Những câu hỏi đặt ra từ một vụ bạo lực học đường
Đành rằng bạo lực học đường bao giờ cũng là một hiện tượng không hay, không bình thường, song diễn biến vụ việc này cho thấy có nhiều dấu hiệu đáng báo động.
Thứ nhất là về nguyên nhân dẫn đến hành vi trừng phạt HS của giáo viên (GV): em HS ấy sau khi được thầy chỉ định phát biểu đã trả lời trôi chảy, GV không những không khen thưởng mà còn phạt vì lí do “biết mà không nói”. Đây là một điều hết sức phi lý, chứng tỏ sự lệch lạc trong suy nghĩ, nhân cách của GV. Hình thức phạt lúc đầu là buộc HS phải đứng trong lớp, đến tiết học sau GV lại tiếp tục phạt HS vì lỗi hôm trước.
Việc làm của GV nọ là hoàn toàn sai trái. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, nếu HS vi phạm kỉ luật, GV có quyền buộc HS nghỉ học một tiết, và tiết học sau được tiếp tục học tập. Vì vậy, hình thức buộc HS đứng trong giờ học và tiếp tục áp dụng hình thức kỉ luật vì lỗi của giờ học trước là sai quy chế. Thế nhưng, hiện nay nhiều GV vẫn tự tiện “sáng tạo” các hình thức trừng phạt có tính nhục mạ HS như: buộc đứng dậy trong giờ học, buộc đứng góc lớp…hay đuổi học liên tục nhiều tiết liền, hạ điểm kiểm tra, phạt tiền…
Điều ấy cho thấy vẫn còn nhiều GV lạm dụng quyền lực, ứng xử thiếu nhân văn, thiếu công bằng đối với HS, hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương “trường học thân thiện” của Bộ GD-ĐT. Điều đáng nói là những hành vi này vẫn chưa được ngăn chặn một cách triệt để, kiên quyết từ phía những cán bộ quản lý giáo dục.
Thứ hai là hành vi trừng phạt của GV nọ mang tính bạo lực, xúc phạm nặng nề đến thân thể, nhân phẩm của HS (vì đánh ngay trước mặt các HS khác), có dấu hiệu phải xử lý theo luật hình sự. Điều chúng tôi băn khoăn là ở chỗ: Tại sao cả lớp cứ ngồi nhìn bạn bị thầy đánh đập một cách dã man, oan uổng trong một thời gian tương đối dài mà không có những hành vi can ngăn, phản đối, hoặc báo với ban giám hiệu để can thiệp.
Có thể có các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên: Một là do HS không được cung cấp đầy đủ thông tin về quyền của người học, hai là do các em sống trong môi trường bị áp chế đã quen, không dám phản ứng trước việc làm sai trái của GV và ba là các em không tin tưởng vào sự can thiệp của ban giám hiệu.
Sự việc trên khiến cho chúng tôi có một câu hỏi nhức nhối: Phải chăng HS của chúng ta đã trở nên vô cảm? Liệu sau khi ra đời, các em có còn biết phân biệt phải trái, đúng sai, có dám lên tiếng, hành động trước những điều vô đạo, phạm pháp trong cuộc sống? Vấn đề này rất cần được mổ xẻ, bàn bạc một cách thấu đáo.
Khoản 1, điều 86 Luật Giáo dục quy định quyền của người học: “Được nhà trường, cơ sở giáo dục khác tôn trọng và đối xử bình đẳng, được cung cấp đầy đủ thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình”. Khoản 6 điều 86 Luật Giáo dục cũng xác định người học có quyền: “Được trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp của mình kiến nghị với nhà trường, cơ sở giáo dục khác các giải pháp góp phần xây dựng nhà trường, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người học”.
Luật đã ghi rõ như thế, song hầu như các nhà trường đã cố tình “quên”: trong các phòng học luôn treo nội quy học sinh, hoặc quy định “những điều cấm” hay “quy định kỷ luật”; việc nhà trường lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của HS thì còn đang hiếm hoi. Ở trường chúng tôi, trường đã thu tiền gửi xe, nhưng khi làm mất thì không đền, phụ huynh “kêu” mãi cũng nản nên bỏ cuộc. Có những lớp được phân công những GV quá yếu chuyên môn, HS không biết “kêu” ai, đành chịu thiệt thòi.
Càng lạ hơn nữa khi đại diện ban giám hiệu trường THPT bán công Nguyễn Khuyến trả lời báo chí rằng không hề biết sự việc xẩy ra, phải chờ đến chiều ngày 18/2 khi gia đình báo cáo mới biết, và hứa sẽ “kiểm tra”. Mặc dù đây là một sự việc nghiêm trọng, diễn ra ngay trong giờ học chính khóa, gây ồn ào và chắc chắn là các lớp, các GV đang giảng dạy bên cạnh không thể không biết. Ban giám hiệu có nhiệm vụ trực, theo dõi công tác dạy học, ngoài ra còn có nhân viên bảo vệ, Đoàn trường… Trong khi xẩy ra sự việc, không biết các thành viên ban giám hiệu, nhân viên bảo vệ, Đoàn trường…đi đâu, làm gì?
Báo Dân trí ngày 20/2 phản ánh: “Trao đổi qua điện thoại lúc 21 giờ tối ngày 19/2, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Thắng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho biết, ngay trong sáng ngày 20/2, Sở đã giao ban với Hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn nhưng không nghe báo cáo vụ việc”.
Còn bài báo ngày 22/2 cũng có thông tin: “Chiều 21/2, chúng tôi đã tìm gặp nhiều lãnh đạo của ngành giáo dục Quảng Nam. Nhưng tất cả đều từ chối trả lời quan điểm về vụ việc. “Tất cả mọi việc chúng tôi đang xử lý và không muốn báo chí quan tâm…” – một lãnh đạo ngành giáo dục nói”.
Tại sao một vụ việc nghiêm trọng xẩy ra ngay trong giờ học mà nhà trường không biết, khi biết thì không báo cáo lãnh đạo Sở, và lãnh đạo Sở GD-ĐT lại không trả lời báo chí, “không muốn báo chí quan tâm”?
Những điều “không” đó cùng nói lên một cái “có” và đang rất nặng nề: đó là “bệnh thành tích”, xu hướng né tránh trách nhiệm, quan liêu của một số cán bộ quản lý giáo dục. Đây chính là nguyên nhân khiến cho tình trạng tiêu cực trong giáo dục gia tăng và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Thứ ba, trong bài viết tiếp về sự việc trên báo Dân trí ngày 22/2/2009, ban giám hiệu trường THPT bán công Nguyễn Khuyến xác nhận: “…thầy Lê Văn Châu đã có thâm niên gần 10 năm giảng dạy môn Lịch Sử. Đánh giá về chuyên môn, nhà trường khẳng định thầy Châu là một giáo viên có trình độ, nhưng tính tình nóng nảy, thường xuyên nạt nộ hoặc dùng hình phạt để răn dạy đối với học sinh. Trước đây, cũng đã xảy ra một số trường hợp nhưng không gây thương tích cho học sinh nên bản thân các em và gia đình không có ý kiến”.
Bài báo viết tiếp: “Nhiều học sinh học giờ Sử của thầy Châu tại trường Nguyễn Khuyến (đề nghị không nêu tên) cho biết: Mỗi khi đến giờ Sử của thầy là các em lo sợ. Bởi thầy thường áp dụng hình phạt rất ngược đời: biết cũng phạt, không biết cũng phạt”.
Thật lạ lùng, một GV thường xuyên nạt nộ hoặc dùng hình phạt, đã nhiều lần “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đối với HS, lại áp dụng hình thức phạt “ngược đời” nhưng không hề được nhà trường nhắc nhở, kỉ luật, vẫn ung dung giảng dạy, trở thành nỗi sợ hãi của HS. Nếu như không có sự việc nghiêm trọng này và không có sự lên tiếng của báo chí, thì thầy Châu vẫn cứ “bình chân như vại”.
Bác Hồ đã từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Cứ cho thầy Châu là một GV có năng lực, nhưng rõ ràng nhân cách “có vấn đề”, không xứng đứng trên bục giảng. Nếu GV như thế vẫn tiếp tục đứng lớp, sẽ gây nên những hậu quả khôn lường về nhân cách cho HS.
Không hiểu các tổ chức của nhà trường như ban giám hiệu, chi bộ, công đoàn, hội đồng GV, tổ, nhóm chuyên môn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình như thế nào. Đáng ra trước hiện tượng ứng xử bất thường, mang tính phản giáo dục của GV, nhà trường phải hành động ngay để ngăn chặn: góp ý, phê bình, kiểm điểm, cần thiết thì họp kỉ luật, báo cáo cấp trên. Đành rằng thầy Lê Văn Châu phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, nhưng sự buông lỏng trong quản lý của nhà trường cũng là một nguyên nhân gây ra sự việc.
Người xưa có câu nói đại ý: Coi thường một lỗ thủng nhỏ, có thể làm đắm cả con thuyền. Mong rằng qua sự việc đáng tiếc nói trên, các cấp quản lý giáo dục sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm cần thiết.
Trần Quang Đại
(Giáo viên trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh)
LTS Dân trí – Ngăn chặn mọi hình thức bạo lực trong học đường là mục tiêu và cũng là biện pháp quan trọng nhằm xây dựng môi trường sư phạm chuẩn mực và giáo dục nhân cách cho học sinh. Đáng tiếc là tình trạng đó vẫn xảy ra trong nhà trường, mà người gây ra ở đây lại chính là người thầy đứng lớp, một tấm gương phản diện hết sức xấu đối với học trò.
Đánh học sinh đến nỗi phải đi nhập viện quả là một sự cố nghiêm trọng không thể dung thứ đối với người thầy. Đấy còn là trách nhiệm của hiệu trưởng, của Ban giám hiệu và các đoàn thể trong nhà trường. Chính quyền địa phương cũng như các cơ quản lý giáo dục cấp trên cần làm sáng tỏ vụ việc này và công khai kết quả xử lý làm tấm gương cho mọi nơi khác rút kinh nghiệm để không bao giờ xảy ra những trường hợp tương tự.