Nét đẹp văn hóa Đồng bằng qua những chiếc cổng cưới lá dừa
Mục lục
Nét đẹp văn hóa Đồng bằng qua những chiếc cổng cưới lá dừa
Thứ bảy, 27/08/2022, 15:33 PM
(NSMT) – Cổng cưới lá dừa được xem là một trong những nét văn hóa độc đáo đặc trưng nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bởi sự tài hoa, khéo léo từ đôi bàn tay nhiều nghệ nhân “chân đất” thể hiện trên chính loại sản vật quê hương.
Cổng cưới lá dừa đã xuất hiện ở đám cưới miền Tây từ nhiều năm về trước, thời ông bà xưa đã tận dụng những sản vật cây nhà lá vườn để trang trí cho một buổi tiệc cưới tươm tất. Ngay khi đặt chân đến một buổi lễ cưới, vị trí cổng cưới sẽ trực tiếp thu hút sự chú ý của quan khách, cổng cưới lá dừa luôn khiến khách mời ấn tượng bởi nét đơn sơ, mộc mạc nơi thôn dã. Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều người càng muốn trở về ký ức với chiếc cổng cưới lá dừa đầy sự khéo léo tạo cảm giác trau chuốt trong ngày trọng đại.
Cổng cưới lá dừa được trang trí nhiều kiểu từ đơn giản đến cầu kỳ. (Ảnh: Internet)
Cổng cưới lá dừa được tạo nên từ nguyên vật liệu chính là thân, lá và đọt non của cây dừa nước, loại cây đặc trưng của xứ miệt vườn. Dừa nước được gọi tên như vậy chỉ đơn giản vì thuộc tính đặc biệt sống tại các vùng ngập nước như kênh rạch, vùng đất bãi bồi,… Dừa nước còn có tên dừa lá và là loài cây duy nhất thuộc họ cau sinh trưởng ở đầm lầy. Theo Wikipedia, dừa nước dù có thể cao đến 9 mét nhưng không được gọi là cây thân gỗ do đặc tính mọc ngang mặt nước, chỉ có lá và hoa ở trên, khi cho trái tạo thành chùm hình cầu dựng ngược trên bề mặt.
Cây dừa nước vô cùng thân thuộc với đời sống bà con khu vực ĐBSCL. (Ảnh: Internet)
Dừa nước ở miền Tây là một người bạn thân thuộc đối với nhà nông, đặc biệt khu vực Cà Mau diện tích dừa nước rất lớn theo đường ven biển cũng như diện tích rừng ngập mặn, ngập lợ. Người dân miền đồng bằng có thể thu hoạch dừa nước sử dụng trong cuộc sống với nhiều tác dụng khác nhau trên các bộ phận khác nhau của cây. Lá dừa, thân dừa, đọt dừa đều có thể sử dụng để lợp nhà hoặc đan rổ rá, mật nhựa dừa nước được lấy làm men rượu hay men giấm ở một số quốc gia Đông Nam Á. Khi nhắc đến trái dừa nước, bao người phải xuýt xoa vì một món ăn vặt chiếm trọn tuổi thơ của rất nhiều thế hệ từ thuở khai hoang lập đất xứ này.
Cơm dừa nước là món ăn vặt tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ em miền Tây. (Ảnh: Internet)
Không chỉ làm mái nhà, lấy mật hay lấy trái ăn chơi, người dân còn khai thác dừa nước để làm vật trang trí cho ngày trọng đại của các cặp uyên ương. Thân, đọt và lá non của dừa nước được các bàn tay thợ khéo léo, tỉ mỉ kết hoa, kết phượng để có một đám cưới thật lộng lẫy.
Thân, đọt và lá non dừa nước được tận dụng để trang trí cổng cưới. (Ảnh: Internet)
Từ xưa, thời ông bà đã tận dụng cây dừa nước làm cổng cưới, dù đơn sơ bình dị nhưng vẫn toát lên sự khéo léo, sáng tạo. Thời trước đây cũng chưa có nhiều nguyên liệu nên cổng cưới lá dừa cũng khá đơn giản, không quá nhiều chi tiết cầu kỳ, hầu hết chỉ có dừa và bà con lối xóm cùng quây quần trang trí.
Cổng cưới lá dừa thời trước không quá cầu kỳ nhưng đều rất đẹp. (Ảnh: Internet)
Thời gian sau này, vì để thuận tiện nên người dân chuyển sang mướn cổng cưới chất liệu vải, nhựa và khung thép, dành thời gian lo cho buổi tiệc và sửa soạn kỹ lưỡng hơn. Tuy vậy, cổng cưới lá dừa không hoàn toàn bị mai một, ở nhiều vùng quê xa trung tâm vẫn cố gắng gìn giữ nét văn hóa độc đáo và trở thành điểm nhấn gây sự chú ý mạnh mẽ.
Ở nhiều miền quê cổng cưới lá dừa vẫn luôn được ưu tiên lựa chọn. (Ảnh: Internet)
Đến nay, cuộc sống ngày càng hiện đại, càng nhiều người muốn gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa quê hương, quảng bá hình ảnh của những chiếc cổng cưới lá dừa đến bạn bè gần xa nên thường chọn cho đám cưới của mình chiếc cổng cưới kiểu “quê”. Không ngoài mong đợi, bạn bè thân hữu, quan khách xa gần đến dự tiệc đều choáng ngợp và thích thú với kiểu trang trí cổng cưới đậm chất miệt vườn và đều tranh thủ cùng nhau chụp những tấm hình đẹp nhất bên chiếc cổng độc đáo.
Cổng cưới lá dừa khiến quan khách tới buổi tiệc rất thích thú. (Ảnh: Internet)
Trang trí cổng cưới bằng lá dừa không chỉ để duy trì nét đẹp văn hóa nơi miền quê sông nước Cửu Long mà còn thể hiện sự trân trọng, trau chuốt cho ngày trọng đại cả đời của cô dâu chú rể và cả gia đình dành cho con cháu của mình. Tất cả các thành viên trong gia đình đều mong muốn về ngày vui đáng nhớ của đôi trai tài gái sắc. Kỹ lưỡng trong từng khâu chuẩn bị cũng chính là tôn trọng khách mời tham dự tạo cảm giác hứng thú, vui vẻ cho họ giúp gia chủ có một ngày vui trọn vẹn nhất.
Cổng cưới lá dừa có nhiều mức giá để lựa chọn. (Ảnh: Internet)
Hiện nay, xu hướng cổng cưới lá dừa đang trở lại ngày một nhiều với mong muốn lưu giữ nét đặc trưng văn hóa, đồng thời gợi nhớ về hồi ức một thời trên mảnh đất quê hương lam lũ. Tùy thuộc vào điều kiện gia đình, có nhiều mẫu cổng cho mọi người lựa chọn từ bình dân đến sang trọng. Có nhiều mẫu dao động từ 1-2 triệu đồng chỉ tương đương với một cổng cưới vải hoa nên dù đơn giản vẫn rất đẹp và thu hút, những mẫu cổng có giá thành cao hơn là do nhiều chi tiết cầu kỳ kết hợp cùng một số nguyên liệu hiện đại như hoa tươi,…. Cổng cưới lá dừa chính là nét văn hóa độc đáo của người dân miền Tây cần được lưu giữ và phát huy.