Những bản vọng cổ lay động của Thanh Kim Huệ
“Biển tình”, “Rước tình về với quê hương”… là những bản tân cổ giao duyên do Thanh Kim Huệ thể hiện, lay động cảm xúc khán giả.
Nghệ sĩ cải lương Thanh Kim Huệ qua đời ở tuổi 67 sau thời gian bệnh ung thư. Trong sự nghiệp, ngoài tuồng cổ, bà được khán giả hâm mộ với những bản tân cổ giao duyên.
Về tài ca diễn vọng cổ của Thanh Kim Huệ, nghệ sĩ Bạch Tuyết nói: “Một chất giọng ngọt, mượt mà, là lạ. Nghe Thanh Kim Huệ ca vọng cổ rất đã, rất hay và không hề vướng vào sự bi lụy. Một bài ca buồn, một nhân vật có số phận bi ai nhưng qua giọng ca Thanh Kim Huệ, qua cách cô xây dựng nhân vật, nỗi buồn nhè nhẹ nhưng thẳm sâu như chính con người của Huệ”.
Biển tình
Biển tình được nhạc sĩ Lam Phương sáng tác dựa trên xúc cảm một đêm trăng trên biển ở Nha Trang cùng ca sĩ Minh Hiếu. Phần vọng cổ do soạn giả Thế Châu viết, kể về chuyện tình của đôi trai gái. Chất giọng ngọt ngào khi hát và cao vút, dài hơi khi ca vọng cổ của Thanh Kim Tuyền tạo nên dấu ấn không thể trộn lẫn.
‘Biển tình’ do Thanh Kim Huệ và Minh Vương thể hiện
“Biển tình” do Thanh Kim Huệ và Minh Vương thể hiện. Video: Cổ nhạc Phương Nam
Năm 1972, Thanh Kim Huệ được hãng đĩa Việt Nam mời ký độc quyền với số tiền 200.000 đồng (khoảng 200 triệu đồng hiện nay) để thu ba bài tân cổ đầu tiên là Biển tình, Yêu lầm, Nhớ người yêu cùng nghệ sĩ Minh Vương. Các tác phẩm gây ấn tượng mạnh trong lòng công chúng, mở đầu cho hàng loạt bài tân cổ giao duyên làm giới mộ điệu say mê. Thanh Kim Huệ khi đó miệt mài trong phòng thu. Có ngày, bà thu âm từ 9h đến 17h, xong lại chạy vội đến rạp để chuẩn bị cho suất diễn tối.
“Yêu lầm” – Thanh Kim Huệ
Bài “Yêu lầm” (tân nhạc: Dương Hoàng Hoa – Phương Triều, vọng cổ: soạn giả Loan Thảo) do Thanh Kim Huệ và Minh Vương thể hiện. Video: Cải lương – Tân cổ trước 1975
Chợ Mới
‘Chợ Mới’ – Thanh Kim Huệ
“Chợ mới” do NSND Trọng Hữu – NSƯT Thanh Kim Huệ. Video: YouTube Nhacquehuong2013
Bài vọng cổ do soạn giả Trọng Nguyễn sáng tác trong một lần về thăm huyện Chợ Mới (An Giang). Khi ngồi uống cà phê ở cầu Cái Tàu Thượng, ông nhìn thấy một cô gái ngồi bên bờ sông Tiền giặt áo và chợt bật lên câu nói: “Cái chợ có hồi nào và bao nhiêu tuổi/ Mà ai cũng bảo là Chợ Mới quê hương…”. Sau đó, ông thấy những đoàn xe đưa thanh niên địa phương lên đường nhập ngũ và sự bịn rịn của người thân. Dựa trên cảm xúc ấy, ông hoàn thành bản Chợ Mới chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ.
Tác phẩm do Thanh Kim Huệ và Trọng Hữu thể hiện, được người dân Nam bộ yêu thích, phát ở khắp nơi. Trong một buổi giao lưu, bà nói: “Đi tới đâu cũng nghe, trong các dịp lễ, cưới xin…”. Sau Chợ Mới, soạn giả Trọng Nguyễn nhiều lần gặp Thanh Kim Huệ để trò chuyện và nhờ bà thể hiện tác phẩm của ông.
Rước tình về với quê hương
‘Rước tình về với quê hương’ – Thanh Kim Huệ
“Rước tình về với quê hương” do Thanh Kim Huệ và Minh Cảnh thể hiện. Video: YouTube Nguyễn Thành Nhân
Phần tân nhạc do Hoàng Thi Thơ sáng tác năm 1973, sau đó được soạn giả Loan Thảo viết lời vọng cổ, khắc họa đám cưới tươi vui, nhộn nhịp nơi làng quê. Thanh Kim Huệ phô diễn được chất giọng hiếm có qua những giai điệu trữ tình ngọt ngào và ca hơi dài cách tân vọng cổ. Bà cùng nghệ sĩ Minh Cảnh hát đối đáp như đôi tình nhân đưa nhau về quê xây dựng hạnh phúc. Tác phẩm sau đó được nhiều thế hệ khán giả yêu thích và phát nhiều trong các đám cưới.
Đám cưới trên đường quê
‘Đám cưới trên đường quê ‘ – Thanh Kim Huệ
“Đám cưới trên đường quê” do Thanh Kim Huệ và Minh Cảnh trình bày. Video: YouTube Tân cổ xưa
Phần lời tân nhạc của Hoàng Thi Thơ mang giai điệu tươi vui, tái hiện khung cảnh đám cưới với đàn bướm bay, chim non véo von, bà con xóm giềng tới chúc phúc. Lời vọng cổ do soạn giả Yên Lang viết, là lời đối đáp của chàng trai với cô gái nhà bên – người anh thương thầm – trước khi cô đi lấy chồng. Tác phẩm qua giọng ca của Thanh Kim Huệ và Minh Cảnh trở thành một trong những bản tân cổ giao duyên nổi tiếng.
Tiếng chày trên sóc Bom Bo
‘Tiếng chày trên sóc Bom Bo’ – Thanh Kim Huệ
Thanh Kim Huệ hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” trong chương trình “NSND Viễn Châu với quê hương Trà Cú”. Video: YouTube Văn Vỹ Nguyễn
Tiếng chày trên sóc Bom Bo được Viễn Châu viết lời vọng cổ dựa trên bài tân nhạc cùng tên của Xuân Hồng, “đo ni đóng giày” cho Thanh Kim Huệ. Khi ấy, nghệ sĩ mới 13 tuổi, nổi tiếng với chất giọng sáng, trong trẻo. Hình ảnh bà mặc xà rông, tóc quấn khăn khoe hơi ca dài, luyến láy điệu nghệ khiến khán giả thích thú.
Trong một cuộc giao lưu, nghệ sĩ từng nói: “Tôi hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo mấy chục năm rồi, cho tới bây giờ hễ đi diễn các tỉnh tôi vẫn được yêu cầu hát bài này. Ra tới Bình Phước thì ôi thôi bà con vỗ tay quá chừng, cứ như gặp lại cố nhân. Bác Bảy Viễn Châu đã làm cây cầu nối cho vọng cổ dài ra tới bà con. Từ chỗ thích bài này, bà con nghe luôn những bài khác, rồi thấm hồi nào không biết, rồi mê vọng cổ”.
Hiểu Nhân