiếng hát, tiếng nhạc hòa quyện vào nhau. Và từ đây, đã có biết bao nhiêu đôi trai gái phải lòng nhau và đi đến hạnh phúc.
Được biết, tục lệ ngày xưa người con trai dân tộc Thái sẽ ở rể bên nhà vợ. Thời gian ở rể phụ thuộc vào từng dòng họ cũng như thỏa thuận của hai gia đình nhà trai và nhà gái. Nhưng phổ biến hiện nay là người Thái không còn ở rể, cưới xong có thể đón dâu ngay hoặc 3, 4, 7 ngày sau có thể về nhà mình. Ông Hà Văn Viên, cho biết: “Đám cưới kết thúc, cô dâu trở thành người bên nhà chồng, nhập họ nhà chồng và có trách nhiệm với gia đình bên nhà chồng và ngược lại họ nhà trai cũng phải có trách nhiệm với cô dâu”.
Ông Hà Nam Ninh, thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước – một người am hiểu về văn hóa Thái, chia sẻ: “Lễ cưới hỏi của người Thái chúng tôi hiện nay tuy đã giảm thiểu những thủ tục rườm rà, phức tạp, như: tục ở rể, tục rửa chân… cho phù hợp với thời đại mới. Nhưng, những nghi lễ có nhiều ý nghĩa như: lễ trải chăn đệm, lễ tạ ơn cha mẹ… vẫn được duy trì. Chính những nghi lễ này đã có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống vợ chồng, họ sống rất chung thủy với nền tảng gia đình bền chặt. Đó cũng là những nét đẹp trong đời sống văn hóa – xã hội hôm nay mà chúng ta cần giữ gìn, phát huy và trân trọng”.
Bài và ảnh: Tăng Thúy