Nghi thức rước dâu “độc, lạ” nhưng không hay

Trừ những đám cưới của hai nhà gần nhau, còn lại khoảng cách giữa hai nhà thông gia từ vài ba cây số trở lên là nhà trai, chú rể thường thuê những chiếc xe 4 chỗ sang trọng rồi kết hoa, trang trí đẹp mắt để đến rước đón cô dâu về nhà chồng. Việc chọn xe hoa là chiếc ô tô 4 chỗ để đi đón cô dâu vừa thể hiện nét đẹp văn minh trong ngày cưới, vừa phù hợp với nếp sống văn hóa mới cả ở nông thôn và thành thị.

Tuy nhiên, thời gian qua, trên mạng xã hội thỉnh thoảng lại ồn ào những câu chuyện rước dâu “không giống ai”. Nhiều đôi uyên ương muốn có một lễ rước dâu khác người bằng cách trang trí hoa cưới lòe loẹt trên xe công nông, xe ô tô tải, xe máy xúc, xe container… rồi nối đuôi nhau trên đường để đưa nàng về dinh.

leftcenter rightdel

Cô dâu người Dao đỏ ở Tuyên Quang chuẩn bị trang điểm trước khi về nhà chồng. Ảnh minh họa: Báo Ảnh dân tộc và miền núi.

Nhân cơ hội này, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đã đưa tin, cổ xúy bằng những lời lẽ “mật ngọt” như: “Người dân thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) thích thú với đoàn rước dâu bằng hàng chục xe tải trang trí hoa cưới”; “Nhiều người huyện Nghi Lộc (Nghệ An) hoan hỉ với đám cưới rước râu bằng xe máy xúc”; “Lễ rước dâu độc đáo bằng xe công nông ở huyện miền núi Nghệ An”;  “Chú rể vượt 80km rước dâu bằng 12 xe đầu kéo container ở Bến Tre”; “Chú rể Đồng Nai mang 6 container đi đón dâu khiến nhà gái bất ngờ”; “Dân mạng trầm trồ với những màn rước dâu bằng dàn xe đầu kéo “khủng”; “Chú rể Lâm Đồng chơi độc: Rước dâu bằng xe đầu kéo container”…

Việc rước dâu bằng phương tiện nào là quyền của các cặp đôi uyên ương trong ngày cưới. Vì theo pháp luật hiện hành chưa có quy định, chế tài nào đối với vấn đề này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, việc trang trí hoa cưới lòe loẹt trên xe công nông, xe ô tô tải, xe máy xúc, xe container… có thể tạo ra niềm vui nhất thời cho đôi bạn trẻ và mang đến hình ảnh “bắt mắt” cho một bộ phận người dân hiếu kỳ, nhưng lại không phù hợp với nếp sống văn minh và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ. Vì các loại xe này có chức năng riêng biệt, chứ không phải dùng chuyên chở hành khách, huống chi đây là “hành khách đặc biệt” trong một ngày lễ đặc biệt của mỗi người.

Trong thời đại công nghệ thông tin và mạng xã hội bùng nổ, bất cứ thông tin, hình nào “mới, độc, lạ” cũng có thể gây sự tò mò cho người đọc, người xem. Phải chăng, “đánh trúng” vào tâm lý hiếu kỳ này mà nhiều người đã chủ động tạo ra những hình ảnh “không giống ai” với nhiều mục đích như: Tạo ra sự khác biệt để hút mắt người xem; muốn “nổi như cồn” trong cộng đồng mạng; muốn câu like, câu view để được nhiều người biết đến và bán được nhiều hàng online… Đó cũng là lý do nhiều người trẻ hiện nay muốn nhanh “nổi tiếng” bằng việc tổ chức những đám rước dâu trên các phương tiện giao thông cơ giới không phù hợp.

Một trong những trách nhiệm của báo chí là thường xuyên tuyên truyền, cổ vũ những cái hay, cái đẹp, cái tốt. Báo chí cũng có quyền đưa tin những cái mới nảy sinh trong đời sống xã hội, nhưng cái mới đó phải phù hợp (và góp phần mang lại) lợi ích, giá trị tích cực cho cộng đồng. Việc báo chí, truyền thông đưa tin, hình ảnh về các đám cưới rước dâu bằng xe công nông, xe ô tô tải, xe máy xúc, xe container… vô hình trung cổ xúy cho trào lưu, lối sống không phù hợp với những giá trị văn hóa, nếp sống văn minh mà chúng ta đang xây dựng. Đó là tổ chức lễ cưới tiết kiệm, giản dị, văn minh, không lãng phí, không phô trương hình thức, không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ.

LÝ XUYÊN