Những câu hỏi thường gặp trong các cuộc phỏng vấn | CareerBuilder.vn

Những câu hỏi thường gặp trong các cuộc phỏng vấn


Bạn vừa nhận được lời mời hẹn ngày phỏng vấn của một công ty mà bạn rất muốn làm việc ở đó. Và bạn đang rất bối rối không biết phải chuẩn bị những gì cho cuộc phỏng vấn sắp tới. Sau đây là những câu hỏi thường gặp ở hầu hết những cuộc phỏng vấn, chúng sẽ giúp bạn khá nhiều để có thể qua được cuộc “đối đầu” cam go sắp tới.

Bạn hãy giới thiệu về mình? Với câu hỏi này bạn nên nhấn mạnh đến những kỹ năng, tính cách, cũng như những quan điểm của bạn về công việc, nghề nghiệp hơn là những thao thao bất tuyệt về sở thích, về cuộc sống cá nhân của mình. Hãy nói về những khát vọng nghề nghiệp, những điều bạn học hỏi được từ những công việc đã qua của mình, thậm chí là các hoạt động từ thiện, sự tham gia vào những tổ chức đoàn, hội, câu lạc bộ mà bạn đã từng tham gia.

Thế mạnh của bạn là gì? Nếu bạn quan tâm và có khả năng vượt qua những thách thức trong cuộc sống, thì đây là những thế mạnh thật sự của bạn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bạn có thể kể ra hàng loạt những kỹ năng của mình như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, … Nên nhớ là bạn cần chuẩn bị những ví dụ cụ thế để chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy được những ưu điểm của bạn là … có thật, chứ không chỉ là những lời nói suông.

Những điểm yếu của bạn? Đây là một câu hỏi khó và thường ít được dùng trong các buổi phỏng vấn. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không phải chuẩn bị câu trả lời cho những câu hỏi dạng này. Nếu bạn nói về những điểm yếu của mình như thói ngồi lê đôi mách, sự lười biếng thì tốt nhất là nên về nhà cho rồi! Có thể nói đến những điểm yếu như tính thiếu kiên nhẫn, hay hạn chế trong việc làm việc theo nhóm,… và cũng để cho nhà tuyển dụng thấy bạn nhận biết được những hạn chế của mình và sẽ khắc phục được chúng trong thời gian sớm nhất.

Bạn có muốn hỏi gì về công ty của chúng tôi? Nếu bạn thật sự muốn làm việc ở nơi đây thì sẽ có rất nhiều điều bạn muốn biết về công ty này; và đây sẽ là thời điểm tốt nhất để bạn đặt câu hỏi cho họ. Có thể hỏi về cơ cấu tổ chức của công ty, những sản phẩm, môi trường làm việc, chương trình huấn luyện nhân viên hay những hoạt động vì cộng đồng của họ. Nên tránh những câu hỏi như “Tôi có thể thăng tiến đến mức nào nếu làm việc ở đây?”, “Bao lâu thì tôi được tăng lương?” v.v…

Bạn nghĩ sự nghiệp của mình trong 10 năm tới sẽ ở đâu? Hãy cẩn thận với câu hỏi kiểu này. Dù cho bạn chỉ coi công ty này như một bước đệm để có một chổ làm tốt hơn sau này thì cũng đừng nên để cho nhà tuyển dụng biết điều đó. Hầu hết các nhà tuyển dụng điều biết rằng họ không thể giữ chân được tất cả nhân viên của mình làm việc lâu dài nhưng họ sẽ không thích tuyển một người ngay khi mới bước chân vào công ty của họ đã bộc lộ ý định này.

Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ? Đây không phải là lúc để bạn nói xấu cấp trên, công ty của của bạn. Hầu như chúng ta đều có những lý do riêng của mình khi quyết định rời bỏ công ty cũ, và hầu như chúng ta cũng có những ấn tượng không tốt về nơi làm việc ở đó. Tuy nhiên, khi được lý do của việc rời bỏ nơi cũ, bạn nên nêu lên những lý do như: muốn có những thách thức mới, muốn giảm bớt thời gian đi lại, hoặc muốn có thời gian nhiều hơn để chăm sóc gia đình… hay một nguyên nhân nào đó không liên quan đến những xung đột cá nhân của mình với công ty cũ. Nếu bạn đang định nêu ra một nguyên nhân nào đó cho việc nghỉ làm (chổ cũ) của mình, nên chuẩn bị những câu giải thích cho nó để không gây sự không rõ ràng với những người chủ mới của mình.

Tốt nhất bạn nên thực hành (phỏng vấn) trước với người thân ở nhà mình. Cần nhớ là bạn không được nói dối vì tất cả những gì bạn nói đều có thể được kiểm chứng ngay hoặc sau khi bạn vô làm ở nơi đây. Sẽ thật tệ hại khi sếp mới của bạn thấy được những gì bạn nói là không đúng sự thật, lúc đó có khi bạn lại phải chuẩn bị tâm thế cho một cuộc phỏng vấn tìm việc khác!

  Theo HrVietNam